Những bí ẩn về vua Lý Thái Tổ: Kỳ 1: Ai là cha của vua Lý Thái Tổ?

GD&TĐ - Lý Thái Tổ là vị hoàng đế để lại nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử Việt Nam về nguồn gốc sinh thành cũng như gia thế nội tộc thuộc họ Nguyễn hay họ Lý.

Nhiều người cho rằng, Lý Công Uẩn ra đời là sự “hoài thai” của nhân dân.
Nhiều người cho rằng, Lý Công Uẩn ra đời là sự “hoài thai” của nhân dân.

Chính sử thường ghi lại rất sơ sài và huyền bí về thân thế vua Lý Thái Tổ: “Vua họ Lý (Nguyễn) huý là Công Uẩn, người Cổ Pháp. Mẹ là bà Phạm Thị đi chơi ở chùa Tiêu gặp người thần rồi có mang sinh ra vua ngày 12/2 năm Giáp Tuất” (năm 974).

Nương nhờ cửa Phật

Mẹ vua Lý Thái Tổ được chính sử ghi chép là bà Phạm Thị (Ngà) người thôn Dương Lôi (xưa là Diên Uẩn, Cổ Pháp), xã Tân Hồng (Từ Sơn - Bắc Ninh). Văn bia “Lý gia linh thạch” ở chùa Tiêu cũng viết về việc này. Tuy nhiên, Lý Công Uẩn được sinh ra ở đâu thì vẫn là một bí ẩn gây tranh cãi bởi quá nhiều tư liệu ghi chép khác nhau.

Trong sách “Thiên Nam ngữ lục” ghi lại một chi tiết hiếm hoi: Biết bà Phạm Thị có thai, sư trụ trì chùa Ứng Đại (tức Ứng Đại Thiên Tâm, Tràng Liêu tức là Thiên Tâm, tức Lục Tổ – chùa Tiêu) là Vạn Hạnh đã “đuổi” bà ra khỏi chùa vì sợ mang tiếng, “bà lang thang đi hành khất về đến chùa Kẻ Gia Châu thì sinh ra vua”.

Bà Phạm Thị sống ẩn dật trong ngôi lều nhỏ một gian hai chái vốn là quán bán nước của mẹ con bà khi xưa, quán này cách chùa Gia Châu khoảng 80m về phía Bắc. Đêm 12/2 năm Giáp Tuất, bà Phạm Thị trở dạ tại ngôi quán nhỏ.

Đêm ấy mưa to, gió lớn, sấm chớp đì đùng, cậu bé ra đời khôi ngô tuấn tú, mặt to, tai lớn, tay dài quá đầu gối, hai bàn chân mang mạng đế vương. Chính tại quán nước thủa ấy, sau này khi Lý Công Uẩn lên ngôi, dân làng Diên Uẩn đã xây thành ngôi nhà 3 gian làm nơi thờ cúng, gọi là Cầu Đường.

3 năm sau, bà Phạm Thị ẵm con đến nương nhờ cửa Phật tại chùa Cổ Pháp. Đó là ngôi chùa cổ thuộc thôn Đại Đình, cách Diên Uẩn không xa. Sư trụ trì chùa này là Lý Khánh Văn sẵn lòng tiếp nhận đứa trẻ làm con nuôi và đặt tên là Lý Công Uẩn.

Biết con mình đã được nương thân vào nơi tin tưởng. Bà Phạm Thị tạm yên lòng, dứt ruột từ biệt con, dặn dò sư Lý Khánh Văn mấy lời cuối cùng rồi ra đi. Dân làng Diên Uẩn, Dương Lôi từ ngàn xưa vẫn lấy ngày mùng 7 tháng Giêng làm ngày giỗ bà, nay là ngày hội chùa Cha Lư.

Chùa Dận, nơi các thiền sư nổi tiếng như Định Không, Vạn Hạnh tu hành.
Chùa Dận, nơi các thiền sư nổi tiếng như Định Không, Vạn Hạnh tu hành.

Ai là cha của Lý Công Uẩn?

Đó là câu hỏi gây rất nhiều tranh cãi trong giới sử học cả trong và ngoài nước. Cho đến nay, không có bất cứ ghi chép chính thống nào khẳng định về cha của vua Lý Công Uẩn. Nhà nghiên cứu lịch sử Trần Viết Điền sau rất nhiều tìm hiểu lẫn đối chứng qua các tư liệu đành tạm kết luận về cuộc hôn nhân của bà Phạm Thị là với “thần nhân”.

Ý kiến này nhận được nhiều tán đồng, vì nếu xét về mặt lịch sử thời bấy giờ việc Lý Công Uẩn là con của “thần nhân” sẽ thỏa được những khao khát của một dân tộc đang đón chờ Thiên tử. Tuy nhiên, khoa học thì phải có căn cứ và buộc phải loại trừ các yếu tố mang tính huyễn hoặc, thần bí.

Theo ông Điền, thiền sư Vạn Hạnh tạo điều kiện cho bà Phạm Thị Ngà vào rừng gặp “thần nhân”. “Thần nhân” ở đây luôn trong ngoặc kép, vì đó là một cuộc hôn nhân bí mật - trong đó cha của Lý Công Uẩn rất có thể là một người đầy uy vọng của họ Lý vùng Cổ Pháp - Siêu Loại, tức Diên Uẩn - Thổ Lỗi, đang trong thời kỳ phải mai danh ẩn tích.

Mặc dù sự nghiệp của vua Lý Công Uẩn rất vĩ đại, nhưng sử sách lại chép không rõ ràng về lai lịch của ông. Tất cả các bộ sử cũ của nước ta, thường không chép, hoặc không xác định được ai là cha của Lý Thái Tổ.

Cho đến nay vẫn tồn tại giả thuyết nói Lý Công Uẩn là con đẻ của sư Vạn Hạnh. Tuy nhiên, giả thuyết này từng bị các nhà sử học bác bỏ vì các Phật tử mộ đạo vùng Siêu Loại – Cổ Pháp không thể mù quáng đảnh lễ một vị quốc sư phạm giới luật như giả thuyết đã táo bạo đưa ra.

TS Lê Viết Nga, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, cho hay: “Đúng là có thuyết nói Lý Công Uẩn là con thiền sư Vạn Hạnh nên không được ở trong chùa mà giao cho Lý Khánh Văn giúp đỡ. Sách “Thiên Nam ngữ lục” nói rất rõ về điều này, nhưng chúng ta chỉ coi đó là một giả thuyết”.

Sư Vạn Hạnh họ Nguyễn, Lý Công Uẩn cũng được cho là người họ Nguyễn làng Cổ Pháp. Lý Công Uẩn lại theo học thầy Vạn Hạnh từ nhỏ, nhưng không đi theo con đường của thầy mà lại trở thành tướng quân triều đình nhà Lê. Vậy Lý Công Uẩn người họ Lý hay người họ Nguyễn? Đây thực là việc rất khó bởi vì ngay họ Lý của vua cũng là lấy theo họ của cha nuôi Lý Khánh Văn.

Phổ hệ (giả thuyết) gia tộc Lý Công Uẩn và sư Vạn Hạnh do nhà nghiên cứu Trần Viết Điền dựng.
Phổ hệ (giả thuyết) gia tộc Lý Công Uẩn và sư Vạn Hạnh do nhà nghiên cứu Trần Viết Điền dựng.

Dựa vào các tư liệu ghi chép, giới nghiên cứu cho rằng, Lý Công Uẩn biết mẹ, biết bà nội nhưng cha và ông nội thì lại không biết. Nhà nghiên cứu Trần Viết Điền truy về Lý Khuê, ông cho rằng: Sau thua trận, con cháu của Lý Khuê phải trốn chạy, ẩn nấp nên giấu tung tích. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là khi Lý Công Uẩn lên ngôi, không còn thế lực truy sát dòng họ Lý Khuê thì cần gì Lý Công Uẩn phải giấu họ thật của mình?

Câu hỏi này vô tình lại liên quan đến một nghi vấn của giới nghiên cứu sử học, rằng Lý Công Uẩn có thực sự là đệ tử Phật môn hay chỉ là Phật tử tại gia - thường hay lui tới chùa để theo học thầy Vạn Hạnh? Vì không thấy Lý Công Uẩn theo con đường tu học của thầy và cũng có lần sư Vạn Hạnh nói với bác và chú của Lý Công Uẩn về việc ngài sẽ lên ngôi.

Ngược về sự kiện bà mẹ Lý Công Uẩn phải vào rừng sinh sống, rồi khi đứa bé lên 3, bà phải gửi con cho nhà sư Lý Khánh Văn nuôi dạy. Cuối cùng, giao cho sư Vạn Hạnh đào tạo có thể là cơ sở của một cuộc sắp xếp mang tính chính trị diễn ra lâu dài – từ trước khi Lý Công Uẩn ra đời. 

Vua họ Lý hay họ Nguyễn?

Cách đây 200 năm, các sử gia biên soạn “Quốc sử quán triều Nguyễn” cũng phải ghi rằng: “Gốc tích họ Lý lờ mờ không khảo được…”, và đành khuất phục “xin hãy chép lại để khảo về sau”.

Những sách sử xuất hiện sớm như “An Nam chí lược” và “Việt sử lược” đều ghi chép trần tục về Lý Công Uẩn, rất khác với ghi chép thần thánh hóa của “Đại Việt sử ký toàn thư”, cho thấy việc thần thánh hóa này là do dân gian kiến tạo chứ không phải khởi từ thầy Vạn Hạnh.

Theo đánh giá của các nhà sử học, Lý Công Uẩn không phải là con thần cháu thánh như truyền thuyết, cũng chẳng phải là con của ngọc hoàng thượng đế mà là một vị vua được nhân dân “hoài thai” suốt một thời đau đáu; được giáo dưỡng đầy tâm huyết của lớp trí thức tam giáo tiến bộ thế kỷ X.

Tượng thiền sư Vạn Hạnh – người đã dạy dỗ và đề bạt Lý Công Uẩn với vua Lê.
Tượng thiền sư Vạn Hạnh – người đã dạy dỗ và đề bạt Lý Công Uẩn với vua Lê.

Cố GS Trần Quốc Vượng trong nghiên cứu “Nhà Lý và văn minh Đại Việt” viết rằng: “Nếu Lý Công Uẩn không phải là con đẻ thì cũng chính là đứa con tinh thần của thiền sư Vạn Hạnh. Vạn Hạnh không chỉ là người đạo dẫn đời sống tâm linh mà còn là một người chỉ đạo hành động của vua quan và dân chúng đương thời. Ông có kiến thức rộng và hành động trong tinh thần tự do phá chấp của đạo Phật”.

Giới trí thức tiến bộ lúc bấy giờ, đứng đầu là thiền sư Vạn Hạnh, phải chọn lựa một con đường cho dân tộc. Trong tam giáo thì phải thừa nhận Phật giáo là mạnh nhất về cả tinh thần lẫn vật chất. Nho giáo chưa có lực lượng quần chúng rộng lớn; hơn nữa việc học theo Khổng Mạnh lúc bấy giờ ít nhiều đồng lõa với phương Bắc.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: “Vạn Hạnh bảo Lý Công Uẩn rằng: Mới rồi tôi trông thấy lời sấm kỳ dị, biết rằng họ Lý cường thịnh, tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng ông là người khoan từ nhân thứ, lại được lòng dân chúng mà nắm binh quyền trong tay, người đứng đầu muôn dân, chẳng phải ông thì còn ai đương nổi nữa!”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ