Người Trường Lưu giữ gìn di sản thế giới

GD&TĐ - Ít miền quê nào có được kho tàng di sản văn hóa đặc sắc, đồ sộ như làng Trường Lưu (xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ - hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Nguyễn Huy.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ - hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Nguyễn Huy.

Mỗi di sản hiện diện trên mảnh đất này là sự kết tinh sáng tạo, trí tuệ của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử.

Làng quê 3 di sản thế giới

Theo ông Võ Hồng Hải, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh (cố vấn Đoàn UNESCO Việt Nam), việc 3 di sản ở làng Trường Lưu được công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới châu Á - Thái Bình Dương đủ cơ sở, điều kiện để tỉnh thực hiện việc xây dựng làng văn hóa Trường Lưu thành một địa chỉ văn hóa du lịch mang tầm quốc tế như nhiều nước đã làm. Vấn đề là cách làm như thế nào cho phù hợp thì ngành chức năng cũng cần phải nghiên cứu kỹ.

Từ Ngã ba Đồng Lộc, theo tỉnh lộ số 12 đi về hướng Đông Bắc 9 km là đến địa phận làng Trường Lưu. Làng Trường Lưu bao gồm 4 thôn: Đông Thạc, Phúc Trường, Phượng Sơn và Tân Tiến của xã Kim Song Trường. Từ xa xưa, làng Trường Lưu nức tiếng là vùng đất học, sinh ra nhiều người tài, đỗ đạt.

Nơi đây là quê hương của dòng họ Nguyễn Huy với 3 danh nhân văn hóa Việt Nam và nhiều nhà khoa bảng, tú tài khác như: Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hào, Nguyễn Huy Vinh, Nguyễn Huy Phó, Nguyễn Huy Hổ…

Trên tấm bia đá trong đình làng Trường Lưu hiện còn ghi danh 30 người con của làng đỗ tiến sĩ ở thế kỷ 18, 19 và rất nhiều hương cống, cử nhân. Nhiều người trong số họ là các nhà chính trị, nhà văn hóa, nhà giáo dục, nhà ngoại giao.

Trường Lưu cũng là một trong những miền quê văn hóa có nhiều di tích lịch sử mang đậm dấu ấn của truyền thống hiếu học. Những giá trị văn hóa ấy đang được người dân nơi đây gìn giữ và phát huy.

Điều đặc biệt, dù chỉ là làng quê nhỏ, nhưng Trường Lưu hội tụ rất nhiều di sản vật thể, phi vật thể ở tầm quốc gia, quốc tế. Trường Lưu được coi là cái nôi của hát ví, giặm Nghệ Tĩnh (đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2014).

Ngôi làng cũng sở hữu tới 3 Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO: “Mộc bản Trường học Phúc Giang”; “Hoàng hoa sứ trình đồ” và gần đây nhất là “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689 - 1943)”.

Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689 - 1943) là bộ sưu tập độc bản viết tay bằng chữ Hán và chữ Nôm, gồm 48 tư liệu của 3 dòng họ (Nguyễn Huy, Trần Văn và họ Hoàng) tại làng Trường Lưu, Hà Tĩnh.

Tờ sắc phong cho cụ Nguyễn Công Ban (1693), một trong những sắc phong thuộc bộ sưu tập Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu.

Tờ sắc phong cho cụ Nguyễn Công Ban (1693), một trong những sắc phong thuộc bộ sưu tập Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu.

Các văn bản này gồm 26 tư liệu là các sắc phong thời kỳ Nhà Lê và Nhà Nguyễn (1689 - 1943) có nội dung tôn vinh - ban thần, ban mỹ tự - trong ban tước, phong chức; 19 văn bản hành chính do chính quyền địa phương gửi cho người dân thuộc xã Trường Lưu dưới thời Nguyễn (1803 - 1943) và 3 bức trướng có kích thước 97x197cm, 121x177cm và 70x127cm tặng cho các cá nhân nhân dịp mừng thọ, đỗ đạt.

Với giá trị nguyên gốc, độc bản, các văn bản có nguồn gốc rõ ràng và các sự kiện liên quan... đã từng làm nguồn tư liệu để biên soạn sách, vì vậy nhiều thông tin có thể kiểm chứng, đối chiếu qua các tài liệu chính sử của Việt Nam như “Đại Việt sử ký tục biên,” “Khâm định Việt sử thông giám cương mục,” cũng như qua các sách khảo cứu như “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, “Nghệ An ký” của Bùi Dương Lịch.

Bộ sưu tập là bằng chứng xác thực cho các nghiên cứu liên quan đến lịch sử, giáo dục, chính trị, văn hóa, danh nhân, bình đẳng giới và nhất là ca ngợi phụ nữ, truyền thống hiếu học, kính trọng người cao tuổi của một làng quê tiêu biểu Việt Nam, cụ thể là làng Trường Lưu.

Trong bộ sưu tập có 6/48 tư liệu liên quan đến bình đẳng giới, trong đó có 5 sắc phong vinh danh phụ nữ như: “Thánh Mẫu,” “Thưa bà,” “Tấm gương trung thành hoàn hảo,” “Ví dụ về đức hạnh.” Mỗi tài liệu được xem như một tác phẩm nghệ thuật nguyên bản.

“Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là tư liệu quý hiếm về văn hóa và giáo dục của một làng quê ở miền Trung Việt Nam, trải qua nhiều biến cố, vẫn được lưu giữ. Đây là các tư liệu gốc giúp nghiên cứu quan hệ xã hội, lịch sử phát triển của làng quê thời xưa, đặc biệt trong giai đoạn từ cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX”, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ chia sẻ.

Việc Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu được vinh danh một lần nữa khẳng định truyền thống văn hóa, khoa bảng ở miền quê Can Lộc, Hà Tĩnh.

Bảo tồn di sản thế giới

“Hoàng hoa sứ trình đồ” - 1 trong 3 di sản tư liệu ký ức tại làng Trường Lưu được UNESCO công nhận.

“Hoàng hoa sứ trình đồ” - 1 trong 3 di sản tư liệu ký ức tại làng Trường Lưu được UNESCO công nhận.

Di sản tư liệu “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689 - 1943)” do Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ - hậu duệ đời thứ 16 dòng họ Nguyễn Huy là người chủ trì sưu tầm, thẩm định và cùng tỉnh Hà Tĩnh xây dựng hồ sơ trình UNESCO.

Theo ông Nguyễn Huy Mỹ, các tài liệu được sưu tầm từ các nhà thờ dòng họ, điện thờ... tại làng Trường Lưu. Hiện nay tại các nhà thờ và các tư gia ở làng Trường Lưu còn lưu giữ nhiều sắc phong, văn bản hành chính (trát, sức, bẩm, trình...), trướng, bia đá, gia phả, văn cúng, sách cổ và hoành phi, bảng gỗ, câu đối.

Đây là nguồn tư liệu quý giá để nghiên cứu những giá trị truyền thống chung có nguồn gốc sâu xa, nhấn mạnh việc tu dưỡng bản thân và giáo dục gia đình ở các nước châu Á; đồng thời giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về việc áp dụng và thực hành chế độ khoa cử Nho học nhằm tuyển dụng người tài phục vụ đất nước trong chế độ quân chủ Việt Nam và tác động của nó đối với giáo dục, phát triển văn hóa và đời sống của cơ sở.

Đền thờ Nguyễn Huy Tự tại làng Trường Lưu - nơi lưu giữ nhiều văn bản Hán Nôm có giá trị.

Đền thờ Nguyễn Huy Tự tại làng Trường Lưu - nơi lưu giữ nhiều văn bản Hán Nôm có giá trị.

Ngoài ra, GS Nguyễn Huy Mỹ cũng là người đã có công lớn trong việc đưa các di sản của dòng họ như “Mộc bản Trường học Phúc Giang,” “Hoàng Hoa sứ trình đồ” và nay là “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu” trở thành di sản thế giới.

Ông Mỹ chia sẻ: “Là một người con của dòng họ Nguyễn Huy nên tôi rất tự hào về các bậc tiền nhân. Từ lâu, tôi đã rất quan tâm đến các tư liệu quý mà dòng họ vẫn đang lưu giữ.

Trăn trở với các giá trị văn hóa của dòng họ và quê hương, từ năm 1984, tôi bắt tay tìm kiếm, lưu giữ và bảo tồn các giá trị các di sản. Chính vì vậy, dù sinh sống và làm việc ở Hà Nội nhưng tại quê nhà, nơi căn nhà nhỏ của gia đình mình, tôi đã dành phần lớn diện tích để xây dựng nơi lưu giữ các di sản”.

Cũng theo ông Mỹ, phần lớn các di sản đều làm bằng các chất liệu như giấy dó, lụa hoặc gỗ thị... nên việc bảo quản cần chỉn chu và có nguy cơ thất truyền nếu không được sao chép cẩn thận.

Những tâm huyết của ông Mỹ cũng chính là tâm huyết của người làng Trường Lưu và con cháu dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu. Tại các nhà thờ, đình làng, nhà cổ ở làng Trường Lưu, các di sản của cha ông đều được con cháu giữ gìn cẩn thận như báu vật.

Đó cũng là cách gìn giữ, trao truyền những ký ức, lịch sử cho các thế hệ đảm bảo tất cả không chỉ nằm lại trong quá khứ mà tiếp tục sống mãi với thời gian.

Một góc làng cổ Trường Lưu (nay thuộc xã Kim Song Trường, Can Lộc, Hà Tĩnh).

Một góc làng cổ Trường Lưu (nay thuộc xã Kim Song Trường, Can Lộc, Hà Tĩnh).

Để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản ở làng Trường Lưu, năm 2018, Ủy ban Nhân dân Hà Tĩnh đã đồng ý cho UBND huyện Can Lộc phối hợp với các sở, ngành chức năng liên quan tiến hành khảo sát, lập quy hoạch phân khu xây dựng Làng văn hóa du lịch Trường Lưu tại xã Kim Song Trường, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn liền với phát triển du lịch của địa phương.

Năm 2020, huyện Can Lộc đã ra mắt Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Làng Trường Lưu ở xã Kim Song Trường và xúc tiến hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tổng thể Làng văn hóa Trường Lưu.

“Ngoài 3 di sản của làng Trường Lưu được UNESCO công nhận thì toàn xã hiện có 23 di tích lịch sử được xếp hạng, trong đó có 7 di tích cấp quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh và một số di tích đã làm hồ sơ chờ được xếp hạng. Đây là niềm tự hào của làng Trường Lưu và người dân trên địa bàn xã.

Song với hệ thống di sản và di tích lớn, muốn để xứng tầm thì cần đầu tư thêm một số cơ sở vật chất. Hiện nay, huyện cũng như tỉnh đang hướng phát triển làng văn hóa Trường Lưu kết hợp với du lịch”, ông Nguyễn Quốc Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Song Trường trăn trở.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.