Những bí ẩn về vua Lý Thái Tổ: Kỳ 2: Xác định quê hương nhà Lý

GD&TĐ - Chính sử phong kiến Việt Nam không xác định vua Lý Công Uẩn là người làng xã nào của châu Cổ Pháp.

Đền Đô – khu sơn lăng cấm địa của nhà Lý thờ 8 vị vua.
Đền Đô – khu sơn lăng cấm địa của nhà Lý thờ 8 vị vua.

Thậm chí vua Lý còn không muốn công khai về quê quán của mình, nên ngay khi lên ngôi đã đổi châu Cổ Pháp thành phủ Thiên Đức.

Châu Cổ Pháp là làng Đình Bảng?

Bia “Thiên hương trụ thạch” có ghi: Dương Lôi là đất báu tối thiêng của nhà Lý.
Bia “Thiên hương trụ thạch” có ghi: Dương Lôi là đất báu tối thiêng của nhà Lý.

Theo các công trình địa chí cổ, châu Cổ Pháp vốn là châu Cổ Lãm. Dưới thời Lê Đại Hành (989 - 1005), đổi làm châu Cổ Pháp; thời Lý là phủ Thiên Đức; thời Trần là huyện Đông Ngàn; thời Lê - Nguyễn huyện Đông Ngàn thuộc phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc.

Như vậy ngay từ đầu thời Lý, đơn vị hành chính châu Cổ Pháp không còn tồn tại, nhưng làng Cổ Pháp thì vẫn được bảo tồn ở nhiều thể kỷ sau. Chứng cứ là trong nhiều công trình địa chí về Kinh Bắc - Bắc Ninh thời Lê - Nguyễn đã xác định Đình Bảng có tên là Cổ Pháp - quê hương nhà Lý.

Thời Tiền Lê, không chỉ có châu Cổ Pháp, mà còn có làng Cổ Pháp. Đó là làng Đình Bảng.

Có thể xác định tên làng Cổ Pháp đã được dùng đặt tên đơn vị hành chính là châu Cổ Pháp. Vì vậy, khi châu Cổ Pháp được đổi thành phủ Thiên Đức (Thời Lý) và sau đó là huyện Đông Ngàn (Thời Trần - Lê - Nguyễn) thì tên làng Cổ Pháp vẫn được duy trì ở nhiều thế kỷ sau, rồi mới đổi sang tên Đình Bảng.

Việc tên nhiều làng, xã được dùng để đặt tên các đơn vị hành chính như châu, hương, hay huyện, tổng... vốn là hiện tượng phổ biến trong lịch sử tên gọi các đơn vị hành chính của Việt Nam và vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc thời phong kiến. Khi các đơn vị hành chính như châu, hương, huyện, tổng thay đổi, thì tên các làng, xã vẫn được dân gian lưu giữ khá bền vững.

Cổ Pháp không chỉ là tên làng xã Đình Bảng, mà còn là tên hàng loạt di tích, địa danh ở địa phương, như: Đền Cổ Pháp, bia đền Cổ Pháp; chùa Cổ Pháp, chuông chùa Cổ Pháp, rừng Cổ Pháp, ngòi Cổ Pháp... Khắp trong tỉnh Bắc Ninh ngày nay, không làng xã nào có nhiều địa danh, di tích mang tên Cổ Pháp như ở Đình Bảng.

Thậm chí, nhiều nhà sử học cho rằng ở Đình Bảng có đền Lý Bát Đế thờ 8 vua Lý nên nhất định đây là quê gốc của vua. Đa số giới nghiên cứu dẫn theo ghi chép của “Đại Việt sử ký toàn thư” năm 1019, Lý Thải Tổ dựng thái miếu ở lăng Thiên Đức. Năm 1029, Lý Thái Tông khánh thành thái miếu với quy mô to lớn, xây cất rất công phu.

Xác quyết trên nhanh chóng bị nghi ngờ, vì cách đây khoảng chục năm người ta phát hiện ở đình Dương Lôi cũng thờ 8 vua Lý làm thành hoàng, lại có đền thờ Lý Thánh mẫu (thờ Minh Đức Thái hậu Phạm Thị Ngà). Cách nơi đây không xa là chùa Cha Lư – nơi bà Phạm Thị Ngà sinh hạ Lý Công Uẩn trong một túp lều bán nước ở phía sau chùa Cha Lư. Lúc này, một số nhà sử học lại tạm thời kết luận Dương Lôi là quê nội của Lý Công Uẩn, còn Hoa Lâm (Đông Anh – Hà Nội) là quê ngoại của vua.

Như vậy, hai ngôi làng nội ngoại của vua Lý Công Uẩn chỉ cách nhau bằng một cánh rừng Báng, có mộ thiên táng của bà Phạm Thị Ngà thân mẫu của Lý Công Uẩn.

“Kết luận tạm” này nhanh chóng bị xem là “không ổn”. Khi xét họ gia phả các họ, giới nghiên cứu thấy rằng, làng Dương Lôi hiện còn nhiều người họ Phạm, có mối quan hệ huyết thống với bà Phạm Thị Ngà. Trong khi đó ở Hoa Lâm có nhiều người họ Nguyễn (gốc Lý), khiến nhiều nhà nghiên cứu không chỉ băn khoăn mà còn nghi ngờ về nguyên quán Hoa Lâm của mẹ vua Lý – bà Phạm Thị Ngà. 

Cần nghiên cứu thêm

Lan can sấu – đá tìm thấy ở Hoa Lâm.
Lan can sấu – đá tìm thấy ở Hoa Lâm.

PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam gợi ý: “Việc phát hiện lan can sấu đá là minh chứng cho việc tồn tại của công trình kiến trúc cung đình tại Hoa Lâm. Những di vật tìm thấy ở nơi đây cũng cho thấy, đây là nơi cư dân sinh sống liên tục từ thời Hán cho đến Tùy Đường kéo dài tới thời Lê.

Riêng về vấn đề gốc tích quê hương nhà Lý cần phải đi sâu và nghiên cứu thêm nữa. Những hiện vật đang ẩn dưới lòng đất sẽ là nguồn tư liệu phong phú và thuyết phục cho những nhận định mới của sử học”.

Xét về tình riêng thì vua Lý Thái Tổ cũng có nỗi niềm là con không có cha ruột một cách chính danh, nhưng xét về nghĩa chung của cộng đồng dân tộc Việt thì ngài là con của quảng đại quần chúng. Ông được quần chúng có văn hóa thai nghén, đựơc tấm lòng nhất thống của nhân dân nuôi dưỡng và được lớp trí thức tam giáo tôn vinh.

Chính Lý Công Uẩn đã ý thức đầy đủ điều ấy, và đã không phụ lòng quần chúng, không phụ lòng lớp trí thức mong mỏi nơi mình. Khi mới lên ngôi, Lý Công Uẩn chưa vội truy phong cho ông bà nội. Việc này bị sử thần phê phán nhà vua làm không đúng điển lễ.

Thực ra, vị cố vấn thông thái Vạn Hạnh thừa biết điều ấy, nhưng chưa truy phong ông bà nội của ngài là vì trước đó đã tạo huyền thoại Lý Công Uẩn là con thần. Đây là một trong những nguyên nhân khiến giới nghiên cứu khó trả lời câu hỏi tổ tiên của Lý Công Uẩn là ai.

Nhưng rồi Lý Công Uẩn cũng phải truy phong cha là Hiển Khánh Vương mà không là Hiển Khánh Đế. Dữ kiện này phản ánh một điều sâu kín của Lý triều: Lý Thái Tổ truy phong ngầm cho ông nội của mình đến bậc đế.

Quê ngoại vua Lý

Chùa Cha Lư, nơi được khẳng định là nơi Lý Công Uẩn sinh ra.
Chùa Cha Lư, nơi được khẳng định là nơi Lý Công Uẩn sinh ra.

Trong một cuộc hội thảo lịch sử về quê hương nhà Lý, nhà nghiên cứu Chu Minh Khôi cho hay: Khi chúng tôi đề cập về Hoa Lâm, ông trưởng thôn Dương Lôi ở Bắc Ninh lại đưa ra quan điểm rất khác với những người ở Hoa Lâm. Rằng, Dương Lôi vẫn còn dòng họ Phạm nhận là dòng họ của bà Phạm Thị Ngà.

Trong khi ở Hoa Lâm lại có dòng họ Nguyễn nhận là hậu duệ của tôn thất nhà Lý. Như vậy chưa đủ thuyết phục khẳng định Hoa Lâm là quê hương bà Phạm Thị Ngà – quê ngoại vua Lý Công Uẩn.

Theo phân tích địa lý, Hoa Lâm nằm sát kinh đô Thăng Long, lại ở ngay ngã 3 hợp lưu của sông Hồng và sông Đuống, nên được các vương tôn nhà Lý chọn làm nơi xây cung thất nghỉ ngơi, giải trí, săn bắn. Hoa Lâm chỉ hình thành sau khi nhà Lý đã lên ngôi chứ không có trước khi nhà Lý xuất hiện.

Đoạn văn chữ Hán trên bia “Lý gia linh thạch” khắc vào năm 1793 như sau: “... Đông Ngạn, Hoa Lâm nhân Phạm mẫu, tiêu dao kỳ tự, thường kiến nhất thần hầu” đặt ở chùa Tiêu và đôi câu đối cổ: “Mạch tụ quân vương truyền thắng địa/Tích lưu Lý mẫu quán danh phương” lưu ở đình thôn Thái Đường ở xã Mai Lâm. Một số nhà sử học dựa vào hai chứng tích này để minh chứng rằng Hoa Lâm là quê ngoại của Lý Thái Tổ.

Bản văn khắc này là do người đời sau khắc vào năm 1793 nên độ tin chưa cao. Ở Hà Nội từng tổ chức một hội thảo ngày 27/12/2008 nhằm trao đổi vấn đề tông tích của Lý Công Uẩn, nhưng cuộc hội thảo vẫn chưa khẳng định được gốc gác của Lý Công Uẩn.

Điều nổi cộm là các thành viên hội thảo thấy rằng các học giả, nhà nghiên cứu đặt vấn đề Lý Công Uẩn là con ruột của Lý Vạn Hạnh là không thuyết phục. Tuy nhiên công bằng mà nói, cũng qua sự tìm tòi tông tích Lý Công Uẩn ở Cổ Pháp (Bắc Ninh) của các nhà nghiên cứu ngày càng có thêm dữ kiện giúp làm sáng tỏ dòng dõi của vị vua sáng lập nhà Lý.

TS Hán nôm Cung Khắc Lược cho hay: “Kết quả điều tra nghiên cứu thực địa của chúng tôi cho thấy rõ ràng Dương Lôi là cái nôi văn hóa sản sinh bà Phạm Thị Ngà – mẹ vua Lý Công Uẩn. Chúng tôi tìm thấy ở Dương Lôi có 3 cuốn sách chép tay, 6 tờ đôi hương ước, 28 tờ đôi sách Lễ văn, 9 đạo sắc phong, 3 tấm bia đá… và một số bằng chứng chứng minh điều ấy”.

GS Hoàng Xuân Chinh -  nguyên Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam lại cho rằng: “Chưa thể khẳng định chắc chắn rằng, hai làng Dương Lôi và Hoa Lâm là quê hương nhà Lý bởi chứng cứ đưa ra chưa thật đầy đủ, và không phải ngẫu nhiên, Đền Lý Bát Đế lại được xây dựng trên đất Đình Bảng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ