Tuy nhiên, không phải gia đình, cha mẹ nào cũng có nhìn nhận và tìm ra phương pháp giáo dục sớm đúng đắn.
Yếu tố tạo nên thành công
Thực tế cho thấy, nhiều cha mẹ ở Việt Nam vẫn quan niệm giáo dục sớm có nghĩa là nhồi thật nhiều thứ vào đầu con, bỏ tiền cho con học trường lớp danh tiếng từ nhỏ. Nhiều gia đình lại giao phó hoàn toàn cho GV mầm non, trường lớp mà không thấy vai trò, tầm quan trọng, tính quyết định đến hiệu quả của giáo dục sớm phần lớn ở chính các bậc làm cha mẹ.
ThS Đặng Thu Hà - Khoa Giáo dục Mầm non, Trường CĐSP Trung ương cho rằng: Giáo dục sớm từ giáo dục gia đình. Cha mẹ là người thầy của trẻ, đặc biệt vai trò của người mẹ. 0 - 3 tuổi là thời kì không ai có thể thay thế được vị trí và vai trò của người mẹ trong việc nuôi dạy trẻ. Sợi dây gắn kết được hình thành giữa mẹ và trẻ từ trong bụng mẹ, rồi khi trẻ được sinh ra, mẹ chính là người gần gũi nhất.
Nếu giai đoạn này, trẻ phải xa mẹ và được người khác chăm sóc nhiều sẽ không cảm nhận đầy đủ được tình yêu của mẹ, dù sau này người mẹ có bù đắp bao nhiêu đi nữa. Do đó, ThS Đặng Thu Hà khẳng định: Giai đoạn 0 - 3 tuổi là khoảng thời gian cha mẹ cần giao tiếp với con thường xuyên, luôn luôn truyền cho con những tri thức và cả tình yêu thương thông qua thời gian mẹ sắp xếp dành cho con.
PGS.TS Từ Văn Đức - Viện Nghiên cứu Giáo dục phát triển tiềm năng con người cảnh báo: Giáo dục gia đình trở thành một phần không thể tách rời trong quá trình giáo dục con người từ sơ sinh đến khi trưởng thành… Tuy nhiên, những cha mẹ ở vùng nông thôn, vùng sâu, xa hầu như chưa có thông tin và điều kiện để tham gia vào cộng đồng cha mẹ thực hiện giáo dục sớm. Đó là sự thiệt thòi đáng tiếc, sự lãng phí phát triển tiềm năng cho trẻ, gia đình và xã hội.
PGS Đức đưa ra minh chứng khoa học về vai trò giáo dục sớm trong gia đình: Sau nhiều năm nghiên cứu với hơn 1.000 trẻ em, nhà tâm lý học người Mĩ, Benjamin Bloom đưa ra kết luận: Nếu đến năm 17 tuổi, trí tuệ của một con người có thể phát triển 100% thì năm 4 tuổi, trí tuệ đã đạt 50%; năm 8 tuổi phát triển tới 80%. Từ 8 - 17 tuổi chỉ phát triển thêm tối đa 20%. Do đó, theo PGS.TS Từ Văn Đức, phải tiến hành thai giáo, làm cơ sở để khai mở và tạo tiền đề cho giáo dục trẻ sơ sinh. Công việc thai giáo không ai có thể thay thế được vai trò của các bà mẹ với sự hỗ trợ của các ông bố tương lai và các thành viên trong gia đình.
Giúp con trưởng thành
Nhiều cha mẹ đã nghe và biết về tầm quan trọng của giáo dục sớm, nhưng để hiểu sâu sắc, cốt lõi và thực hiện nó như thế nào cho hiệu quả không dễ dàng.
Qua nghiên cứu của mình, ThS Lê Thị Hương Giang - Khoa Giáo dục Mầm non, Trường CĐSP Trung ương chỉ ra: Tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Israel với khoảng 13 triệu dân nhưng chiếm tỷ lệ 30% trong những người được nhận giải thưởng Nobel, họ dạy con với phương châm “Hãy buông tay ra, chấp nhận thất bại, giúp con tự học”, “Hãy biến con thành cây đại thụ, đừng biến con thành cây tầm gửi”. Còn với cha mẹ Việt luôn muốn là cha mẹ tốt, sợ con thất bại, không dám buông con, cha mẹ sẵn sàng là nô lệ của con…
PGS.TS Trần Thành Nam – Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cũng cho rằng: Ở Việt Nam, thời cha ông ta đã thực hiện các phương pháp thai giáo. Tuy nhiên, kiến thức thai giáo chỉ dừng lại ở việc chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho mẹ bầu và bắt đầu quan tâm đến ảnh hưởng của tâm lý người mẹ với thai nhi. Những kiến thức này chủ yếu có được qua học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước. Vì thế, sẽ có kinh nghiệm đúng, kinh nghiệm sai và kiến thức chắp vá không đầy đủ, chưa phát huy hết hiệu quả của giai đoạn thai giáo, chưa phát triển hết các tố chất cần thiết cho thai nhi.
Những biện pháp thai giáo nhằm phát triển tốt nhất cho thai nhi mà các bà mẹ cần biết và áp dụng sớm: Thai giáo về ngôn ngữ, âm nhạc, dinh dưỡng, vận động. “Thai giáo là phương pháp đem lại sự phát triển vượt trội cho thai nhi và tư chất tốt nhất ngay từ khi sinh…” – PGS.TS Trần Thành Nam bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Giáng Hương - Viện Nghiên cứu Giáo dục phát triển tiềm năng con người cũng lưu ý các bà mẹ: Âm nhạc mang lại nhiều lợi ích, giúp trẻ phát triển tốt kĩ năng lắng nghe và giao tiếp. Thông qua các bản nhạc và bài hát, trẻ sẽ phát triển tốt hơn về ngôn ngữ và nhịp điệu. Được nghe nhạc, nghe hát từ trong bào thai sẽ kích thích sóng điện não giúp não phát triển và tăng trí thông minh sau này.
Do đó, trong suốt quá trình mang thai, người mẹ nên thường xuyên nghe nhạc, đọc truyện, nói chuyện với em bé và có những câu hát, lời ru nhẹ nhàng, cử chỉ vỗ về yêu thương. Tuy nhiên, các bà mẹ nên nghe thể loại nhạc giúp phát triển não bộ nhưng cũng phải là thể loại nhạc mà mẹ thích nghe.