Song hành với lịch sử phát triển của nền văn minh nhân loại, các biện pháp tránh thai cũng đã có niên đại xấp xỉ 4000 năm.
Trong quá trình kéo dài 4 thiên niên kỷ ấy, người ta đã ghi nhận sự xuất hiện của không ít phương pháp ngừa thai kỳ lạ đến mức khó có thể tưởng tượng, và những biện pháp dưới đây cũng nằm trong số đó.
Những bài thuốc tránh thai từ... chất thải động vật
Những viên thuốc đặt phụ khoa làm từ chất thải động vật từng được người Ai Cập cổ sử dụng như một trong những cách để ngừa thai. (Hình minh họa).
Theo ghi nhận của một số tài liệu lịch sử, tại Ai Cập và Ấn Độ cách đây khoảng 3000 năm, người ta đã dùng phân của những động vật được xem là linh thiêng như cá sấu, voi… để điều chế thuốc tránh thai.
Có giai thoại còn truyền lại rằng, những loại phân động vật này sẽ được trộn với một số thành phần khác (nước, mật ong, muối...), sau đó vo viên và đặt vào trong cửa mình của người phụ nữ trước hoặc sau khi quan hệ tình dục.
Các nghiên cứu khoa học ngày nay cũng đã cho thấy, chất thải của nhóm động vật này nhìn chung đều có tính acid cao nên ít nhiều sẽ đem tới tác dụng tiêu diệt tinh trùng hoặc ngăn cản tinh trùng tiếp xúc với tử cung.
Tuy nhiên dù có tinh chế khéo léo tới đâu thì những chất thải này vẫn có mùi khó ngửi và đương nhiên là quá trình sử dụng chúng cũng chẳng hề dễ chịu.
Ngoài việc sử dụng những loại thuốc như trên, phụ nữ thời xưa cũng áp dụng một số thủ thuật khác, ví dụ như ngồi xổm sau khi quan hệ rồi dùng các dung dịch như phèn chua, rượu, nước biển hay giấm để vệ sinh cơ quan sinh dục.
Sự thật khó tin về "tiền thân" của bao cao su
Nếu bao cao su ngày nay được làm từ chất liệu đặc biệt đúng như tên gọi, thì những chiếc bao ngừa thai thời cổ đại lại được tinh chế từ không ít nguyên liệu khó tin.
Thực tế là tiền thân của bao cao su ngày nay đã từng xuất hiện rất sớm ở nhiều nền văn minh như Ai Cập, La Mã – Hy Lạp, Trung Quốc cổ đại…
Vào thời bấy giờ, những chiếc bao này chủ yếu được chế tạo từ các nguyên liệu mang nguồn gốc động vật như ruột cừu, bàng quang heo, bong bóng cá…
Tại Trung Hoa nói riêng, chúng thường được gọi bằng các cái tên mang nhiều ẩn ý như "túi phong lưu", "túi như ý", "bao âm tinh"… Điểm đáng lưu ý là chúng thường được cổ nhân sử dụng để ngăn ngừa bệnh hoa liễu chứ không phải phục vụ cho mục đích ngừa thai.
So với bao cao su ngày nay, những loại bao an toàn vào thời cổ đại thường sở hữu khả năng co giãn kém hơn, còn tác dụng thì chỉ được đánh giá ở mức trung bình.
Những "lương dược" tránh thai làm từ kịch độc của kỹ nữ cổ đại
Là nhóm người đặc biệt coi trọng việc ngừa thai và phòng bệnh hoa liễu, các cô gái ở thanh lâu thời xưa thường sử dụng các loại "lương dược" điều chế từ kịch độc. (Ảnh minh họa).
Vào thời phong kiến tại Trung Hoa xưa, các loại thuốc tránh thai được lưu truyền ngoài dân gian thường có tên gọi chung là "lương dược".
Tuy nhiên do quan niệm Trung Quốc thời bấy giờ không thịnh hành việc chủ động tránh thai, nên những loại thuốc này chủ yếu được phụ nữ ở các chốn phong lưu như thanh lâu, kỹ viện sử dụng.
Có không ít giai thoại về phận đời của các ca nương, kỹ nữ thời xưa từng kể lại, để có thể thường xuyên tiếp khách, họ buộc phải dùng một số "lương dược" nhằm mục đích tránh thai. Tuy nhiên cơ chế chung của hầu hết các loại thuốc này đều có thành phần từ chất độc như thủy ngân, thạch tín…
Việc sử dụng những "lương dược" này được xem là tương đối hiệu quả trong việc ngừa thai, phá thai, tuy nhiên lại gây ra những hậu quả khôn lường đối với người sử dụng. Đây cũng là lý do vì sao những cô gái thanh lâu thời xưa đa số đều không còn khả năng sinh con đẻ cái ngay cả khi đã hoàn lương và lập gia đình.
Bên cạnh đó, dân gian còn lưu truyền một vài bài thuốc Đông y được xem là có công dụng ngừa thai, mà nổi tiếng hơn cả phải kể tới loại canh được điều chế từ cuống của quả hồng.
Loại canh đặc biệt này từng được nhắc đến trong hồi ký của một người phụ nữ thanh lâu sống vào thời kỳ Dân quốc trong lịch sử Trung Hoa. Theo đó, những người này trước khi tiếp khách sẽ được tú bà cho uống một loại canh có vị chua ngọt để tránh thai.
Tương truyền rằng lại canh nổi tiếng ở chốn phong lưu ấy được chế từ cuống của 7 quả hồng. Có giai thoại còn khẳng định chỉ cần uống liên tục trong 7 ngày thì tác dụng tránh thai có thể công hiệu trong cả năm.
Các thủ thuật bí truyền dùng để tránh thai trong cung đình phong kiến
Tìm mọi cách khiến cho đối thủ không thể mang thai cũng là một chiêu bài tranh sủng thường xuất hiện trong các bộ phim cung đấu Trung Quốc. (Ảnh minh họa).
Trong một vài bộ phim cung đấu, người xem dường như đã trở nên quen thuộc với tình tiết các phi tần tranh sủng dùng một số loại thuốc khiến tình địch khó thụ thai hoặc thậm chí bị sảy thai.
Thế nhưng loại thuốc ấy có nguyên liệu cụ thể ra sao và được bào chế bằng cách nào lại là điều không được làm rõ.
Thực tế là trong hậu cung Trung Hoa, việc phi tần có được phép mang thai hay không phụ thuộc hoàn toàn vào quyền quyết định của Hoàng đế. Sau khi kết thúc quá trình thị tẩm, thái giám sẽ hỏi nhà vua bằng một câu đầy ẩn ý: "Lưu hay không lưu?"
Nếu câu trả lời của nhà vua là có thì đồng nghĩa với việc vị phi tử kia sẽ được phép mang long chủng. Thế nhưng trong trường hợp Hoàng đế không đồng ý, thì phi tần vừa được đầu ấp tay gối với Thiên tử sẽ phải làm mọi biện pháp để không được mang thai.
Dù đã mang danh phận là vợ của Thiên tử, nhưng những phi tần hậu cung cũng có lúc cần phải tránh thai nếu không được Hoàng đế cho phép mang long chủng. (Ảnh minh họa).
Trong số những phương pháp tránh thai thường được áp dụng trong cung đình, phổ biến nhất phải kể tới 3 cách dưới đây.
Cách thứ nhất: Treo ngược cơ thể của phi tần vừa thị tẩm, dùng "tàng hồng hoa"(bột làm từ nhụy hoa nghệ tây) để lau rửa cơ thể. Cách làm này được cho là sẽ rửa trôi "long tinh" và khiến người đó không thể mang thai.
Bài thuốc về "tàng hồng hoa" vẫn thường được nhắc tới như phương pháp tránh thai bí truyền chỉ có trong cung đình.
Cách thứ hai: "Ấn huyệt lưu tinh" – nghĩa là tác động vào huyệt vị để khiến long tinh chảy ra khỏi cơ thể của phi tần, khiến người này không có khả năng mang long chủng dù có được thị tẩm ngay trước đó.
Phương pháp này từng được sử dụng vào thời nhà Thanh và được ghi chép lại trong "Thanh triều dã sử đại quan".
Cách thứ ba: Dùng "đỗ thiếp" - tức là lấy xạ hương đắp lên rốn để ngừa thai. Tương truyền rằng cách làm này từng được hai chị em Triệu Phi Yến và Triệu Hợp Đức thể nghiệm.
Thông qua những minh chứng trên đây, không khó để nhận thấy những phương pháp tránh thai vào thời cổ đại có thể xem là muôn hình vạn trạng. Thế nhưng các biện pháp ấy đều có một nhược điểm chung là không thể đem lại kết quả tuyệt đối và thậm chí còn có nguy cơ đe dọa tới tính mạng của người sử dụng.