Tái hiện di sản qua giấy dó
Thời gian gần đây, du khách tham quan danh thắng Tràng An (Ninh Bình) không chỉ được chiêm ngắm cảnh đẹp thiên nhiên, mà còn cảm nhận nét văn hóa - lịch sử độc đáo của vùng đất cố đô thông qua những bản rập màu được trưng bày tại Nhà triển lãm Quần thể di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An.
“Chạm nhẹ tới ngàn năm” - đó là chủ đề 9 bộ tác phẩm độc bản được nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Đào Xuân Ngọc in rập theo tỉ lệ 1:1, nhằm đem đến cho công chúng và khách tham quan Quần thể di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An một góc nhìn toàn vẹn về lịch sử và văn hóa của vùng đất cố đô.
Với công nghệ phối màu hiện đại, những bản rập công nghệ mới có sức bền hàng trăm năm so với các bản rập trắng đen trước kia. Các bộ tác phẩm được rập từ các hiện vật lịch sử được đánh giá là độc đáo nhất vùng cố đô Hoa Lư. Bên cạnh đó còn 2 bức tranh vẽ lại tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại chùa Hoa Yên - Yên Tử và tượng Ngọc Hoàng ở chùa Giàu (Hà Nam).
Để hoàn thành các bộ tác phẩm này, nhà nghiên cứu Đào Xuân Ngọc đã phải mất 3 năm điền dã khảo sát để lựa chọn in rập tác phẩm. Trong đó, có những hiện vật trên vách đá, trong hang tối… phải mất rất nhiều thời gian và công sức mới có thể in rập thành công. Tuy vậy, ông Đào Xuân Ngọc cho rằng không nên nâng cao quan điểm cho đó là tác phẩm nghệ thuật, mà chỉ đơn thuần là sự “sao chép” lịch sử.
Nói là vậy, nhưng khi chiêm ngắm các bộ tác phẩm in rập công phu trên nền giấy dó với cách lựa hình, lựa cảnh và lựa khối tỉ mỉ mới thấy nổi bật nguồn dữ liệu quan trọng để giới nghiên cứu lịch sử và nghệ thuật tạo hình truyền thống cũng như công chúng quan tâm đến nghệ thuật có một góc nhìn mới toàn vẹn hơn.
Như bản rập “Long sàng trước Bái đường”, đây là hiện vật vốn được tạo tác bằng đá vôi nguyên khối vào niên hiệu Chính Hòa thứ 17 (1696). Trên bề mặt trang trí hình rồng cuộn với nhiều chi tiết độc đáo, thể hiện uy quyền của bậc đế vương, xung quanh có đường diềm giữ nước mưa, hàm ý rồng nước - biểu tượng quyền lực của vị vua đứng đầu một dân tộc lớn lên từ nền văn minh lúa nước, là dòng dõi Lạc Long Quân.
Long sàng là hiện vật tiêu biểu cho đồ trọng khí trong không gian thờ cúng của người Việt, biểu trưng cho vương quyền của triều đình phong kiến. Ngoài ra, đây còn là tác phẩm điêu khắc tiêu biểu ở Việt Nam với nghệ thuật trang trí nhiều ý niệm, giàu chất nhân văn, ẩn chứa nhiều thông điệp bí ẩn, là hiện vật độc đáo có một không hai ở nước ta.
Tuy nhiên, đứng trước Long sàng thật khó để quan sát các chi tiết bởi sắc xám của đá và sự bị bào mòn bởi thời gian hoặc bị tàn phá bởi con người. Thế nhưng khi vào bản rập, từng vây rồng, từng hoa lá sóng nước được phục dựng rõ nét như thể chạm nổi – giúp người xem dễ hình dung hơn về thông điệp tạo hình nguyên bản.
Nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Đào Xuân Ngọc phải mất tới 3 năm để thực hiện in các bản rập. |
Chạm tới di sản
Những bản rập chạm vào ngàn năm di sản cũng khiến người xem phải sửng sốt không chỉ ở các chi tiết mờ ảo, mà còn bởi từ nội dung vốn đã từng nghe, từng thấy. Ví như bản rập cột kinh Phật chùa Nhất Trụ - hiện vật quý báu không chỉ của Phật giáo mà cả lịch sử dân tộc.
Bên cạnh đó là bản rập phù điêu “Ngọc Hoàng” - hiện vật gốc được rập có niên đại từ năm 1366, ở chùa Giàu xã Đinh Xá (Phủ Lý - Hà Nam) vừa được công nhận là bảo vật quốc gia ngày 30/1/2023. Bức phù điêu này nằm trong lòng văn bia chùa Giàu có tên là “Ngô Gia thị bi”.
Đặc biệt, nhiều du khách chú ý đến tấm bia Tiền triều Đinh Tiên Hoàng đế công đức tăng tu điện miếu bi ký làm năm Chính Hòa 17 (1696) gồm 2 mặt, kích thước 155 x 100 cm, có trang trí hoa văn. Nội dung văn bia ghi việc công đức tu sửa điện miếu Đinh Tiên Hoàng.
Ở tầng 2 khu bến thuyền còn bản rập trên một tấm bia đá được cha ông ta làm từ năm 1166. Bia này vốn được đặt ở chùa và động Am Tiên (Hoa Lư), còn gọi là Bia ma nhai “Đại chu Ma Sơn Áng Đại Quang Thánh nham bi”. Mở rộng thêm thì đây là bia đá đang được coi là có hình rùa đội bia sớm nhất tại Việt Nam được phát hiện đến thời điểm này.
Du khách tham gia trải nghiệm văn hóa tại danh thắng Tràng An. |
Qua từng bản rập, người xem như được tận mắt thấy những triều đại Đinh - Lý - Trần - Lê mà những sự kiện như những cuốn phim quay chậm đang chiếu trên những bản rập giấy dó.
Qua mỗi chi tiết in rập, chúng ta như nghe được bằng đôi tai qua câu chuyện của những con người đặc biệt của lịch sử, chạm bằng đôi tay tới những hiện vật – mà cả nghìn năm trước không chỉ nghệ nhân mà còn vua chúa đã chạm vào.
Trải qua hàng ngàn, hàng trăm năm bị thời gian vùi lấp, những văn bia, pho tượng, hàng chữ… được chạm khắc nhằm bảo lưu giá trị lịch sử, văn hóa, tôn giáo hoàn toàn có thể biến mất nếu không có những bản in rập tỉ mỉ lưu lại. Bởi vậy, mỗi bản rập như một mảng dữ liệu quý báu để lưu giữ, bảo tồn cho muôn đời sau.
“Chầm chậm, nhè nhẹ, nhịp nhàng… theo một cách rất dịu dàng, tôi chạm vào các phế tích như một cách nhặt ra những mẩu thông tin để ghép lại thành rất nhiều câu chuyện từ tổ tiên của người Việt. Nhiều khi tôi quây lều bạt kín quanh nơi làm việc, một mình âm thầm đối diện vách tường đá - nơi những di tích cổ đang chờ được mang ra ánh sáng. Trong nhiều giờ, nhiều ngày với cách “thiền định” đặc biệt của mình, tôi nghe được nhiều hơn những thông tin trên bia đá, nghe được cả những tiếng chạm từ nghìn xưa vọng về” - Nhà nghiên cứu Đào Xuân Ngọc.