30 lá thư từ đạn lửa
Năm 1966, Mỹ ném bom ác liệt xuống miền Bắc, Phan Huy Chương (SN 1933) là bộ đội chính quy Quân khu IV bỏ suất đi học ở Liên Xô viết đơn tình nguyện đi sâu vào chiến trường. Để lại người vợ trẻ Phan Thị Bé (SN 1933, TP Vinh, Nghệ An) cùng 3 con gái ở lại, trong đó đứa út mới chỉ được 4 tuổi, suốt quãng thời gian từ 1963 - 1967, người lính ấy đã liên tục gửi thư về cho vợ, như một cách để nối liền nhớ thương, xóa nhòa xa cách biền biệt thời chiến.
Trong 30 bức thư, có khi vui vẻ, hi vọng, khi nồng nàn nhớ thương, lãng mạn: “Thao thức quá, nhớ em tê dại, hôn em trăm nghìn cái hôn. Anh của riêng mình em…”. Và có cả những trách móc, hờn giận khi đợi thư vợ mà chưa thấy hồi âm: “Mình định không gửi thư nữa, mình nén cái tức giận vô cùng của mình trong con tim mình, mình thấy căm uất lắm. Mình thấy mình bị khinh thị quá. 2 tuần rồi, mình gửi cho cậu bao nhiêu lần thư có biết không? Thú thật với Bé, mình thấy đau khổ quá…”.
Có những bức thư ông dành thời gian tâm sự với các con, về cuộc sống, về cuộc chiến tranh và trách nhiệm của mỗi người dân trước vận mệnh của dân tộc. Để các con hiểu tại sao ông phải ra đi vào chiến trường. Rồi tưởng tượng đến ngày hòa bình thống nhất, ông sẽ về, đưa các con đi chơi, bày dạy các con học. Gia đình sum họp, các con gái lớn lên sẽ rất xinh đẹp, giỏi giang. “Rất thương và nhớ em quá đỗi, nhưng biết làm sao được khi Tổ quốc lâm nguy… Anh đã chiến đấu chống Pháp 5 năm, giờ vẫn sống và hiện tiếp tục chiến đấu. Anh sẽ về với em, khi nước nhà thống nhất. Em hãy tin ở anh!”.
Ông muốn gửi cả niềm tin chiến thắng, vào hòa bình ấy về cho vợ con. Nhưng hơn ai hết, là người lính, đối diện trước họng súng kẻ thù, có thể ngã xuống bất cứ lúc nào:
“Em phải xác định lấy chồng bộ đội thời chiến phải chấp nhận hi sinh nhiều thứ để chồng yên tâm giết giặc. Mà đi giết giặc thì có ai bảo rằng không bị giặc giết đâu? Chiến tranh là vậy. Anh phải xác định tư tưởng cho em trước… Anh là chỉ huy, là Bí thư chi bộ, là chính trị viên trong đơn vị, phải gương mẫu, dũng cảm hơn ai hết…”.
“Dẫu có đau khổ đến mấy mong em vẫn chịu đựng được. Dẫu sau này cuộc sống chung có rộn ràng bao nhiêu, cuộc sống riêng có âm thầm, day dứt đến đâu thì em vẫn phải tự hào, vẫn phải xác định sống, phải làm việc hơn nữa, chăm lo con cái để chúng lớn lên xây dựng Tổ quốc tươi đẹp”.
Trong lá thư gửi về ngày 6/3/1967, ông báo tin: “Thế là anh đã sang đến đất bạn Lào mấy tháng rồi”. Nhưng rồi từ đó bặt tin, người vợ trẻ không nhận được lá thư nào từ chiến trường nữa. Bà trấn an rằng, bên kia nước bạn Lào, núi rừng cách trở, khó khăn... Hơn 9 tháng sau, gia đình nhận được tin, nhưng không phải là một lá thư mong mỏi, mà là giấy báo tử gửi về.
Lúc ấy, bà Phan Thị Bé mới chỉ ngoài 30 tuổi. Bao nhiêu gánh nặng cuộc sống chồng chất lên vai, trong cái chông chênh của ngôi nhà từ nay thiếu hẳn người chồng, người cha. “Tôi quen được anh dặn dò, yêu thương, động viên. Dù trước đó đi xa, anh vẫn luôn thư, biết tình hình ở nhà để chia sẻ với vợ. Chỉ còn lại một mình, nhưng còn 3 đứa con gái, tôi chỉ biết phải cố nuôi nấng các con nên người, như những gì anh mong muốn trong thư gửi về. Có điều kiện sẽ tìm mộ anh để các con báo công với ba nó”, bà Phan Thị Bé nhớ lại.
Ba cô gái bé bỏng của liệt sỹ Phan Huy Chương lần lượt trưởng thành, đi làm cô giáo, có gia đình riêng. Điều đau đáu duy nhất suốt bao nhiêu năm, là vẫn chưa tìm được mộ của ba. Cuối cùng, gia đình sang Lào, nơi liệt sỹ Phan Huy Chương hi sinh, xin một nắm đất đem về đặt lên bàn thờ hương khói cho người đã khuất, an ủi cho người đang sống.
|
“Đừng đùa bỡn với cuộc sống đấy”!
“Mùa Thu năm 1969, hung tin đã đến, giấy báo tử anh hi sinh ở mặt trận phía Nam, ngày 16/9/1966. Không khí đau buồn bao trùm cả nhà… Mẹ không ăn uống gì cả trong mấy ngày liền. Bố khóc đỏ cả mắt, uống rượu nhiều rồi cầm cây nhị kéo những bài bi ai, buồng thương nẫu ruột. Một tháng sau, bố kiếm ít xi măng xây một cái mộ giả để thờ vọng anh và bố cứ day dứt là chưa có di ảnh của anh. Năm tháng buồn đau đi theo suốt cuộc đời bố mẹ” – đó là dòng tâm sự của ông Dương Xuân Hoan (xã Hưng Đông, TP Vinh, Nghệ An) viết về người anh trai – liệt sỹ Dương Xuân Hoàng. Người anh đã ngã xuống trong ngút ngàn Trường Sơn khi chưa có vợ con, tuổi 20 hiến trọn cho Tổ quốc.
Ông Hoan vẫn nhớ ngày anh trai mình vui mừng nhận được giấy nhập ngũ. Lúc lên đường, ở sân trung tâm xã, anh được đơn vị phát cho 2 chiếc bánh mỳ nhưng không ăn mà đưa cho cậu em trai, xoa đầu bảo cầm về cho mẹ, chờ anh ngày thắng trận trở về.
Nhưng hơn 50 năm qua, anh vẫn chưa về nhà… Sau ngày báo tử của anh trai, Dương Xuân Hoan đi học lớp sư phạm, rồi về đi dạy học. Không lâu sau, thầy giáo trẻ xin nhập ngũ, theo con đường mà anh trai đã đi. Hành trang mang theo ra trận của ông lúc bấy giờ chính là cuốn nhật ký cùng những bức thư của người anh liệt sỹ để lại.
“Anh viết rất nhiều, cho bố mẹ, cho chị Hường, cho các em Hoan, Hồng, Hà... Không bao giờ kêu ở chiến trường gian khổ thế nào, chỉ lo hậu phương vất vả, thiếu thốn. Con người anh, những phẩm chất và ý chí của anh đã giúp tôi vững vàng tiến lên trong suốt thời gian quân ngũ”, ông Hoan nói.
Lần giở những là thư đã cũ mềm nếp gấp, phía mép thư đã bị rách nhiều, nhưng chữ vẫn rõ ràng. Người lính ấy đi tới đâu là viết thư báo về gia đình tới đó. Vào đến Tây Nguyên, trong rừng thiêng nước độc, mà vẫn lạc quan, tin tưởng và quan tâm dặn dò người ở nhà. “Chúng em tương đối an toàn, vừa rồi ta ở gần đài nghe được tin chiến thắng vui lắm… Không hiểu rằng mấy lần bọn ấy oanh tạc ở Nghệ An có bị thất bại gì không? Chị có sợ không? Bảo các em trên nhà đào thật nhiều hầm vào. Đậy nắp chắc chắn khoảng trên 50 phân, ngụy trang và nhớ đắp tròn như mồ mả hoặc hình chữ Z không thì vướng bom bươm bướm đấy.
Chị và cậu mự (tức bố mẹ - PV) đừng lo cho em, em có đầy đủ chăn bông, áo vệ sinh, già dép và em đã mua 2m ni lông loại rộng khổ và tốt. Em nhờ nhân dân đã có những thứ như vậy và cảm thấy hơi thừa. Em muốn gửi về cho gia đình nhưng không có điều kiện gửi được. Và giờ đây em thấy ấm cúng lại thấy thương cậu mự và các em quần quật bữa rau, bữa cháo, đi chạy gạo trầy trầy...”.
|
Anh nhớ và hỏi thăm từng đứa em: Thằng Hồ cái đầu bị chốc lở, cái Hân viết thư ngắn quá, em Hồng lên được lớp 1 không? Em Hoan có xin đi đâu không? Rồi hỏi đến cả giếng còn hay bị bom dội hỏng rồi, cây chè anh trồng lúc ở nhà còn sống không? Hay khi nghe tin chị gái cũng muốn vào chiến trường, thì Dương Xuân Hoàng khuyên nhủ:
“Ước mơ của người thanh niên như vậy là rất tốt và chính đáng. Nhưng không phải là đi bộ đội mới làm được cách mạng triệt để, mà em đi rồi chị còn ở nhà lập một cuộc sống có mục đích, lý tưởng, cố gắng công tác để được kết nạp Đảng… Song song thì bồi dưỡng cho mấy đứa em sau và nó cũng sẽ đi bộ đội như em và chị làm được như vậy là thiết thực với cách mạng rồi đấy”, rồi dặn với theo “Đừng đùa bỡn với cuộc sống đấy”!
Năm tháng hành quân theo chiều dài đất nước, nếm trải đạn bom ác liệt, những trận sốt rét rừng, người lính biết rõ nhiệm vụ thiêng liêng với Tổ quốc, nhưng cũng hiểu được sinh tử mong manh và cuộc sống là điều đáng quý. Điều anh day dứt nhất, chính là không thể ở nhà để phụng dưỡng, chăm sóc bố mẹ. “Thế nhưng sau này, chính anh là người lo cho bố mẹ được nhiều nhất. Các anh chị em lần lượt lớn lên tự bươn chải cuộc sống. Bố mẹ hưởng tiền tuất của anh và khi bố 60 tuổi mới được ở trong nhà mới, chính là ngôi nhà tình nghĩa mà chính quyền đã kêu gọi xây dựng cho thân nhân liệt sỹ”, ông Hoan cho biết.
Thư liệt sỹ Phan Huy Chương gửi về cho vợ và con gái. Ảnh: Hồ Lài |
Sau khi giải ngũ trở về, ông Hoan làm bảo vệ ở một ngôi trường ngay quê nhà xã Hưng Đông (TP Vinh). Thực hiện điều day dứt suốt cuộc đời bố mẹ, ông lặn lội đi tìm mộ anh trai. Hành trình đó, cũng được ông ghi lại thành một cuốn nhật ký với lời lẽ chân thật, mộc mạc, chứa đựng tình cảm yêu thương, nhớ anh sâu nặng.
Từ sơ đồ vẽ gửi về trong giấy báo tử năm nào, người em trai vào tận Tây Nguyên, đi tìm đồng đội cũ của anh, nghe kể lại về ngày anh hi sinh. Thời gian trôi qua, những vạt rừng, cánh đồi hoang ngày xưa nay đã thành làng mạc, phố thị đông đúc, cảnh vật thay đổi quá nhiều. Lần hỏi từng cụ già, từng cựu chiến binh thì mới hay, nơi anh hi sinh năm xưa có thể đang nằm bên đất nước Campuchia, cách biên giới Việt Nam khoảng hơn 5km. Dương Xuân Hoan đem thông tin đó báo lại với đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ rồi quay trở về quê nhà.
Mới đây, ông đã đem gửi tặng bảo tàng Quân khu 4 những bức thư của liệt sỹ Dương Xuân Hoàng mà gia đình còn giữ được. Sổ tay và 30 lá thư của liệt sỹ Phan Huy Chương sau hơn nửa thế kỷ cất trong hòm đạn cũng được mẹ con bà Phan Thị Bé gửi tặng bảo tàng. Nơi đó, sẽ lưu giữ kỷ vật thiêng liêng của lịch sử dân tộc.
Để biết có người lính kiên cường, có người vợ sắt son và những người con, người em đã lớn lên, trưởng thành với niềm tự hào về cha anh đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Và để không quên đất nước chúng ta đã có biết bao nhiêu gia đình như thế mới có được hòa bình trọn vẹn hôm nay.