Gỡ rối hướng nghiệp, chọn lối vào đời

GD&TĐ - Chọn nghề nào và học trường nào? Đó là băn khoăn của đại đa số học sinh lớp 12 trước thềm Kỳ thi THPT quốc gia. Theo các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, đại học rất cần thiết nhưng không phải là con đường duy nhất. Quan trọng là biết cách “chọn lối” vào đời để có thể thành công trong sự nghiệp hoặc chí ít là cảm thấy hạnh phúc với công việc của mình sau này.

Chọn ngành, chọn nghề phù hợp để cảm thấy hạnh phúc với công việc của mình sau này. Ảnh: Sỹ Điền
Chọn ngành, chọn nghề phù hợp để cảm thấy hạnh phúc với công việc của mình sau này. Ảnh: Sỹ Điền

Trước tiên phải yêu thích

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), chọn ngành, nghề và chọn trường học rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến nghề nghiệp của các em sau này. Vì thế, khi định hướng nghề nghiệp, việc đầu tiên các em phải xác định mình mong muốn học ngành nào: Là kỹ sư, bác sĩ hoặc một ngành gì đấy cụ thể.

“Nếu điểm thi vừa phải và các em có thể đủ điểm trúng tuyển vào một số trường đại học nào đó ngay trong năm nay thì trên cơ sở lực học của mình và mong muốn được học ở ngành nào, trường nào; các em có thể vào trang web của các trường đại học đó để tìm hiểu. Hoặc các em có thể vào cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, trên đó có đăng tải tất cả các đề án, thông tin của các trường đại học. Trong trường hợp các em muốn học trường nghề thuộc về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thì các em có thể vào cổng thông tin của Bộ LĐ,TB&XH để tìm hiểu và xem chi tiết cụ thể” - ông Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi.

Cũng theo ông Hùng, Bộ có quy định trong đề án tuyển sinh, các trường sẽ phải công bố kết quả điểm trúng tuyển vào từng ngành nghề của trường trong hai năm trước. Đây cũng là căn cứ rất quan trọng các em có thể tham khảo để có sự lựa chọn ngành học, trường học hợp lý.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Ông Hùng thông tin thêm, trong năm 2018, có hai ngành đang mở rất rộng để các em thể lựa chọn là: Du lịch và Công nghệ thông tin. Các em có thể căn cứ vào chỉ tiêu, điểm trúng truyển của những năm trước... để đăng ký xét tuyển vào khối ngành này. Ngoài ra, còn rất nhiều khối trường khác có điểm tương đương với mức học trung bình. Chẳng hạn như: Khối ngành Nông - Lâm hoặc một số ngành kỹ thuật... Đây là một số ngành mà các em có thể tìm hiểu và tham khảo thêm trước khi có quyết định cuối cùng về chọn nghề cho mình.

“Chúng tôi có làm thống kê về một số sinh viên cử tuyển của một số địa phương. Qua thống kê cho thấy, tỉ lệ thành công của các sinh viên này không cao. Vì vậy chúng tôi đã gửi thư đến các tỉnh là: Nếu cử tuyển ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thì phải cử những em học sinh Giỏi và Khá. Từ câu chuyện này tôi khuyên các em nên tìm những trường đại học, hoặc các trường cao đẳng có điểm phù hợp với khả năng của mình và nên tìm những ngành nghề mà các em yêu thích. Học mà không yêu thích thì sẽ rất khó học. Mà khi đã thiếu đam mê thì cũng rất khó để thành công” - PGS Trần Văn Tớp chia sẻ.

Còn theo PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, định hướng tương lai là một việc cực kỳ quan trọng và nó phải dựa trên rất nhiều các yếu tố.

“Nhiều khi lên website để tìm thông tin, có thể các em sẽ “khó bơi”. Vì thế, việc đầu tiên là xác định năng lực và đam mê của chính mình. Khi chọn ngành học cần xác định đây thực sự là ngành nghề mà sau này mình sẽ gắn bó trong tương lai. Với những em có học lực trung bình thì kết quả thi THPT quốc gia không thể đạt 29 - 30 điểm. Do đó các em không nên chọn những trường có truyền thống điểm cao, ví dụ như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội” - PGS Trần Văn Tớp bật mí.

Không phải là con đường duy nhất

Khẳng định đại học, hay rộng hơn là học vấn rất cần thiết nhưng nó không phải là con đường duy nhất, PGS Trần Văn Tớp khuyến cáo: Các em hãy là những người “thông thái” trong việc chọn ngành, chọn trường phù hợp với năng lực, sở trường. Ngoài ra, cũng nên xem xét đến yếu tố khi ra trường có khả năng bảo đảm được việc làm hay không. Nếu các em đã có được định hướng như vậy rồi, thì khi vào website thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT hoặc website của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thì các em có thể lựa chọn được một ngành học, trường học phù hợp nhất với mình.

Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Phó trưởng Ban Khoa các Khoa học GD (Trường ĐH Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh: Việc chọn nghề là bước rất quan trọng trong sự nghiệp học hành cũng như công việc sau này. Chọn nghề đúng sẽ là bước đệm để dẫn các em tới thành công. Khi chọn nghề, chọn trường các em cũng nên dựa vào tính cách của bản thân và niềm đam mê với với nó. Bởi đây là công việc sẽ đi theo mình suốt cuộc đời. Nếu chọn nghề không đúng, không hợp bạn sẽ rất khó thành công và quan trọng là bạn sẽ không cảm thấy hạnh phúc mỗi khi làm việc. Nó chẳng khác nào, chỉ có một món ăn mà bắt chúng ta đến 30 - 40 năm, như thế thì không thể nuốt nổi.

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, khi lựa chọn trường, hay nghề, các em nên mở rộng phạm vi lựa chọn. Đầu tiên lựa chọn lĩnh vực chuẩn, sau đó loại trừ dần những lĩnh vực mà mình không hiểu biết hoặc không có năng lực. Trên cơ sở đó các em sẽ chọn ngành, nghề, rồi tìm hiểu sâu về ngành nghề đó và cuối cùng là chọn trường. Nên chọn những trường có uy tín, cơ sở vật chất tốt và đảm bảo điều kiện học tập tốt sau này. Tất nhiên là không thể bỏ qua việc đối chiếu với mức điểm trước khi “chốt” sự lựa chọn cuối cùng của mình. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.