Khám phá giá trị mới của di sản tranh Hàng Trống

GD&TĐ - Triển lãm 'Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống' đang diễn ra tại Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) đến hết tháng 7/2023.

Triển lãm trưng bày tổng thể 67 tác phẩm, trong đó có 38 tác phẩm tạo hình và 29 tranh dân gian Hàng Trống.
Triển lãm trưng bày tổng thể 67 tác phẩm, trong đó có 38 tác phẩm tạo hình và 29 tranh dân gian Hàng Trống.

Tranh Hàng Trống với giá trị thẩm mỹ và văn hóa đã được khẳng định từ xa xưa, nhưng vẫn luôn tiềm ẩn giá trị mới khi đặt và đối sánh trong bối cảnh đương đại.

Tác phẩm cộng hưởng cùng bối cảnh

Trước khi để công chúng khám phá các giá trị mới, nhóm nghệ sĩ trẻ đã tìm tòi các tương tác bối cảnh khi thực hiện dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” để cho ra mắt triển lãm “Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống” đang diễn ra tại Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) đến hết tháng 7/2023.

Theo giám tuyển - họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, trải qua 3 năm khi dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” được khởi xướng và thực hiện từ năm 2020, tới nay đã diễn ra được các phiên bản triển lãm tương tác với các không gian trưng bày mang nhiều yếu tố di sản truyền thống.

Với phiên bản đầu tiên được thực hiện và giới thiệu tại đình Nam Hương (75 Hàng Trống) vào năm 2020, tiếp đó tới dự án “Tranh Hàng Trống” năm 2021, dự án “Hổ dạo Phố” năm 2022, “Hồn nhiên như cô Tiên” năm 2022 tại Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, “Mơ Tiên” năm 2023 tại đình Nam Hương, “Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống” tại Trung tâm giao lưu văn hóa Phố Cổ (50 Đào Duy Từ).

Lần này dự án tiếp tục chu du tới không gian tiền đường nhà Thái Học của Di tích Văn miếu Quốc Tử Giám. Với rất nhiều các phiên bản mở rộng trong suốt 3 năm qua, nhóm nghệ sĩ do giám tuyển Nguyễn Thế Sơn hướng dẫn đã cố gắng khám phá các giá trị nghệ thuật của di sản tranh Hàng Trống nói riêng, cũng như các giá trị văn hóa truyền thống khác của dân tộc.

“Dự án đã mang tới sự khích lệ cho những sáng tạo cá nhân của các họa sĩ trẻ thông qua việc học hỏi nghiên cứu tìm hiểu từ tri thức tới các kỹ thuật truyền thống của dòng tranh Hàng Trống. Từ những chia sẻ của nghệ nhân Lê Đình Nghiên cho tới những buổi điền dã nghiên cứu tại Bảo tàng Mỹ thuật cũng như mỗi ngôi đình cổ, đã mở ra những ý tưởng sáng tạo mới trong việc sáng tác các tác phẩm tạo hình từ những chất liệu hội họa truyền thống như sơn mài, lụa, giấy dó, sơn dầu… cho tới những chất liệu và hình thức thể hiện mới như đồ họa kỹ thuật số, thiết kế, sắp đặt”, Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cho hay.

Những không gian kiến trúc mang đậm yếu tố truyền thống trong mỗi lần nhóm nghệ sĩ tiến hành dự án và trưng bày triển lãm như đình Nam Hương, Hội quán Quảng Đông hay như không gian tiền đường nhà Thái Học của Văn miếu Quốc Tử Giám cũng chính là nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ trong sáng tác và trưng bày tác phẩm tương tác với không gian, hướng các tác phẩm có sự cộng hưởng của yếu tố nơi chốn. Chính điều này đã tạo nên sự khác biệt trong mỗi phiên bản trưng bày, làm tăng thêm sức hút của nơi chốn theo hướng tương tác với không gian và ngữ cảnh.

Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn và nhóm nghệ sĩ trẻ cũng hi vọng trưng bày tại Văn miếu Quốc Tử Giám lần này, cùng với những tác phẩm tranh Hàng Trống trong bộ sưu tập của nhà sưu tập Nguyễn Quang Trung sẽ giúp thúc đẩy nhiều năng lượng sáng tác cho các họa sĩ trẻ - khi lấy cảm hứng sáng tác từ văn hóa truyền thống và bản địa, thúc đẩy tình yêu và sự quan tâm của giới sưu tập và công chúng.

Không gian sắp đặt đối lập trong triển lãm 'Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống'.

Không gian sắp đặt đối lập trong triển lãm 'Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống'.

Cuộc đối thoại cũ - mới

Trong không gian tiền đường nhà Thái Học của di tích Văn miếu Quốc Tử Giám, triển lãm “Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống” trưng bày 67 tác phẩm đặc sắc với 38 tác phẩm tạo hình được thực hiện trên các chất liệu lụa, sơn mài, giấy dó, sơn dầu và 29 tranh dân gian Hàng Trống trên chất liệu giấy dó. Nội dung các tác phẩm phản ánh những nét đặc sắc trong đời sống sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Việt.

Những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của dòng tranh này không chỉ gắn bó với đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam, mà còn gây ấn tượng sâu sắc với công chúng thế giới. Vì vậy, triển lãm mong muốn quảng bá hơn nữa nét đẹp của dòng tranh độc đáo này đến đông đảo người yêu mến nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là thế hệ trẻ và du khách quốc tế.

Ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn miếu Quốc Tử Giám - cho biết: “Triển lãm được hình thành dựa trên những nỗ lực không ngừng của các nghệ nhân, họa sĩ trong hành trình gìn giữ, phát huy giá trị di sản trong đời sống đương đại.

Triển lãm cũng là động lực cho những sáng tạo mang dấu ấn cá nhân, góp phần thúc đẩy thế hệ trẻ ngày nay học hỏi kế thừa tinh hoa nghệ thuật truyền thống của cha ông”.

Người trẻ tham quan triển lãm chứng tỏ sự quan tâm đến các giá trị truyền thống.

Người trẻ tham quan triển lãm chứng tỏ sự quan tâm đến các giá trị truyền thống.

Các tác phẩm được sắp đặt theo từng cặp, một bên là tác phẩm gốc của nghệ nhân Lê Đình Nghiên và một bên là tác phẩm đương đại, lấy cảm hứng từ tác phẩm gốc. Cách trưng bày này tạo ra một cuộc đối thoại giữa truyền thống và đương đại, giữa cái cũ và cái mới để tác phẩm tự đối thoại với nhau, và để công chúng tự đối thoại với những điều cũ – mới.

Sắp đặt triển lãm theo cách đối thoại với tác phẩm không phải là mới trong hoạt động trưng bày nghệ thuật. Tuy nhiên, sắp đặt tương tác theo lối đối lập để đối thoại từ các tác phẩm truyền thống – đương đại một cách rõ ràng như trong triển lãm này là điều hiếm gặp.

Trong cái cũ, người xem thấy tiếc nuối các giá trị truyền thống đã bị phai tàn. Trong cái mới, công chúng thấy các giá trị một thời vang bóng hiển hiện. Cái cũ như cố níu kéo hiện đại hãy trở về với quá khứ. Trong khi đó, cái mới lại cố gắng kéo những điều đã cũ đến giữa thực tại.

Đây là cuộc đối thoại thú vị, làm cho nghĩa của tác phẩm được mở rộng hơn, theo đó những câu chuyện của nghệ nhân được tiếp biến. Sự đối thoại ấy thực chất cũng là một cuộc lan tỏa giá trị, đưa con người về với những gì vốn có của cha ông, để thấy nét đẹp và sự thanh tao trong thẩm mỹ, để thấy những gạn lọc tinh tế của văn hóa dân tộc làm nên cốt cách Thăng Long - Hà Nội.

“Triển lãm lần này là một nỗ lực kéo dài và thúc đẩy quá trình đưa những không gian di sản truyền thống trong đô thị tham gia sâu sắc hơn vào bức tranh của nền công nghiệp văn hóa sáng tạo, biến các không gian di sản truyền thống trở thành một mắt xích quan trọng thu hút sự sáng tạo của giới trẻ cũng như sự quan tâm của cộng đồng” - Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ