Những bí ẩn về vua Lý Thái Tổ: Kỳ cuối: Những dòng hậu duệ nhà Lý

GD&TĐ - Sau khi bức tử vua Lý Huệ Tông, Thái sư Trần Thủ Độ còn ra tay triệt để với tôn thất nhà Lý. Việc làm này nhằm mục đích trừ mối họa về sau và để trăm dân hướng về nhà Trần.

Chùa Diên Phúc tại Mai Lâm, nơi có dòng hậu duệ nhà Lý sinh sống.
Chùa Diên Phúc tại Mai Lâm, nơi có dòng hậu duệ nhà Lý sinh sống.

Tuy nhiên, một số con cháu nhà Lý thoát chết, mang theo phổ hệ lánh sang nước khác. Đó là trường hợp như Lý Long Tường, nhưng ít ai biết rằng trước đó 76 năm, đã có người họ Lý lánh nạn sang đất Cao Ly.

Phổ hệ vua Lý

Cuộc vận động chính trị đưa nhà Lý lên ngôi thay nhà Lê đã được hình thành trước khi Lý Công Uẩn ra đời. Bởi vậy, họ Lý ở hương Cổ Pháp đã tạo ra huyền thoại cha con Hiển Khánh Vương - Lý Công Uẩn là con thần cháu thánh. Thôn Dương Đanh, làng Dương Xá được lệnh ngầm tế lễ sứ quân Lý Lãng Công và ở Thái Đường Hoa Lâm là nơi hiệp tế tiên tổ họ Lý, trong đó có ông nội Lý Khuê và bà nội Phạm Thị Tiên của Lý Thái Tổ.

Từ giả thuyết nêu trên, nhà nghiên cứu Trần Viết Điền thử dựng một phổ hệ gia tộc Lý Công Uẩn và Quốc sư Vạn Hạnh. Phả đồ giả thuyết về tông tích của Lý Công Uẩn, trong đó chọn thân phụ của Định Không thiền sư làm tổ họ Lý và phải chăng vị tổ này là hậu duệ của Lý Tự Tiên, cùng khởi nghĩa với Đinh Kiến vào năm 687?

Tạm xếp Định Không thuộc đời thứ nhất, ngang hàng ông cố của Lý Khuê. Có khả năng đệ tử Thông Thiện cũng thuộc họ Lý, ngang đời với ông nội của Lý Khuê. Đệ tử Đinh La Quí An của Thông Thiện, người trị phép thuật của Cao Biền và trồng cây gạo lịch sử ở Dương Lôi là ngang đời với cha của Lý Khuê và là hậu duệ của Đinh Kiến. Họ Khúc từng khởi nghĩa và tự chủ, có hậu duệ là Khúc Lãm, được Trưởng lão Đinh La Quí An nhắc đến trong lời trối.

Nhà nghiên cứu Trần Viết Điền đề xuất một giả thuyết trong công cuộc tìm kiếm tông tích của nhà vua huyền thoại Lý Thái Tổ. Với tinh thần khoa học, các nhà nghiên cứu dựa vào những bài kệ mang màu sắc sấm ký được chép trong Thiền Uyển tập anh ngữ lục, hoặc bài sấm ký xuất hiện trên cây gạo... để tìm sự thật về tông tích của Lý Công Uẩn.

Lần giở lịch sử sau khi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh thì vai trò của nhà Lý coi như chấm dứt vào năm 1225 sau 216 năm cầm quyền. Ngày 10/8/1226, Thái sư Trần Thủ Độ ép Lý Huệ Tông phải tự vẫn ở chùa Chân Giáo.

“Đại Việt sử kí toàn thư” có ghi về vụ thảm sát tôn tộc nhà Lý ở Thái Đường vào cuối năm 1232, nhưng cũng chính trong bộ sử này còn tồn nghi sự kiện đó và cho rằng: “Việc này chưa chắc đã có thực”, lại dẫn thêm, vào đời vua Trần Anh Tông (1293 - 1314) còn có người họ Lý làm tướng.

Các nhà nghiên cứu đặt ra câu hỏi, cứ theo bộ sử trên ghi vụ thảm án thì lúc đó tôn tộc nhà Lý đến tế lễ các đời vua Lý ở Thái Đường, Hoa Lâm. Tại sao không tiến hành tế lễ các vua Lý tại Đình Bảng quê nội theo thói lệ thông thường của phong tục, mà lại tiến hành tại quê ngoại?

Hơn nữa, vào năm xảy ra vụ án (1232), khi đó nhà Trần đã cầm quyền được 6 năm, tình hình chính trị đã ổn định. Chiêm Thành phải sang triều cống Đại Việt; các lực lượng chống đối đều đã bị tiêu diệt. Đặc biệt nhà Tống chính thức công nhận và phong vương cho vua Trần là An Nam Quốc vương.

Với tình hình như vậy, một con người mưu lược như Thái sư Trần Thủ Độ phải đủ sáng suốt nhận thấy không cần thiết phải tàn sát tôn tộc nhà Lý và để lại tiếng xấu muôn đời. 

Bản phổ hệ do nhà nghiên cứu Trần Viết Điền thực hiện.
Bản phổ hệ do nhà nghiên cứu Trần Viết Điền thực hiện.

Họ Lý đổi sang họ Nguyễn

“Cổ Pháp điện tạo bi” do Hoàng giáp Phùng Khắc Khoan soạn năm 1604 nói về công trạng 216 năm của nhà Lý.
“Cổ Pháp điện tạo bi” do Hoàng giáp Phùng Khắc Khoan soạn năm 1604 nói về công trạng 216 năm của nhà Lý.

Trong “Đại Việt sử ký toàn thư”, bộ sử đồ sộ nhất còn lại của nước ta với bản khắc in cũ nhất năm Chính Hòa (1697) ghi: “Mùa đông năm ấy (1232), nhân người họ Lý tế lễ các vua nhà Lý ở Thái Đường, Hoa Lâm, Thủ Độ ngầm đào hố sâu, làm nhà lên trên, đợi khi mọi người uống rượu say, giật máy chôn sống hết”.

Tuy nhiên, vẫn có một số người trong tôn thất nhà Lý may mắn thoát chết, mang theo phổ hệ lánh sang nước khác. Đó là trường hợp Lý Long Tường, từ Hoa Lâm sang nước Cao Ly. Một số người trong gia tộc họ Lý buộc phải đổi sang họ khác nhằm trốn sự truy lùng của nhà Trần.

Bản phả điệp của dòng họ Nguyễn ở Hoa Lâm có ghi rằng: “Hoa Lâm xưa kia có mộ Lý Công Uẩn và một số mộ các vua nhà Lý. Trần Thủ Độ chỉ cho phá nhà thờ gốc họ Lý ở Hoa Lâm, mà không dám phá hủy những lăng mộ người đã khuất. Từ khi nhà thờ gốc họ Lý ở Thái Đường Hoa Lâm bị nhà Trần phá hủy để dòng tộc họ Trần nắm quyền trị vì đất nước, thì con cháu họ Lý phải đổi sang họ Nguyễn”.

Theo khảo sát của nhóm các nhà nghiên cứu, những người họ Nguyễn gốc Lý ở Mai Lâm cho đến nay có trên 20 gia đình với gần 100 người. Trong ký ức những cao niên ở Mai Lâm thì những năm đầu thế kỷ 20, địa phương còn nhiều di tích nhà Lý. Tiếc là sự thay dòng đổi hướng của sông Đuống khiến ngôi làng bị tàn phá.

Sau trận vỡ đê Mai Lâm năm 1957, một phần diện tích của làng đã bị nhấn chìm xuống sông Đuống, nhiều di tích quan trọng bị nước cuốn trôi. Đến năm 1980, sông Đuống tiếp tục bị sạt lở, toàn bộ làng Hoa Lâm phải chuyển vào trong đê.

Trong cuốn sách “Ngược đường trường thi” của tác giả Nguyễn Triệu Luật (một người họ Nguyễn gốc Lý) được xuất bản tại Sài Gòn vào năm 1939, có kể về quá trình rời bỏ và trở về Du Lâm của hậu duệ nhà Lý sau hơn 550 năm.

Đến thế kỷ 18, một người tên là Nguyễn Đường gốc họ Lý đã tìm về sinh sống tại quê cha đất tổ ở Du Lâm. Con trai duy nhất của Nguyễn Đường là Nguyễn Án (1770 - 1815) là danh nhân văn hóa đất Thăng Long, có cuốn sách “Tang thương ngẫu lục” viết chung với Tế tửu Phạm Đình Hổ.

Cháu nội của Nguyễn Án là Nguyễn Tư Giản đỗ hoàng giáp năm 21 tuổi, từng làm quan hơn 40 năm dưới triều đình nhà Nguyễn. Nguyễn Tư Giản từng làm đến chức Thượng thư Bộ Lại.

Ông Nguyễn Vân Lộc - hậu duệ của Thượng thư Nguyễn Tư Giản cho biết: “Khoảng đầu thời Trần, Trần Thủ Độ phá hủy nhà thờ họ Lý ở đất Hoa Lâm, bắt họ Lý đổi sang họ Nguyễn. Gia tộc họ Lý hốt hoảng lo sợ, phần nhiều phải bỏ đất mà đi, cũng có một số người đổi họ nhưng vẫn lén lút ở lại, đó chính là tổ tiên của cụ Nguyễn Tư Giản”.

Có hai họ Lý

Đền Đô – Thái Miếu thờ 8 vị vua nhà Lý.
Đền Đô – Thái Miếu thờ 8 vị vua nhà Lý.

Theo tư liệu mà nhóm nghiên cứu lịch sử nhà Lý tìm thấy, trước khi Lý Long Tường sang Cao Ly năm 1226, đã có một người thuộc vương triều Lý là Kiến Hải vương Lý Dương Côn, chức tước đô đốc thủy quân, cũng mang gia quyến lên thuyền lưu vong đến Cao Ly vào năm 1150 (tức trước Lý Long Tường 76 năm).

Lý Dương Côn là hoàng tử (con nuôi) của vua Lý Nhân Tông. Khi vua Lý Thần Tông băng hà, triều thần muốn đưa Lý Dương Côn lên làm vua nhưng không thành. Ông phải ra đi để tránh hậu họa trong cuộc tranh giành ngôi báu.

Giáo sư Sử học Pyun Hong Kee (Hàn Quốc) còn cung cấp cho nhóm các nhà nghiên cứu Việt Nam một công bố về dòng họ Lý gốc Việt thứ hai tại Hàn Quốc. Dòng họ này được gọi là dòng họ Lý Tinh Thiện - hậu duệ của Lý Dương Côn.

Theo gia phả lưu tại Thư viện quốc gia Hàn Quốc, hậu duệ đời thứ 6 của Lý Dương Côn là một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Cao Ly. Đó là tướng quân Lý Nghĩa Mẫn dưới triều vua Uijiong, kế đó theo phò tá Jeong Jung-bu, sau này giữ chức tể tướng suốt 14 năm.

Lý Long Tường đã mang đồ thờ cúng, vương miện, áo long bào và thanh Thượng phương bảo kiếm truyền từ đời vua Lý Thái Tổ cùng sáu ngàn gia thuộc chạy ra biển Đông trên ba hạm đội. Tương truyền, trước đó vua của Cao Ly nằm mơ thấy một con chim lớn bay đến từ phương Nam nên sai người tiếp đón và đồng ý cho Lý Long Tường cùng thân quyến ở lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ