Đó là chia sẻ của hai giảng viên Phạm Thị Phượng và Trần Phương Thảo – giảng viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Tư liệu - yếu tố quan trọng để một mô hình học tiếng Anh tốt
Theo hai giảng viên, mô hình (chu trình) học tiếng Anh được xây dựng trên nền tảng lập trình ngôn ngữ tư duy (viết tắt là NLP). Theo đó, cần hiểu rõ ràng rằng 80% sự thành công của quá trình học tập và sử dụng ngoại ngữ phụ thuộc vào các yếu tố tâm lý như: tinh thần, động lực, thái độ… và 20% là phương pháp và người hướng dẫn.
Và mô hình học tiếng Anh thúc đẩy tâm lý người học theo chiều hướng tích cực bằng phương pháp khoa học dựa trên NLP. Tư liệu đầu vào phù hợp là một yếu tố quan trọng để một mô hình hoạt động tốt.
Một tư liệu nghe/đọc tiếng Anh hiệu quả cần thỏa mãn 4 tiêu chí chính:
Thứ nhất là dễ nghe/hiểu, tức là ta có thể nghe, hiểu trên 80% mà không cần dùng đến từ điển. Nếu một tư liệu quá khó so với khả năng người học sẽ dễ gây chán nản, giảm hứng thú, động lực, tinh thần.
Ngoài ra, việc bị gián đoạn quá nhiều để tra từ điển sẽ làm ngắt mạch cảm xúc của bài. Đọc hay nghe những bài đơn giản giúp chúng ta dễ dàng luận ra được nghĩa của từ mới mà không cần tra từ điển, gia tăng khả năng hiểu nghĩa của từ một cách tự nhiên, hợp lý trong từng văn cảnh.
Thứ hai: Nên chọn bài nghe ngắn (khoảng 2 – 3 phút). Điều này làm tăng tính tập trung, không dàn trải và thấm nhuần sâu sắc bài học (tránh tình trạng học quá nhiều mà tiếp thu và sử dụng không được bao nhiêu).
Thứ ba: Những cái mình thích, những cái mình cần. Nghe/đọc những tài liệu cần thiết, theo sở thích là tiêu chí số một trong việc lựa chọn tư liệu học.
Điều mình thực sự thích thú và đam mê chính là động lực mạnh mẽ nhất gây hứng thú và niềm vui trong học tập. Đây là cơ sở cốt lõi để tạo nên tinh thần và tâm lý học tích cực nhất.
Thứ tư là gần gũi. Nên chọn thứ gần gũi với bản thân để dễ hiểu và cảm nhận. Ngoài ra, làm như vậy cũng giúp tránh gây nhàm chán và khó khăn trong vấn đề hiểu sâu và khám phá vấn đề.
Hiểu từ theo kiểu “Trăm nghe không bằng một thấy”
Theo Phạm Thị Phượng và Trần Phương Thảo, sau khi có một tài liệu tốt thì việc kiên trì thực hiện theo phương pháp phù hợp nhất với bản thân mới là điều tối quan trọng.
“Bước đầu của chu trình mà chúng tôi đưa ra là việc hiểu từ vựng “Trăm nghe không bằng một thấy”. Giải nghĩa bằng hình ảnh có tác dụng rất tốt cho việc nhận biết “từ” một cách dễ dàng thay vì chỉ nói nghĩa của từ đó (thường áp dụng cho sự vật, sự việc).
Mở rộng ra, ta có thể giải nghĩa của từ bằng cách cho người học cảm nhận từ vựng trên các giác quan khác. Đây là sự nhận biết thông qua cả tiềm thức và ý thức, kích thích cả não trái và phải, giúp người học ghi nhớ sâu, lâu và tự nhiên nhất.
Bởi ngôn ngữ gắn liền với cuộc sống, nên áp dụng ngôn ngữ vào cuộc sống là điều không thể thiếu” – giảng viên Phạm Thị Phượng trao đổi.
Nuôi dưỡng ngôn ngữ bằng việc học sâu tới mức “ám ảnh”
Còn theo giảng viên Trần Phương Thảo, nuôi dưỡng ngôn ngữ bằng việc học sâu tới mức “ám ảnh” mới là việc tối quan trọng để biến ngoại ngữ là ngôn ngữ mẹ đẻ.
Tất nhiên quá trình này đòi hỏi sự kiên trì của người học khi phải nghe lại 20 – 30 lần các bài nghe, trải dài ra khoảng 7 ngày, mỗi ngày 3 – 4 lần. Đây là hạn chế cơ bản của phương pháp vì nó có thể giảm hứng thú của người học trong quá trình.
Vì vậy giảng viên Trần Phương Thảo cho rằng, cách nghe cũng cần phải khoa học. Ban đầu chỉ nghe đến khi hiểu hết nghĩa và tạo cảm xúc. Tiếp đến là nghe kĩ phát âm, giọng điệu, chú trọng đến từng cách nối câu, lên xuống giọng.
Bằng cách này, người đọc sẽ khó để quên bài học trong thời gian dài, đồng thời sẽ hấp thụ ngôn ngữ sâu vào tiềm thức. Nghe mới chỉ là đầu vào, ta cần đầu ra là nói, tập nói như thế nào. Một đứa trẻ tập nói như thế nào?
Chúng bắt chước ý chang tông giọng và điệu bộ của người lớn và dần dần hình thành ngôn ngữ của riêng mình. Vậy học một ngôn ngữ mới như một đứa trẻ thì một bước không thể bỏ qua là “nhập vai”.
Giống như việc trở thành một diễn viên, người học sẽ phải kể lại một câu chuyện, đóng vai một vai diễn dựa vào bài nghe. Người học bắt chước từ giọng điệu, cảm xúc cho đến ngôn ngữ cơ thể.
Tiếp đến là diễn tả toàn bộ câu chuyện bằng ngôn ngữ cơ thể. Điều này là vô cùng cần thiết khiến ta dễ nhớ câu chuyện và tăng năng lượng lúc học. Một trong những thực trạng của người học tiếng Anh ở Việt Nam là phản xạ tiếng Anh không tốt.
Và làm sao để tăng cường phản xạ giúp nói một cách trôi chảy, mạch lạc hơn. Phần lớn đáp án trong phần kể truyện sẽ giúp giải quyết vấn đề này.
Mỗi một câu có chứa từ mới trong chuyện là một mệnh đề để từ đó phát triển ra vô số các câu hỏi liên quan. Câu hỏi nên thật dễ trả lời, ở dạng Yes/No hoặc chỉ cần 1 – 2 từ ngắn gọn là tốt nhất.
Vì điều này giúp người học không cần nghĩ nhiều hoặc dịch lại câu cũng như câu trả lời ra tiếng mẹ đẻ (tránh ghép từ hay quá quan tâm đến ngữ pháp khi trả lời).
Phần tiếp theo là làm thế nào để sử dụng ngữ pháp vào ngôn ngữ nói một cách chuẩn và tự nhiên nhất.
“Sử dụng phương pháp (POV) thay đổi điểm nhìn theo thời gian có thể trở thành câu trả lời cho câu hỏi trên. Ví dụ, câu chuyện trên đang được kể ở thì hiện tại thì hãy diễn tả như nó diễn ra vào 10 năm trước đó, ta kể ở thì quá khứ.
Và nếu 10 năm sau nó mới diễn ra thì ta dùng các thì tương lai. Bằng cách này, người học lại được nghe câu chuyện ở các thì khác nhau càng khiến từ mới được hằn sâu trong tiềm thức và sự biến đổi đa dạng về thì sẽ giúp từ hiểu được cách dùng đến sử dụng một cách tự nhiên”
Giảng viên Phạm Thị Phượng và Trần Phương Thảo