Lớp học xóa mù chữ cho người Mông do các cô giáo Đặng Thị Hòa và Đinh Thị Thương - Giáo viên Trường Tiểu học La Pán Tẩn - đứng lớp. Học viên trong độ tuổi từ 15 đến 60, chủ yếu đã lập gia đình và không biết chữ.
Vào năm 2013, Phòng Giáo dục Mù Cang Chải chọn La Pán Tẩn là nơi thí điểm mô hình lớp học xóa mù chữ ban đêm, mở 5 lớp học với 159 học viên. Năm nay, lớp xóa mù chữ mở 2 lớp đặt ở các điểm trường Trống Tông và Trống Páo Sang.
Cô giáo Đinh Thị Thương đã 13 năm gắn bó với những bản làng ở La Pán Tẩn. Ban ngày cô dạy lớp 1, buổi tối đứng lớp xóa mù chữ này. Cô cho biết, lớp học duy trì 50% đến 70% số người đi học.
Học viên đều là lao động chính trong gia đình, bận việc nương rẫy. Nhiều khi đi làm về muộn, họ đến lớp chậm mất 30 phút hoặc cả tiếng đồng hồ, các cô đều đợi. Vào mùa vụ, học viên xin nghỉ một vài buổi rồi tiếp tục đi học nên cô giáo cũng phải thông cảm, không còn cách nào khác.
Lớp học bắt đầu lúc 19 giờ 30, kết thúc lúc 22 giờ. Thời gian học được chia ra làm ba giai đoạn gọi là lớp 1, 2, 3, sử dụng tài liệu xóa mù chữ do Bộ GD&ĐT quy định.
Học viên lớn tuổi, nhiều khi bất đồng ngôn ngữ vì họ không nói được tiếng phổ thông, cách giao tiếp, ứng xử cũng khác. Cô Thương và cô Hòa cùng lên lớp để hỗ trợ lẫn nhau. Một người giảng chính trên bục và một người trợ giảng dưới lớp.
Mỗi buổi, học viên được các cô giáo cầm tay tập viết, đánh vần, ghép chữ làm phép tính. Đôi bàn tay ban ngày đi chỉa ngô, chặt củi rừng, cầm kim thêu, tối về lại cầm bút tập viết.
Qua vài tháng, học viên đã tiến bộ. Có người nhận diện được mặt chữ, biết phép tính đơn giản.
Giàng Thị Bla (21 tuổi) đem theo con gái mới 5 tháng lên lớp học. Trước khi sinh, Bla đã đăng ký đi học xóa mù chữ nên sau khi con gái được vài tháng tuổi, chị liền quay trở lại lớp. “Lúc nào nó khóc, ta lại đem nó về nhà cho chồng rồi lại đi học. Nhà gần đây mà” - Bla nói.
Nhiều gia đình trong bản, buổi sáng con đi học, buổi tối mẹ đến trường. Ở nhà, con dạy mẹ đánh vần, làm phép tính để đến lớp cô giáo kiểm tra bài cũ. Có học viên đưa con đi học cùng.
Mẹ ngồi trong lớp thì con thẩn tha chơi ngoài sân trường hoặc ngồi trong lòng mẹ cùng học bài. Có lúc chờ khuya quá, các bé mệt thì được cô giáo trải chăn cho ngủ, chờ mẹ tan học rồi cùng về.
Hờ Thị Chư (22 tuổi) lấy chồng từ khá sớm. Nhà đông anh em, lại là con gái nên Chư không được đi học. Giờ có lớp học ban đêm, người mẹ trẻ đến lớp thường đưa theo con gái 1 tuổi cùng đi.
Những phụ nữ trước nay chỉ biết việc nương rẫy, ở nhà chăm sóc chồng con nay lóng ngóng khi cầm phấn, chần chừ trước một phép tính. Sau một thời gian tham gia lớp học, nhiều người đã biết đếm tiền, nhắn tin điện thoại cho con.
Học viên này cho biết, dù đọc chưa thạo nhưng anh cũng đã biết ký tên mình vào giấy tờ. Trước đây, họ toàn phải điểm chỉ bằng đầu ngón tay.
Kết thúc khóa học kéo dài 6 tháng, người học sẽ được cấp giấy chứng nhận biết chữ. “Người dân nơi đây còn tâm lý ngại sử dụng tiếng phổ thông trong giao tiếp hàng ngày nên có nguy cơ tái mù chữ.
Đó chính là nỗi lo lắng của giáo viên nơi đây, cũng là bài toán dang dở cho giáo dục miền núi. Chờ huyện có kế hoạch, trường sẽ tiếp tục tổ chức các lớp thuộc chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ để hạn chế tình trạng tái mù chữ nơi đây” - Cô Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng trường Tiểu học La Pán Tẩn trăn trở.
Hơn 22 giờ, lớp học tan, cô Thương về điểm trường chính La Pán Tẩn cách bản Trống Tông 2 km. Còn cô Hòa ở lại, tranh thủ chấm điểm, xem bài. Nhà cũng ở Yên Bái nhưng cách nơi dạy hàng trăm km nên có dịp các cô mới về nhà.