Những cách hiểu sai lầm về giáo dục sớm

GD&TĐ - Giáo dục sớm ngày càng được các bậc phụ huynh quan tâm, nhưng hiện nay vẫn có những cách hiểu sai lầm về hoạt động này.

Cô trò Trường mầm non Quốc tế Sakura Montessori (Ảnh minh họa).
Cô trò Trường mầm non Quốc tế Sakura Montessori (Ảnh minh họa).

Những cách hiểu sai lầm

Một số cách hiểu sai về giáo dục sớm được PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội chỉ ra như sau:

Thứ nhất: Giáo dục sớm không phải là giáo dục thiên tài hay thần đồng. Nhiều cha mẹ mong muốn con mình có những tài năng đặc biệt ngay từ sớm, thúc đẩy con phát triển sâu về một lĩnh vực nào đó ngay từ nhỏ và thúc đẩy một cách cưỡng ép. Điều này khiến cho trẻ gặp nhiều áp lực và đôi khi không những không phát triển mà còn làm mất đi những cảm xúc của trẻ ở lĩnh vực đó.

Thứ hai: Giáo dục sớm không phải là nhằm trang bị cho trẻ nhiều kiến thức khi trẻ còn bé. Tiếp thu kiến thức là một quá trình diễn ra trong suốt cuộc đời con người và càng trưởng thành thì việc tiếp thu kiến thức diễn ra ở cả bề rộng và chiều sâu.

Bộ não của trẻ cũng nên để có những “khoảng trống” nào đó để chuẩn bị cho việc trẻ học kiến thức trong tương lai. Nếu chúng ta bằng mọi cách lấp đầy kiến thức ngay từ sớm sẽ làm cho trẻ bị nhồi nhét kiến thức, bị “tắc nghẽn” kiến thức, từ đó tạo ra sự ức chế, căng thẳng về tâm lý trong cuộc sống của trẻ.

Mặt khác, trẻ nhỏ có sức chịu đựng và khả năng nhất định nên không thể cứ có kiến thức là bắt trẻ phải học tất cả, kiến thức cần phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của lứa tuổi.

Thứ ba: Giáo dục sớm không phải là ép tất cả các trẻ đều phát triển như nhau, theo một khuôn mẫu. Mỗi đứa trẻ có những năng lực riêng, đặc biệt là nền tảng sinh học. Đối với trẻ nhỏ lại càng phải quan tâm hơn đến những năng lực chuyên biệt và giúp cho năng lực ấy phát triển một cách tự nhiên nhất. Vì vậy, chúng ta không nên ép tất cả trẻ nhỏ đều phải phát triển như sau, đều phải học và đạt được kết quả như nhau.

Thứ tư: Giáo dục sớm không phải là dạy trước chương trình học của các lứa tuổi lớn hơn. Nhiều gia đình quan tâm và muốn con mình phát triển vượt trội hơn so với các bạn, chuẩn bị cho con bước vào trường tiểu học không phải bỡ ngỡ với kiến thức. Vì vậy, gia đình và người lớn đã đem nhiều kiến thức của lứa tuổi lớn hơn, buộc trẻ phải học trước, buộc trẻ phải chín ép. Nhiều người cho rằng dạy trước chương trình mới gọi là giáo dục sớm.

PGS Tran Thanh Nam.jpg
PGS.TS Trần Thành Nam.

Giáo dục sớm - một khoa học giáo dục về não bộ

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, các nhà khoa học thần kinh, nhà giáo dục học đều cho rằng, những trải nghiệm đầu đời có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển não bộ và năng lực học tập khi trưởng thành.

Bộ não của trẻ từ giai đoạn sơ sinh đến 5 tuổi là linh hoạt nhất, dễ thích ứng nhất với mọi hoạt động trải nghiệm và tương tác với môi trường.

Giai đoạn này, các kết nối thần kinh của trẻ có nhiều gấp đôi số kết nối thần kinh khi trưởng thành. Tương tác với cha mẹ, người lớn khác và bạn đồng trang lứa sẽ “điêu khắc” nên những hệ kết nối, làm nền tảng vững chắc cho sự nghiệp học tập sau này.

Đó là lý do tại sao việc nuôi dưỡng và phát triển những năng lực xã hội, cảm xúc, nhận thức, ngôn ngữ trong những năm đầu đời lại quan trọng như vậy.

Về khái niệm, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, giáo dục sớm hay phương pháp giáo dục sớm được hiểu là cách thức, là quá trình tác động lên trẻ giai đoạn từ 0-6 tuổi nhằm kích hoạt vỏ não đặc biệt là não phải; từ đó giúp khơi dậy, phát huy những tiềm năng sẵn có bên trong mỗi đứa trẻ.

Hiểu cách khác, giáo dục sớm là một khoa học giáo dục về não bộ, thực chất là quá trình trẻ học mọi thứ xung quanh mình. Chính vì vậy, giáo dục sớm bắt đầu ngay từ trong thai kỳ, khi thai nhi phát triển đầy đủ các giác quan để đón nhận mọi kích thích từ môi trường bên ngoài.

“Nói đến giáo dục sớm là nói đến việc đánh thức năng lực tiềm ẩn và vô hạn của con người, bồi dưỡng nền tảng tính cách ở giai đoạn trí tuệ con người phát triển nhất (bộ não đang phát triển).

Bản chất của giáo dục sớm là đem đến cho con trẻ một cuộc sống đầy thú vị, nhưng phải được được kích thích và rèn luyện một cách phù hợp nhằm nâng cao tố chất cơ bản. Nó không nhằm tích lũy kiến thức và khác hoàn toàn với giáo dục thông thường. Với ý nghĩa, giá trị này, giáo dục sớm được quan tâm đặc biệt trong thời đại công nghệ số”, PGS.TS Trần Thành Nam cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.