Dữ kiện này phản ánh một điều sâu kín của Lý triều, nhưng câu hỏi đặt ra ai mới là ông nội của vua Lý Công Uẩn?
Hùng trưởng vùng Siêu Loại
Cách đây 10 năm, một số nhà nghiên cứu đưa ra một giả thuyết được cho là rất táo bạo khi ngược về thời kỳ loạn 12 sứ quân để tìm ra một người là hùng trưởng vùng Siêu Loại (Thuận Thành – Bắc Ninh) – Lý Khuê.
TS Nguyễn Việt khi khám phá về dòng họ Lý đã khẳng định: “Họ Lý thời Bắc thuộc là sợi dây gìn giữ và phát triển bản chất cát cứ, độc lập của Giao Chỉ. Cuối cùng đã góp phần tạo lập vương triều Lý, nền tảng Đại Việt.
Thống kê danh sách hàng ngũ quan lại hàng đầu đã cai trị Giao Châu trong thời bắc thuộc (Thứ sử, Thái thú, Đô Úy, Tiết độ sứ…) có thể nhận thấy trung bình mỗi thế kỷ xuất hiện vài ba người họ Lý, trong đó có những thứ sử họ Lý đã từng chủ chương cát cứ độc lập”.
Từ các dữ liệu xa xưa, cho tới thời kỳ loạn sứ quân. Các nhà nghiên cứu nhận thấy Lý Khuê (hay còn gọi là Lý Lãng Công) là sứ quân chiếm cứ miền đất Thổ Lỗi, sau gọi là Siêu Loại. Năm 967 ông bị tướng Lưu Cơ của Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư đánh bại.
Theo thần tích ở xã Bình Sơn (Thuận Thành - Bắc Ninh) thì Lý Khuê đánh nhau với quân Đinh Bộ Lĩnh bị thua và tử trận ở làng Dương Xá. Còn thần tích đền thờ Lưu Cơ ở làng Đại Từ, xã Đại Đồng - Hưng Yên (tức đất Siêu Loại xưa) thì Đại Từ là nơi tướng Lưu Cơ của Đinh Bộ Lĩnh đóng quân và đánh dẹp sứ quân Lý Khuê.
Thôn Dương Đanh của làng Dương Xá thờ Lý Lãng Công là thành hoàng của làng. Mộ của vị sứ quân này ở đâu? Con cháu của Lý Khuê còn không? Sứ quân Lý Khuê có mối quan hệ gì với Lục Tổ Thiền Ông và thiền sư Vạn Hạnh chùa Lục Tổ hay không?
Theo tìm hiểu của nhà nghiên cứu Trần Viết Điền, miền đất Siêu Loại, Cổ Pháp xưa là các hương Thổ Lỗi, Diên Uẩn ở hai bờ sông Đuống. Vùng này có trung tâm Phật giáo Luy Lâu, trung tâm đào tạo tăng tài Tiêu Sơn cùng các vị sư tầm cỡ như Định Không, Thông Thiện, Đinh La Quí An, Thiền Ông, Vạn Hạnh...
Sứ quân Lý Khuê đặt bản doanh ở Siêu Loại, đủ biết được lực lượng tín đồ tam giáo, đứng đầu là Phật giáo ủng hộ, và tất nhiên không thể không có liên hệ với chùa Tiêu.
Họ Lý phải mai danh ẩn tích
Năm 2011, hai nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ và Nguyễn Văn Thanh công bố tư liệu “Hoa Lâm tam bảo thị” (1656). Các tác giả khẳng định ông bà nội của Lý Công Uẩn là người Hoa Lâm, Đông Ngàn (Mai Lâm, Đông Anh - Hà Nội), cả hai ngài đều được vua Lý Thái Tổ dâng tên thụy là Thánh Thiện.
Đặc biệt, theo hai nhà nghiên cứu, thì nội dung văn bia cho thấy mộ cha mẹ của Lý Công Uẩn ở “mé đông chợ Tam Bảo” thuộc Hoa Lâm, Đông Ngàn. Một điều chắc chắn là thời Đinh và Tiền Lê, họ Lý trong đó có Lý Công Uẩn và thân thuộc phải giấu tông tích vì chính trị, bằng cách thay đổi nơi cư trú, vào chùa làm sư, đổi tên họ; nhất là khi họ Lý vùng Diên Uẩn (Cổ Pháp) bị nhà Tiền Lê nghi ngại.
Khi tạo dựng sự nghiệp đế vương cho Lý Công Uẩn, họ Lý đã khoác áo “con thần cháu thánh” cho Lý Công Uẩn và thân phụ của ngài, vì thế thân sử của Lý Công Uẩn và thân phụ của ngài phải che giấu, hậu quả nghiêm trọng là cả ngàn năm vẫn chưa tìm được tông tích
Cho đến nay vẫn lưu truyền rất nhiều câu chuyện liên quan đến việc một số đại sư tiên đoán trước sự việc nhà Lý sẽ thay thế nhà Lê. Tác phẩm “Thiền Uyển tập anh ngữ lục”, nói Thiền sư Định Không (730 - 808) thời thuộc Đường, người họ Nguyễn (thực ra là họ Lý), thuộc hương Diên Uẩn, giỏi thuật số, có khát vọng về hương Diên Uẩn được củng cố và phát triển họ Lý làm vua.
Khi sư dựng chùa Quỳnh Lâm ở quê nhà khoảng năm 785 - 805 đã đào được pháp khí cổ, giải đoán họ Lý về sau có người làm vua, có ý đổi tên hương Diên Uẩn thành hương Cổ Pháp. Tâm nguyện của thiền sư được ký gửi qua bài kệ:
“Pháp lại xuất hiện/Thập khẩu đồng chung/Lý thị hưng vương/Tam phẩm thành công”. Dịch nghĩa: Pháp khí hiện ra/Khánh đồng mười tấm/Họ Lý làm vua/Công đầu Tam phẩm.
Trong bài kệ dự đoán, câu cuối “Tam phẩm thành công” được dịch “Công đầu tam phẩm” phải chăng chưa ổn? Họ Lý hưng thịnh, quan đến tam phẩm mới lập công thì có gì đáng kể mà phải viết thành kệ rồi truyền thừa cả trăm năm.
Ở đây có thể hiểu “Tam phẩm” là ba đời họ Lý mới thành công nghiệp đế vương. Sư Định Không đã dặn dò đệ tử là thiền sư Thông Thiện: “Ta muốn mở mang hương ấp, nhưng sợ ngày sau gặp nạn, tất có dị nhân đến phá hoại mạch đất của hương ta. Sau khi ta qua đời, ngươi khéo giữ đạo pháp của ta để sau gặp người họ Đinh thì truyền lại. Thế là ý nguyện của ta được toại thành”.
Quả là sau đó, dị nhân đến phá hoại mạch đất là Cao Biền. Đệ tử Thông Thiện đã truyền pháp ý của sư Định Không cho đệ tử của mình là Trưởng lão Đinh La Quí An. Thiền sư họ Đinh này đã phá thuật yểm đất của Cao Biền ở hương Diên Uẩn (Cổ Pháp), căn dặn đệ tử là Thiền Ông về những pháp thuật “tài bồi thiên đức” cho vọng tộc Lý của hương Cổ Pháp. Và tất nhiên Thiền Ông đã truyền tâm nguyện của các tổ Định Không, Thông Thiện, Đinh La Quí An cho thiền sư Vạn Hạnh.
Kế hoạch chính trị lâu dài
Vạn Hạnh đã hoàn thành rất xuất sắc sứ mạng mà các tổ giao phó. Đưa người họ Lý lên làm vua là chiến lược trăm năm được vạch ra từ thời Định Không. Cũng có ý kiến cho rằng, việc tiên đoán nhà Lý lên ngôi và đào tạo Lý Công Uẩn rồi giới thiệu với vua Lê chỉ là một kế hoạch sắp xếp chính trị.
Sứ quân Lý Khuê chiếm cứ vùng Siêu Loại, sát hương Cổ Pháp, để trở thành sứ quân Lý Lãng Công là một mắt xích trong chiến lược ấy và được thầy trò Thiền Ông - Vạn Hạnh ở chùa Tiêu Sơn phối hợp.
Chùa trên núi Tiêu Sơn, vào đầu thế kỷ X, theo “Thiền Uyển tập anh” là nơi tập trung các vị sư có khát vọng về một vị minh quân, nhằm chấn hưng xã hội nói riêng và Phật giáo nói chung.
Trưởng lão Đinh La Quí An biết phong thủy, giỏi Thái ất Thần kinh đã vận động những người hằng tâm hằng sản, lấp sông hồ nhằm triệt phá những huyệt yểm của Cao Biền, bổ cứu long mạch đế vương của hương Cổ Pháp. Thậm chí đã dự đoán họ Lý hương Cổ Pháp sẽ làm vua.
Trước khi viên tịch, Đinh La Quý An gọi đệ tử là Thiền Ông đến dặn rằng, trước đây Cao Biền đắp thành Đại La ở sông Tô Lịch, biết đất Cổ Pháp ta có khí tượng vương giả bèn đào sông Điền Giang, đầm Phù Chẩn để cắt yểm long mạch, tất cả 19 nơi.
Nay ta đã khuyên Khúc Lãm đắp lại như cũ. Ta lại trồng một cây gạo ở cách chùa Minh Châu hơn 1 dặm, đúng chỗ bị cắt long mạch, đời sau nơi này ắt có bậc đế vương xuất hiện để vun trồng Chánh pháp.
Năm Bính Thân, niên hiệu Thanh Thái thứ 3 thời thuộc Đường (936), khi trồng cây gạo ở chùa Minh Châu, Đinh La Quý An có đọc bài kệ: “Đại Sơn long đầu khởi/Cù Vĩ ẩn Minh Châu/Thập bát tử định thành/Miên thụ hiện long hình/Thỏ kê thử nguyệt nội/Định kiến nhật xuất thanh”.