Thi sĩ Trần Đăng Khoa còn là một công chức từng có vị trí lãnh đạo tại Đài Tiếng nói Việt Nam và đương nhiệm Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Tư cách thần đồng và vai trò cán bộ được dung hoà ở Trần Đăng Khoa ra sao?
1.
Nếu có dịp đi qua xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, người yêu thơ ngắm nhìn những bờ ruộng nhấp nhô, những mái nhà thấp thoáng, những hàng tre lập lòa trong bóng chiều nhập nhoạng của một miền quê nghèo, thì không thể không tự hỏi: Tại sao nơi này có thể sinh ra được một thần đồng thơ nhỉ?
Quê nhà bé bỏng của Trần Đăng Khoa chẳng khác chi những vùng đất lam lũ dọc theo đất nước ta, chứ có phải địa linh gì đâu để nung nấu khát vọng nhân kiệt? Không thể giải thích bằng tư duy hợp lý, thì đành tự trả lời theo tâm linh đưa đẩy: Biết đâu năm 1958, Thượng đế nhàn rỗi đã tản bộ qua đây và rải chút ít bụi thơ xuống bờ bãi sông Kinh Thầy, đúng cái ngày bà mẹ hữu duyên trở dạ sinh ra Trần Đăng Khoa!
Từ khi Xuân Diệu nhón bút viết lời giới thiệu cho tập thơ “Góc sân và khoảng trời” in lần đầu tiên với số lượng 5 vạn bản, Trần Đăng Khoa đã phải mang vác một cái bóng lồng lộng trên mỗi bước đi chậm chạp. 66 bài thơ trong tác phẩm đầu tay được Trần Đăng Khoa dán cái nhãn “made in Thần Đồng” bay khắp hang cùng ngõ hẻm của đất nước Việt Nam những năm cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ và những năm đầu thống nhất giang sơn.
Trần Đăng Khoa như một chú chim non cất cao chất giọng đặc sản nông thôn Bắc Bộ, líu lo bài ca đặc sản phù sa Bắc Bộ “Hạt gạo làng ta/ Có bão tháng bảy/ Có mưa tháng ba/ Giọt mồ hôi sa/ Những trưa tháng sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy…”. Đây không phải là bài thơ dành cho bàn luận hay dở, mà là tác phẩm gồng gánh sứ mệnh của một cậu bé có tài thơ được chọn để nói hộ hàng ngàn trẻ em mong mỏi cuộc sống thanh bình.
Những câu thơ trên giống như hát đồng dao, lịch sử đã chọn Trần Đăng Khoa làm ca sĩ chính. Sự xuất hiện của nhạc sĩ Trần Viết Bính chắp cánh cho “Hạt gạo làng ta” cũng chỉ là tình cờ. Không có Trần Viết Bính thì sẽ có nhạc sĩ khác, và bài thơ này vẫn lưu danh vì được hỗ trợ yếu tố thời điểm cực kỳ quan trọng! Bây giờ cũng có thể có đứa trẻ 11 tuổi viết được những câu như “Hạt gạo làng ta”, nhưng mãi mãi không thể có “hạt vàng làng ta” thứ hai!
Chỉ cần “Hạt gạo làng ta” Trần Đăng Khoa đã có thể ở lại với văn học sử. Thế nhưng, tài thơ của Trần Đăng Khoa lớn hơn phong trào “em vui em hát”. “Mẹ ốm” và “Cơn dông” là hai bài thơ đủ để người lớn yêu thơ phải ngả mũ chào cậu bé sinh ngày 24-4-1958 vừa rửa sạch đôi tay lấm lem bùn ở cái ao làng Đông Thôn.
Với sự khôn lanh ngày càng nảy nở qua từng thế hệ trẻ con, không ít bài thơ trong “Góc sân và khoảng trời” đang và sẽ bị rơi rụng dần. Thế nhưng, những đứa trẻ làm thơ nối tiếp như Khánh Chi, Phan Tuy An hay Đặng Chân Nhân không thể nào “tiếm ngôi” Trần Đăng Khoa, vì anh có lá bùa mười bốn chữ “Ngoài thềm rơi chiếc lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” mà một “Đêm Côn Sơn” hạnh ngộ “như hồn Nguyễn Trãi năm nào về thăm” đã gửi tặng món quà không bao giờ được nhận lần nữa!
Với bản tính tinh nhạy, Trần Đăng Khoa sớm ngộ ra chất giọng đặc sản mà bản thân đang sở hữu chỉ phù hợp với vần điệu trẻ con, còn thế giới người lớn đòi hỏi những cung bậc khác. Anh cúi xuống nhìn hình dong mình thì thấy cái áo trẻ con ngày càng chật chội, mà ngẩng đầu lên thì thấy cái bóng thần đồng vẫn lồng lộng. Trần Đăng Khoa quyết định đột phá khỏi chiều kích thiếu nhi bằng những cơn vùng vẫy trường ca.
Cuộc “Đi đánh thần hạn” không thành công, còn cuộc điểm danh “Làng quê” chỉ thấy chen lấn những câu binh nhất, binh nhì mà vắng bặt những câu cấp tướng, cấp tá. Từ biệt hai trường ca xa xót ấy, Trần Đăng Khoa 16 tuổi cỡi phăng cái áo trẻ con và mượn tạm vài cái áo người lớn để khoác lên mình, dồn lực dồn chí lao vào trận “tổng tiến công” có ý nghĩa một phen cá vượt vũ môn. Hơi đáng tiếc, dù dùng thơ Tố Hữu, thơ Nguyễn Đình Thi, thơ Xuân Diệu, thơ Chế Lan Viên và thơ ca Xô Viết Nghệ Tĩnh để khởi động náo nức cho mỗi chương, thì trường ca “Khúc hát người Anh hùng” chỉ còn lại bùi ngùi hai câu ấm áp lòng người: “Mái gianh ơi hỡi mái gianh/ Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương”.
2.
Mùa xuân năm 1975 là cột mốc của dân tộc, cũng là một cột mốc để đánh giá thơ Trần Đăng Khoa. Bởi lẽ những bài thơ dù dài dù ngắn của Trần Đăng Khoa viết trước năm 1975 đã hoàn thành vai trò gọi tên một thần đồng thơ. (Sau này Trần Đăng Khoa có sửa những câu thơ như “Chăm ngoan học giỏi/ Là bạn thiếu nhi/ Ngu xuẩn nhất nhì/ Là tổng thống Mỹ” mà nhiều người thắc mắc, thì cũng chẳng phải chuyện để xôn xao.
Vì những câu thơ ấy chỉ như thay hàng ria trên mép bằng chòm râu dưới cằm thôi, mà khuôn mặt thần đồng thơ vốn đáng yêu nhờ “mày râu nhẵn nhụi”!). Nếu Trần Đăng Khoa vẫn điềm nhiên dùng bộ óc tỉnh táo để viết những câu thơ lính trận na ná Phạm Tiến Duật hay Hoàng Nhuận Cầm, thì chắc chắn anh sẽ phải tự đào huyệt chôn danh hiệu thần đồng thơ.
Đáng mừng thay, tưởng đã đến lúc nhiều người sử dụng câu thơ “Bao thần tượng ta tôn thờ cung kính/ Mưa nắng bào mòn còn trơ lõi đất thôi” mà Trần Đăng Khoa viết khi đang học ở Trường viết văn Gorki, để ngậm ngùi tiễn biệt anh khỏi làng thơ, thì hồn thơ của anh lại trở về. Không ồn ào cũng không bóng bẩy, Trần Đăng Khoa “tam thập nhi lập” dọn lên bàn tiệc thơ duy nhất một món tỉ tê.
Có lẽ thấm thía nỗi bất lực “đôi lúc ta buồn quá/ muốn hát một câu chơi/ nhưng ta chưa cất giọng/ con vẹt đã hót rồi” nên câu thơ nào của Trần Đăng Khoa cũng rón rén như nói thầm vào tai. Và dẫu tỉ tê thì Trần Đăng Khoa vẫn bị áp lực thần đồng, nên thơ anh lúc say lúc tỉnh. Ví dụ, bài lục bát “Qua Xuđan”, anh vừa chớm say câu sáu “Thành xưa đổ bóng vào trời” thì lập tức tỉnh rụi câu tám “Khói sương lãng đãng - Một thời đã xa”, khiến cảm xúc cứ thậm thụt, hại cả tác phẩm trơn tuột giá trị thẩm mỹ.
Hơn nữa, Trần Đăng Khoa đặc biệt có một khoảng trắng ở mảng thơ tình, mà có lẽ ngày xưa đưa Trần Đăng Khoa đến ra mắt Nàng Thơ, “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu quên dúi “bí kíp” vào tay học trò. Nếu ai lơ mơ đem bài thơ “Gửi em ở Ninh Bình” của Trần Đăng Khoa để tán tỉnh các cô gái Tam Điệp hay Hoa Lư, cũng đều thất bại lập tức!
3.
Nói gì thì nói, làng thơ Việt Nam mà thiếu cái dáng thấp đậm của Trần Đăng Khoa thì kể cũng buồn. Tôi ngắm nghía tướng đi của Trần Đăng Khoa nhiều năm, và nhận ra một sự thật: Khi bước lảo đảo thì anh là thi sĩ đích thực, còn khi bước huỳnh huỵch thì anh là cán bộ chân chính. Bài thơ “Ở nghĩa trang Văn Điển” có thể xem như minh chứng rõ nét nhất.
Trần Đăng Khoa lảo đảo đi qua hai khổ thơ đầy tâm trạng: “Người hạnh phúc và người đau khổ/ Đều gặp nhau trắng toát ở nơi này/ Đều dài rộng như nhau vuông cỏ biếc/ Đều ấm lạnh như nhau trong hơi gió heo may/ Ôi thiên nhiên, cám ơn người nhân hậu/ Những so le, người kéo lại cho bằng/ Ít nhất cũng là khi nằm xuống/ Trong mảnh gỗ rừng, dưới một vầng trăng”. Có lẽ dừng tại đây đã có được một bài thơ khá hay.
Khổ thân, Trần Đăng Khoa đột nhiên lấy lại thăng bằng, anh không bước lảo đảo nữa mà bước huỳnh huỵch thêm… mười khổ thơ, như một vị cán bộ có cơ hội thuyết trình trước đám đông, đã tranh thủ nói cho hết mấy phút ưu tiên của mình, với kết luận trịnh trọng: “Trước mặt ta là hàng hàng bia đá/ Nói với ta: Hãy thương lấy Con Người”. Trần Đăng Khoa định dùng lắt léo và mưu mẹo để chuyển tải một thông điệp to tát, nên anh chia một bài “Ở nghĩa trang Văn Điển” thành hai loại thơ: hai khổ đầu là thơ-ưu-tư, còn mười khổ sau là thơ-diễn-đàn.
Nếu chọn một bài để khẳng định Trần Đăng Khoa sau năm tháng thần đồng đang bước lảo đảo về miền thi ca, có lẽ là “Đỉnh núi”. Thể thơ ngũ ngôn gập ghềnh, giúp những bước lảo đảo của Trần Đăng Khoa bộc lộ đầy đủ phẩm chất thi sĩ. Không thể nói khác hơn, “Đỉnh núi” là một điểm nhô lên giữa những mô, những gò, những đồi của thơ Trần Đăng Khoa thời vất vả làm người lớn.
“Đỉnh núi” khi tình lúc cảnh, khi ray rứt phận người lúc miên man nghĩa nước trọn vẹn suốt hai mươi câu thơ: “Ta ngự giữa đỉnh trời/ Canh một vùng biên ải/ Cho làn sương mong manh/ Hóa trường thành vững chãi/ Lán buộc vào hoàng hôn/ Ráng vàng cùng đến ở/ Bao nhiêu là núi non/ Ríu rít ngoài cửa sổ/ Những mùa đi thăm thẳm/ Trong mung lung chiều tà/ Có bao chàng trai trẻ/ Cứ lặng thinh mà già/ Áo lên màu mốc trắng/ Tóc đầm đìa sương bay/ Lời yêu không muốn ngỏ/ E lẫn vào gió mây/ Bỗng ngời ngời chóp núi/ Em xòe ô thăm ta?/ Bàng hoàng xô toang cửa/ Hóa ra vầng trăng xa…”.