Nhất là khu phố cổ được ghi dấu bởi những “mái ngói thâm nâu”, cùng bao “giá trị cốt lõi của văn hóa lịch sử truyền thống và cộng đồng cư dân Hàng phố”.
Nhà nghiên cứu nghệ thuật múa Thái Phiên nhắc lại buổi đầu vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư - Ninh Bình về Thăng Long, từ đây nền văn hóa nghệ thuật đất kinh kỳ càng có điều kiện phát triển, ghi nhiều dấu ấn quan trọng, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân nước Việt…
Và, trên đất ngàn năm này có thể điểm được nhiều điệu múa dân gian cổ truyền nổi tiếng như múa quạt (giáo cờ, giáo quạt), rước kiệu, múa rồng, trống bồng Nhật Tân; múa hội làng Triều Khúc, Phù Đổng, Lệ Mật; múa đánh Giảo Long…
“Trong sự xô bồ, ồn ã, đua chen của môi trường công nghiệp hóa đang tràn vào phố cổ, người nghệ sĩ phải dùng ngôn ngữ riêng của loại hình nghệ thuật mà phê phán, phản biện với tinh thần xây dựng. Không nên chỉ nhìn thấy những điều tiêu cực, xấu xí mà phủ định tất cả” - Nhà thơ Nguyễn Thị Mai.
Theo ông Thái Phiên, trong khu phố cổ Hà Nội, đến nay còn lưu giữ, tồn tại nhiều ngôi đền chùa, miếu thờ, hội quán... mà trước đây trong những ngày lễ hội, người đi lễ vẫn được xem những điệu múa tôn nghiêm thành kính ở đó.
“Theo lịch sử truyền miệng, trong các ngày lễ của nhà Trần, vũ công được vào trình bày những điệu múa nghi lễ dâng vua, hoàng hậu và các quan đại thần như múa dâng hoa, lục cúng hoa đăng, bài bông bát dật… Những điệu múa này trở thành đặc sản của múa cổ Thủ đô.
Thời nhà Nguyễn đã cử các vũ công Thăng Long vào cung đình Huế dâng vua Nguyễn và được ghi nhận, dần dần trở thành những điệu múa nghi lễ của cung đình Huế như bài bông bát dật, lục cúng hoa đăng…”, nhà nghiên cứu Thái Phiên cho biết.
PGS.TS Trần Thị An, Chủ tịch Hội Văn hóa dân gian Hà Nội cũng ngợi ca: “Trong không gian văn hóa Thủ đô, phố cổ Hà Nội, có thể nói, chính là nơi có thể cảm nhận rõ nhất “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”.
Ở đó, có biết bao di sản lịch sử văn hóa như những tấm gương phản chiếu các bước thăng trầm lịch sử của các triều đại và các giai đoạn lịch sử, chứa đựng những trầm tích văn hóa mà con người Thủ đô đã xây dựng trong quá trình sống của mình”.
Cố nhà văn Nguyễn Hiếu từng xúc động cùng kỷ niệm ấu thơ, hồi Hà Nội bị tạm chiếm, nhà ông ở phố Duy Tân (nay là phố Huế). Đó là một tối thứ bảy được ông được mẹ dẫn đi xem kịch, vở “Hận tương giao” cảm tác từ truyện cổ tích “Trương Chi” của Đoàn Chuông Vàng ở phố Hàng Bạc.
“Cho đến bây giờ hơn 7 thập niên trôi qua, tôi vẫn nhớ như in buổi tối mùa Đông se lạnh giữa những mái nhà xiên lệch như trong tranh Bùi Xuân Phái, lờ mờ ánh điện nhập nhòa hình chiếc chén của nhà tể tướng cách điệu trên phông diễn tan vỡ vì nước mắt của nàng Mỵ Nương khi thấy bóng hình chàng đánh cá xấu giai có giọng hát mê đắm lòng người…”, nhà văn Nguyễn Hiếu kể.
Bởi vậy, mỗi văn nghệ sĩ đều nhận rõ trách nhiệm của mình trước di sản phố cổ Hà Nội được thể hiện bằng các công trình nghiên cứu, tác phẩm sáng tạo để sao cho những ngôi nhà cổ xưa, những con đường, khu phố bé nhỏ, chật hẹp mà đậm chất kinh kỳ luôn mang sức mạnh níu giữ tâm hồn bất kỳ ai đặt chân đến đây.
Tập trung nghiên cứu các di sản văn hóa dân gian, nhất là với đền Bạch Mã, PGS.TS Trần Thị An cho rằng, đền Bạch Mã (76 Hàng Buồm) là một di sản có ý nghĩa quan trọng, không chỉ là chứng nhân của lịch sử mà còn là hiện thể của đời sống văn hóa tâm linh của đất - trời - người Thủ đô qua hàng nghìn năm lịch sử, từ khi được khởi lập cho đến ngày nay.
Bởi vậy, “truyền thuyết dân gian, với các câu chuyện dân gian đậm yếu tố thần kỳ nhưng chứa đựng các nhân lõi lịch sử đã góp phần quan trọng trong bảo tồn giá trị lịch sử văn hoá của di sản cho vùng đất “thượng đô kinh sư mãi muôn đời””, PGS.TS Trần Thị An nhấn mạnh.
Trong khi đó, nhà thơ Nguyễn Thị Mai đề cao sức sáng tạo, góp tài hoa của văn nghệ sĩ để cùng lưu truyền, gìn giữ vẻ đẹp bản sắc của phố cổ Hà Nội. Có thể nhắc nhớ tới những gương mặt nổi bật như họa sĩ Bùi Xuân Phái, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, nghệ sĩ guitar Văn Vượng, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh…
Để nối tiếp sự nghiệp ấy, theo bà Mai, người nghệ sĩ cần tìm tòi, phát hiện vẻ đẹp, giá trị đích thực của phố cổ bằng góc nhìn của riêng mình để tôn vinh bằng tài năng sáng tạo nghệ thuật.
Còn nhà lý luận phê bình Thái Phiên băn khoăn về thực trạng trong quá trình cải tiến, nhiều điệu múa cổ bị “tam sao thất bản”, mất đi bản sắc, khó có thể phục hồi. Song ông cũng bày tỏ niềm vui khi 10 năm trở lại đây, Sở Văn hóa Thể thao và Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đã cùng phối hợp dàn dựng, đưa các chương trình múa dân gian cổ truyền Hà Nội trình diễn trong những ngày lễ hội, kỷ niệm lớn của Thủ đô và đất nước.
Những hoạt động này tích cực góp phần bảo vệ di sản văn hóa phố cổ Hà Nội, làm cho nơi đây trở thành một địa điểm hấp dẫn thu hút được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
“Tất nhiên, để giữ được vẻ đẹp cổ truyền độc đáo của di sản đặc trưng cho phố cổ Hà Nội không phải là một điều dễ dàng, đòi hỏi các nghệ sĩ phải thật tâm huyết đi sâu nghiên cứu để sáng tạo, dàn dựng nên những đội ngũ vũ công trẻ yêu nghề, hết lòng, hết sức giữ gìn vốn cổ của cha ông”, nhà nghiên cứu Thái Phiên lưu ý.