(GD&TĐ)-Con người đời thường giản dị những như niềm đam mê khoa học, khát khao muốn tận hiến cho đất nước của cố GS.Nguyễn Đình Tứ được kể lại qua dòng hồi ức chân thực và xúc động của chính hai người con trai giáo sư.
Gia đình GS.Nguyễn Đình Tứ |
>Nguyễn Đình Tứ: Một trí thức gương mẫu
>Hồi ức về cố GS.Nguyễn Đình Tứ: Chuyện chưa từng kể (phần 1)
>Hồi ức về cố GS.Nguyễn Đình Tứ: Chuyện chưa từng kể (tiếp theo)
Tại sao Ba tôi mê thiên văn? – Qua lời kể con trai Nguyễn Mạc Hà
Thiên văn là một nỗi niềm say mê mà Ba tôi đã thích từ thuở thiếu niên. Từ hồi còn nhỏ tôi đã từng được nghe chú Nhân, em Ba, và bác Quế, bạn học của Ba, kể về chuyện Ba đã dùng ống nứa và mấy cái thấu kính, mắt kính cũ để tự làm lấy kính thiên văn. Và cũng đã từ hồi còn rất nhỏ ở Đúpna, thỉnh thoảng đi chơi với Ba, tôi lại được Ba chỉ cho xem : “Đây là chòm sao Thiên Nga, và đây là chòm sao con Bọ Cạp. Và kia là chòm sao con Bò Tót, ngôi sao sáng màu đỏ là mắt nó đấy...” Tôi chăm chú nhìn theo hướng Ba chỉ, nhưng dù cố hết trí tưởng tượng, vẫn không làm sao hình dung ra được, đâu là hai cái sừng của con bò tót, và đâu là hai cái càng của con bọ cạp... Về nhà, Ba lấy cho tôi xem cuốn Atlat sao, trên đó vẽ hình cả con bò tót, lẫn con thiên nga, với các chấm trắng chỉ các ngôi sao. Ngắm nghía một hồi, nhưng ra đến ngoài trời, tôi vẫn chẳng làm sao phân biệt được đâu là chòm sao nào... Có lẽ, đó là những lần đầu tiên Ba đã tìm cách dẫn dắt tôi vào thế giới kỳ lạ của Thiên văn học. Nhưng tôi còn quá bé để hiểu được điều đó.
Còn đối với Ba, đó lại là một niềm đam mê cho đến tận cuối cuộc đời...
Hè năm 1972, giặc Mĩ ném bom đánh phá miền Bắc một lần nữa. Lúc này, cả gia đình tôi đã từ Đúpna trở về Việt Nam, Ba tôi về làm ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tôi cùng Ba đi sơ tán ở Hà Bắc. Và Ba tôi đã mượn được của Trường một cái kính thiên văn, đêm đêm lại ra sau vườn “ngắm sao”. Nhưng mà tôi, lúc ấy đã 10 tuổi, vẫn không hiểu gì cả, một phần khác vì đang mải say sưa với một sở thích mới - radio - điện tử nghiệp dư, qua một cuốn sách Ba cho. Cũng phải nói radio - điện tử cũng là một thích thú, như ta có thể gọi là “hobby” khác của Ba tôi. Và cái hobby này đã lây rất nhanh sang tôi, và thực tế có thể coi là đã trở thành cái nghề thứ hai của tôi. Nhưng riêng về thiên văn, kỷ niệm duy nhất của tôi về chiếc kính thiên văn mà Ba mượn về hồi đi sơ tán, là khi giữa ban ngày, Ba đã lấy cái kính ra cho cả một bầy trẻ con chúng tôi xem thằng phi công Mĩ nhảy dù khi bị tên lửa ta bắn rơi.
Hoà bình lập lại, rồi đất nước thống nhất, bẵng đi một thời gian dài không thấy Ba nói gì đến thiên văn... Năm 1980 tôi đỗ đại học, và được sang Liên Xô học Khoa Vật lý Trường Đại học Tổng hợp Mátxcơva mang tên Lômônôxốp. Năm 1986, khi tốt nghiệp về nước và chuẩn bị sang lại làm nghiên cứu sinh, tôi mới lại được nghe Ba tôi nhắc đến thiên văn. Lần này là sao Chổi Haley, một sao Chổi định kỳ rất nổi tiếng. Bây giờ phần nào đã hiểu hơn về Thiên văn học, mặc dù vẫn chỉ coi nó là một thú vui giải trí của Ba, tôi đã cùng Ba tìm đọc các bài báo viết về sao Chổi Haley, và tìm cách xem có thể nhìn thấy được sao Chổi ở Hà Nội không. Nhưng điều kiện hồi ấy đã không thuận lợi để có thể nhìn thấy được sao Chổi Haley, nhất là ở Hà Nội. Nhưng bù lại, với chiếc ống nhòm mua được trong một chuyến đi công tác ở Cộng hoà dân chủ Đức, Ba đã cho tôi xem sao Hoả, sao Kim, sao Mộc với những vệ tinh tý hon, và cả sao Thổ - phải nhìn rất lâu và rất kỹ mới có thể “đoán” ra được cái vành nổi tiếng của nó... Và cả Tinh vân Tiên Nữ mà tôi đã từng được biết qua cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng cùng tên của nhà văn Nga Êphrêmốp - mặc dù, với chiếc ống nhòm 8x30, mà tôi vẫn còn giữ cho đến bây giờ, giữa Hà Nội đầy ánh sáng đèn, Tinh vân Tiên Nữ cũng chỉ hiện ra được như một vệt sáng mờ mờ...
Thời kỳ này, ở Hà Nội đã bắt đầu xuất hiện những chiếc máy tính PC đầu tiên, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã có một nhóm lắp ráp những chiếc máy có thể coi là PC Việt Nam đầu tiên, với mác Bamboo... Biết tôi vẫn say mê điện tử, và rất thích máy tính, Ba đã giới thiệu cho tôi đến “thực tập” ở đấy. Và Ba cũng giao cho tôi một “bài toán” : viết một chương trình bằng BASICA (ngôn ngữ lập trình chính cho các máy IBM PC tương thích hồi ấy) để có thể vẽ ra được vị trí các vệ tinh của sao Mộc ! Đối với tôi, bài toán này không phải là khó lắm, nhất là khi mà tất cả các công thức tính toán, quy chiếu toạ độ, v.v..., Ba đã viết sẵn hết cả ra cho tôi. Chỉ phải suy nghĩ một chút về lưu đồ xử lý và lập trình phần hiển thị đồ hoạ là xong. Ba tôi đã rất thích thú khi tôi cho xem chương trình chạy, khi vị trí các vệ tinh trên màn hình thay đổi tuỳ thuộc theo ngày giờ mà Ba nhập vào. Tất nhiên, tất cả các hình vẽ đó Ba cũng đã có trên giấy, với những tính toán được Ba thực hiện bằng một chiếc máy tính cầm tay (calculator) đ
ơn giản. Điều làm Ba tôi thực sự thích thú, là khả năng mô hình hoá các tính toán thiên văn phức tạp và hiển thị trực quan với một ngôn ngữ lập trình hết sức đơn giản như BASICA !
Phải nói thêm rằng, từ thời kỳ còn làm việc ở Đúpna, Ba tôi đã tự học thêm máy tính, tranh thủ những giờ ban đêm khi không ai sử dụng máy tính. Khá lâu sau khi về Việt Nam rồi hai anh em chúng tôi vẫn còn được dùng những tập giấy máy tính cũ của Ba làm giấy nháp. Và mãi sau này tôi mới được biết, những chương trình máy tính băng FORTRAN do Ba tôi viết từ những năm 60 cho đến nay vẫn được sử dụng tại Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Đúpna để xử lý các ảnh vết từ các buồng bọt trên máy gia tốc...
Nhưng vào mùa hè năm 1986 ấy, có lẽ là lần đầu tiên niềm say mê thiên văn của Ba tôi đã được “tiếp cận” với một công cụ xử lý - mà đến nay đã trở thành hết sức phổ cập - chiếc máy tính PC...
Cuối năm 1986 tôi quay lại Liên Xô làm luận án phó tiến sĩ. Đâu đó năm 1987-1988 trong một lần đi công tác ghé qua Liên Xô, khi cùng Ba đi chơi thăm Hồng Trường, Ba đã bảo tôi đưa đến cửa hàng “Thế giới trẻ em” nằm ngay giữa trung tâm Mátxcơva, Ba đã đứng ngắm nghía rất lâu chiếc kính thiên văn bày bán ở đó, và phân vân mãi không biết nó nặng bao nhiêu cân ? Ngày hôm sau Ba tôi đã lên đường sang dự Hội nghị ở một nước nào đó khác, và rồi sau này tôi mới được biết, trên đường quay trở về Việt Nam, dừng lại chuyển máy bay ở Mátxcơva có nửa ngày, Ba đã tự ra cửa hàng “Thế giới đồ chơi” và mua cái kính thiên văn ấy !
Mấy năm trôi qua, năm 1995 tôi mới từ Liên Xô (lúc này đã trở thành Liên bang Nga) trở về Việt Nam. Nhà tôi đã có một chiếc máy tính PC 486 do cơ quan Ba cấp cho. Tối tối vẫn thấy Ba lấy ống nhòm - vẫn chiếc ống nhòm Đức thuở nào - và kính thiên văn ra xem sao, rồi lại ngồi tính toán trên máy tính. Bây giờ không còn phải viết chương trình bằng BASICA nữa, mà dùng chương trình MathCAD cho phép trực tiếp nhập các công thức, phương trình và biểu thức, và kết quả có thể được hiển thị dưới dạng hình vẽ chuyển động như hoạt hình... Hàng tháng, Ba tôi đã đặt mua Tạp chí Thiên văn Astronomy xuất bản ở Mĩ, và còn nhiều cuốn Niên giám Thiên văn tôi gửi cho Ba về từ Mátxcơva. Vậy mà tối tối, vẫn thấy Ba lấy kính thiên văn ra soi soi, xem xem, rồi lại ngồi vào máy tính, không biết tính toán cái gì ?... Một buổi tối, Ba hỏi tôi : “Hà có biết làm cách nào để đưa một phương trình tích phân kiểu này vào MathCAD không ?” Thật may, tôi đã từng sử dụng MathCAD cho luận án phó tiến sỹ của mình ! Tối hôm ấy, hai Ba con đã cùng ngồi và giải xong trên MathCAD một bài toán cơ học 3 vật thể khá phức tạp. Hoá ra, đó vẫn là tiếp tục của bài toán mà Ba đã giao cho tôi mùa hè năm 1986 : tính toán vị trí các vệ tinh của sao Mộc ! Với những công thức đơn giản hoá như hồi đó, thì chỉ sau vài chục chu kỳ quay vị trí các vệ tinh không còn trùng với thực tế trên trời nữa. Và mặc dù các sách vở, niên giám đều đã có các biểu đồ chính xác để xác định vị trí các vệ tinh của sao Mộc, Ba tôi vẫn muốn tự tay mình tính toán, để tự mình xác định xem yếu tố nào (tác động tương tác giữa các vệ tinh với nhau và với sao Mộc, tính không lý tưởng của quỹ đạo, v.v...) có tác động lớn nhất đến sai số tính toán...
Và dần dần, qua những lần giúp Ba giải những bài toán thiên văn ấy, đọc lại những cuốn Tạp chí Thiên văn Astronomy cũ của Ba, tôi mới hiểu được nguyên nhân vì sao Ba tôi say mê thiên văn. Chưa nói đến vẻ đẹp của dải Ngân Hà và các chòm sao, của các thiên hà mà ta có thể nhìn thấy được bằng mắt thường hay bằng kính thiên văn. Chưa nói đến các hiện tượng thiên văn kỳ vĩ đã từng làm cha ông ta khiếp sợ như Nguyệt thực và Nhật thực. Nhưng trước hết, đối với Ba, Thiên văn học là một khoa học chính xác, mà với trí tuệ và những kiến thức loài người đã tích tụ được qua nhiều thế hệ ta có thể lý giải và tiên đoán được những hiện tượng thiên nhiên tưởng chừng như bí hiểm - từ vị trí và chuyển động của một ngôi sao trên trời, cho đến Nhật thực, Nguyệt thực và sao Chổi... Và về bản chất, cũng như thực tế các lý thuyết khoa học đang được xem xét và tranh cãi, thiên văn học, nhất là vật lý thiên văn, gắn bó hết sức khăng khít với vật lý hạt nhân, vật lý hạt cơ bản và năng lượng cao - chuyên ngành chuyên môn của Ba tôi...
Thật đau buồn là tôi hiểu ra được điều đó quá muộn...
Năm 1996, cả nước chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ VIII. Mặc dù vô cùng bận rộn với công việc của Ban Khoa giáo, với những công tác chuẩn bị cho Đại hội, nhiều đêm vẫn thấy Ba tôi ngồi vẽ, tính toán để chuẩn bị cho một “sự kiện” khác - sao Chổi Halle - Bopp... Tôi nhớ Ba tôi có lần nói - sao Chổi này sẽ rất đẹp và sáng, và sẽ có thể dễ dàng quan sát được ở Hà Nội, thậm chí có thể chụp ảnh được... Mặc dù, có người nói rằng, sao Chổi mang đến điềm xấu...
Tháng 6 năm 1996, Đại hội Đảng lần thứ VIII khai mạc... Và những ngày đau thương, Ba tôi đã ra đi vĩnh viễn...
Mấy tháng sau, soạn lại các giấy tờ sách vở của Ba, tôi ngồi lật lại tập Tạp chí Thiên văn Astronomy, và chợt đọc thấy “Halle - Bopp”... Đây chính là sao Chổi mà Ba đã muốn chụp ảnh ? Và đã là cuối tháng 11, bây giờ đã bắt đầu có thể quan sát được sao Chổi rồi ! Mấy buổi chiều tối liền, tôi lấy ống nhòm - vẫn lại cái ống nhòm Đức của Ba mua từ hơn 10 năm trước... - tìm cách soi cho ra sao Chổi. Nhưng có vẻ vô vọng - hôm thì trời mưa, không mưa thì mây mù, hoặc trời đẹp, nhưng đúng hướng mặt trời lặn lại có mây... Và điều quan trọng là, biết tìm sao Chổi ở chỗ nào ? Liệu hình thù nó ra sao - ảnh chụp các loại sao Chổi khác nhau trên sách vở thì nhiều, nhưng đều là chụp qua các loại kính thiên văn, hoặc ít nhất thì cũng là ống kính tele - với chiếc ống nhòm nghiệp dư này, trông nó sẽ ra sao ? Chưa định vị được bằng ống nhòm, thì làm sao hy vong có thể soi được bằng kính thiên văn, chưa nói đến chuyện chụp ảnh ? Và quan trọng nhất, là : tìm sao Chổi Halle - Bopp ở chỗ nào bây giờ ?
Tôi lại quay lại với chồng sách vở của Ba. Và trong một tập giấy tờ tôi đã tìm được các bản vẽ và tính toán của Ba, trên mặt sau của những trang công văn, báo cáo. Thậm chí có cả toạ độ của sao Chổi theo từng ngày giờ ! Chỉ có mỗi một “vấn đề phức tạp”, là làm cách nào để định vị được các toạ độ đó ở trên mái nhà đây ? Ba tôi thì thuộc lòng những thứ ấy, chỉ nhìn vào toạ độ một ngôi sao là Ba đã biết phải quay về hướng nào, nhìn về độ cao nào... Còn tôi, lại phải loay hoay mất mấy ngày, đọc sách vở và các ghi chép của Ba. Rồi lại phải ngóng đợi trời đẹp... Nhưng rồi cuối cùng, tôi cũng đã tìm thấy được sao Chổi Halle - Bopp, và đúng theo như các ghi chép tính toán của Ba. Qua cả kính thiên văn, sao Chổi Halle - Bopp hiện lên rất rõ ràng, với hạt nhân sáng chói và vệt đuôi sáng kéo dài... Tôi đã gọi cả Má và vợ chồng Hùng - Liên, em tôi, và cháu Khánh, ra xem - đây chính là sao Chổi mà Ba đã muốn chụp ảnh...
Mấy ngày sau, Hùng đã mượn về cho tôi một chiếc máy ảnh “tử tế” hơn cái máy ảnh Zenit cũ kỹ của tôi, và tôi đã đi lùng khắp Hà Nội để mua cho được 2 cuộn phim Kodak Pro 1600 có độ nhạy cao. Lần đầu tiên chụp ảnh thiên văn, biết chọn thời gian, độ mở ống kính là bao nhiêu đây ? Tôi cứ đành liều, chụp hết 1 cuộn với các chế độ khác nhau, rồi hôm sau mang đi rửa ngay. Chỉ được 1-2 cái, nhưng ít nhất tôi đã biết chế độ chụp nào là thích hợp. Nhưng lúc này, sao Chổi Hale-Bopp đã tiến đến quá gần Mặt Trời, và xuất hiện quá thấp trên chân trời để có thể chụp ảnh được... Lại phải mấy tháng chờ đợi, và mãi đến tháng 4 - 1997, khi sao Chổi xuất hiện lại sau khi đã bay vòng qua phía sau Mặt Trời, tôi mới có điều kiện để thực hiện điều mà Ba tôi đã mơ ước - chụp ảnh sao Chổi Hale-Bopp...
Mấy tấm ảnh Halle - Bopp đẹp nhất dưới đây, đối với tôi không chỉ là những kết quả đầu tiên trong việc chụp ảnh thiên văn. Đó còn là món quà muộn màng tôi dành cho Ba tôi, và là những bước đầu tiên trong một thú say mê đã từng là của Ba tôi trong suốt cuộc đời...
Mong ước tiếp theo của tôi, là chụp ảnh được Tinh vân Tiên Nữ... Ba ơi, con đã hiểu tại sao Ba lại say mê thiên văn.
Hình ảnh sao Chổi Halle - Bopp do Mạc Hà chụp tháng 4 - 1997 |
Như một áng sao bay – Lời kể của con trai Nguyễn Việt Hùng
Gia đình chúng tôi, từ đời ông, các chú bác, Ba Má tôi đến anh em chúng tôi đều đi theo con đường kỹ thuật và khoa học tự nhiên. Tuy vậy dường như ở đâu đó đằng sau luôn ẩn chứa một tâm hồn văn chương với đôi chút bay bổng. Đối với tôi cũng vậy, khi nhớ về Ba, tôi lại nhớ tới những kỷ niệm, những sự việc dường như hoà trộn giữa hai con người trong Ba - một nhà khoa học, một nhà quản lý nghiêm túc và một người cha hiền từ đầy tính nhân văn. Tôi chợt nghĩ nếu mình cố viết một câu chuyện về Ba, thì cũng chỉ ghi lại được những cảm xúc chợt đến chợt đi qua những mẩu chuyện nhỏ rời rạc tựa như những áng sao bay trên trời chợt loé chợt tắt mà một thời Ba vẫn say mê.
Hồi bé, ngay từ tuổi nhà trẻ tôi được theo Ba Má sang Liên Xô. Thời gian đó Má tôi làm nghiên cứu sinh ở Mátxcơva, còn hai anh em tôi cùng với Ba sống tại Đúpna, một thành phố nhỏ êm đềm bên bờ sông Vonga, cách Mátxcơva khoảng 200 cây số. Ba đang tham gia vào những công trình nghiên cứu với các đồng nghiệp đến từ nhiều nước khác nhau cùng làm việc tại Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân. Tuy nhiên, điều đó thì tôi chẳng hiểu gì cả vì còn quá nhỏ. Tôi chỉ cảm nhận được rằng, Ba đã nhận thêm trách nhiệm chăm sóc chúng tôi để Má được yên tâm nghiên cứu. Chỉ đến cuối tuần, Má mới được về thăm Ba và anh em chúng tôi. Lúc đó chúng tôi đi học, đi nhà trẻ suốt ngày nên toàn nói chuyện thậm chí suy nghĩ cũng bằng tiếng Nga. Nhưng đến giờ tôi vẫn nhớ những buổi tối, khi đã lên giường chuẩn bị ngủ, Ba vẫn thường kể cho chúng tôi những câu chuyện về Tôn Ngộ Không. Giờ đây, đã hơn ba mươi năm qua đi, chẳng làm sao tôi nhớ được cốt truyện hồi đó, nhưng giọng kể nhẹ nhàng êm ái của Ba vẫn như ru bên tai để đưa tôi vào giấc n
gủ. Sau này lớn lên, Ba thì quá bận rộn, chúng tôi không còn được nghe Ba kể chuyện nữa, thế nhưng thật xúc động khi tôi được nghe một số bác bạn cũ của Ba nhắc lại cái tài kể chuyện của Ba từ những năm gian khó ở Việt Bắc.
Năm 1971, gia đình chúng tôi về nước và chỉ sau vài tháng, với vốn tiếng Việt bập bõm, tôi bước vào lớp một. Thật đáng ngạc nhiên, tôi vẫn nhớ thái độ cương quyết của Ba luôn kèm tôi tiếp tục học đọc và viết tiếng Nga trong lúc kết quả tháng đầu lớp một tôi bị "đội sổ". Sau này, tôi mới thấm thía bài học ấy. Do thời điểm đó, ở trường cũng như môi trường tiếp xúc của tôi chẳng ai dạy hay nói tiếng Nga nên cái vốn liếng tiếng Nga bẩm sinh từ vườn trẻ bị rơi rụng rất nhanh, còn may là nhờ Ba nên chúng vẫn lưu giữ được ít nhiều. Còn tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ nên dù chẳng bị gò ép học đêm ngày như ngày nay, đến cuối năm học tôi đã được xếp thứ 5.
Một bài học, một thói quen hữu ích nữa mà Ba đã truyền cho chúng tôi ngay từ tuổi phổ thông mà tôi không biết nó bắt nguồn từ con người "nhà khoa học" hay là từ con người "văn học" của Ba, đó là thói quen viết nhật ký. Hai anh em chúng tôi đã liên tục viết nhật ký từ nhỏ. Hằng ngày, chúng tôi ghi chép lại tất cả mọi câu chuyện diễn ra cùng với một vài suy nghĩ nhận xét của bản thân. Những dòng chữ nghều ngào, những câu văn ngây ngô dần được chải chuốt và tiến bộ lên theo thời gian, cũng như chính sự tiến bộ, trưởng thành của chúng tôi trong những ngày đó. Giờ đây và mãi sau này nữa, những cuốn nhật ký của chúng tôi và hơn nữa những cuốn sổ ghi chép của chính Ba sẽ là những kỷ vật vô giá đối với gia đình. Sau này, tôi ít khi tiếp tục viết, tôi không còn giữ được thói quen ghi nhật ký nữa, cuộc sống sôi động và bận rộn dường như cuốn mọi người đi. Vậy mà Ba, khi tôi có cháu đầu lòng, Ba tôi lúc này được "lên chức" ông nội, đã lại bắt đầu một cuốn nhật ký mới dành riêng cho cháu nội của mình. Mặc dù hết sức bận rộn với bao trọng trách nặng nề, Ba vẫn cố dành ít phút mỗi ngày để ghi lại những sự kiện, biến cố của đứa cháu nhỏ. Cuốn nhật ký mới giờ đây đã mang nặng nét thống kê khoa học và nhẹ phần văn chương thế nhưng vẫn thấm đẫm tình cảm yêu thương. Lạ hơn nữa, Ba lại còn lấy ra một cuốn nhật ký khác đã ố vàng trong đó ghi lại từng bước đi của hai anh em tôi . Đặt hai cuốn sổ cạnh nhau, Ba cười thật hiền và chứng minh với Má, là một giáo sư, bác sĩ chuyên khoa nhi, bằng những biểu đồ, dẫn chứng cụ thể về sự phát triển ở những thời kỳ khác nhau của những đứa trẻ sơ sinh cách nhau tới 30 năm.
Nhân nói về thói quen ghi chép của Ba, tôi cũng muốn nhắc đến một ghi chép mang tính khoa học thực nghiệm đã ngấm vào cả những thú vui nho nhỏ đời thường. Vài năm về sau, cuối mỗi ngày làm việc căng thẳng, Ba thường thư giãn bằng cách chăm sóc cây, hoa trong vườn. Khách quan mà nói, cây và hoa của Ba đều thuộc loại rẻ tiền và chẳng đẹp mấy. Thế nhưng đối với mỗi cây, Ba đều lập phiếu theo dõi riêng có vẽ cả hình dáng và mô tả chi tiết quá trình và quy luật phát triển. Thế rồi, với niềm vui nho nhỏ được chia sẻ, chiều chiều Ba lại dắt cháu Cún mới được 3 tuổi đi xem cây và giảng giải cho cháu nghe về cuộc sống của chúng. Có lẽ một bài học lớn Ba đã truyền lại cho chúng tôi không bằng bất kỳ một giáo lý nào mà bằng những công việc cụ thể nhẹ nhàng hàng ngày, đó là ý thức nghiên cứu tìm tòi, là thái độ làm việc nghiêm túc, cẩn trọng và chính xác của một nhà khoa học. Tiếc rằng bài học đó, tôi và cả con tôi nữa cũng chỉ học được một phần rất nhỏ từ Ba.
Khi vào đại học, với tuổi trẻ bồng bột và ham chơi, tôi theo ngành Địa chất. Khác với Ba, tôi muốn bằng tay mình cảm nhận được những phiến đá xù xì hiện hữu, chứ không săn tìm những vì sao xa vời hoặc lần mò với những tương tác vi mô ở đâu đó ngay trước mặt mà ta không tự thấy được. Thế nhưng vẫn chỉ bằng những câu chuyện giản dị hàng ngày, thật vô hình nhưng Ba đã dần hướng tôi đi theo một con đường, con đường tôi không chọn trước, nhưng Ba đã vạch ra, không phải chỉ cho riêng tôi mà dường như Ba đã nhắm đến cho cả một thế hệ tương lai. Tôi đi dần từ các nghiên cứu về sa khoáng đến các nguyên tố xạ hiếm và cuối cùng là quặng hoá uranium. Thật vô tình, hay là hữu ý của Ba, tôi đã từng bước nhập vào đội ngũ những người đặt nền móng cho chương trình năng lượng nguyên tử tương lai, đó là vào những năm giữa thập niên 80 của thế kỷ XX. Tôi không thể biết chắc vì thuộc thế hệ đi sau, nhưng là người con trong gia đình, tôi có thể nói rằng : Ba tôi là một trong những người khởi xướng và kiên trì theo đuổi kể cả trong những thời điểm đầy khó khăn việc xây dựng chương trình năng lượng nguyên tử tự cường phục vụ hoà bình cho Tổ quốc.
Sau này, khi bắt đầu ra đời công tác và dần trưởng thành, tôi vẫn luôn cảm nhận thấy nỗi niềm trăn trở của Ba về mong muốn tập hợp và xây dựng lực lượng cán bộ nghiên cứu khoa học nói chung và phát triển năng lượng nguyên tử nói riêng. Công việc thì nhiều, nhưng tôi thấy, xen vào từng chồng công văn giấy tờ, tài liệu của Đảng, Nhà nước... là những bộ hồ sơ thực tập của các cán bộ nghiên cứu mà Ba vẫn xem xét và sửa chữa kỹ lưỡng ngay cả trong lúc ăn cơm. Thói quen "xấu" đọc tài liệu trong khi ăn đến nỗi nhiều lúc không biết mình đang ăn món gì và suốt cả buổi tối ngày nào cũng như ngày nào, dần cũng được Ba hy sinh bớt để nhường chỗ cho những phút sôi nổi chuyện trò gia đình, nhất là khi đã có con dâu, có cháu. Những câu chuyện gia đình lúc ấy mặc dù đã nói nhiều về xã hội, về cuộc sống nhưng vẫn thường đan xen và vẫn thường quay trở về với những trăn trở công việc của Ba. Những vấn đề bức xúc của ngành Y mà Má tôi thường "chất vấn", những mặt còn bất cập trong hệ thống giáo dục mà đứa cháu nội đang bắt đầu phải đối mặt, hay các công tác quản lý và nghiên cứu khoa học mà bản thân tôi nhiều khi cũng thắc mắc... rất nhiều việc thường được thảo luận một cách vui vẻ và dân chủ trong gia đình. Tuy nhiên, Ba thường giới hạn ở những câu chuyện vui bên ngoài, có lẽ Ba vẫn luôn giữ một nguyên tắc là công việc đó là trách nhiệm của cá nhân Ba và Ba không muốn cũng như không được đưa những công việc chung vào cuộc sống gia đình.
Còn nhiều những kỷ niệm nữa mà chắc rằng tôi không thể kể hết được qua một bài viết nhỏ. Tôi chỉ nghĩ rằng, với riêng tôi, bằng tấm lòng kính yêu đối với Ba, tôi muốn qua những mảnh hồi ức nho nhỏ ghi lại được một góc cạnh rất đời thường của Ba. Từ xưa, người ta đã nói mỗi con người đều có một số phận và nó được gắn liền với những ngôi sao trên bầu trời. Đối với tôi, và gia đình, cuộc đời Ba bằng tấm gương nhân hậu đã đọng lại như áng sao Chổi lung linh mà chính Ba hằng dõi tìm.
Hiếu Nguyễn (ghi)