Nhóm trẻ có nguy cơ mắc bệnh nặng khi nhiễm cúm B

GD&TĐ - Một số nhóm có nguy cơ mắc cúm B nghiêm trọng hơn là trẻ sơ sinh và nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt là dưới 2 tuổi.

Sốt là một trong những dấu hiệu của bệnh cúm. Ảnh minh họa
Sốt là một trong những dấu hiệu của bệnh cúm. Ảnh minh họa

Ngoài ra, trẻ cũng có nguy cơ nếu mắc các bệnh mãn tính như: Bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh, bệnh gan, thận, hen, phổi mãn, tăng áp phổi, dùng các thuốc ức chế miễn dịch, ung thư, máu rối loạn chuyển hóa, béo phì…

Phần lớn trường hợp nhẹ tự khỏi

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, vài tuần qua, đa số trẻ mắc cúm có kết quả xét nghiệm cúm B. Trong khi trước đó, chủ yếu là trường hợp mắc cúm A. Cả 2 chủng cúm thường có triệu chứng sốt, mệt, đau rát họng, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, có thể bị buồn nôn, tiêu chảy. Riêng tháng qua, Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận 7 trường hợp nguy kịch. Trong đó, 4 trẻ phải lọc máu, 3 trường hợp chạy ECMO.

PGS.TS.BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, cũng như cúm A, cúm B lây từ người sang người thông qua các giọt bắn nhỏ (có chứa virus cúm) trong không khí, khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Trẻ có thể chạm vào các bề mặt bị ô nhiễm bởi giọt nhiễm bệnh, rồi chạm vào miệng, mũi hoặc mắt.

Cũng giống như mắc cúm A, các triệu chứng thường gặp bao gồm: Sốt, đau rát họng, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, đau xương khớp, mệt mỏi cảm thấy kiệt sức.

Trẻ em bị cúm cũng có thể gặp các triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Một số triệu chứng cúm có thể tương tự như cảm lạnh. Đa số trẻ sẽ bình phục sau 1 - 2 tuần. Tuy nhiên, ho và mệt mỏi có thể kéo dài hơn 2 tuần.

“Phần lớn bệnh cúm B nhẹ tự khỏi. Tuy nhiên, virus cũng có thể gây biến chứng nặng như viêm phổi do virus cúm hoặc bội nhiễm vi khuẩn. Các biến chứng nghiêm trọng khác hiếm gặp hơn như viêm cơ tim, viêm não, viêm cơ tiêu cơ vân, suy đa cơ quan nhưng rất hiếm”, PGS.TS Tạ Anh Tuấn cho biết.

Theo PGS Tuấn, một số nhóm có nguy cơ mắc cúm B nghiêm trọng hơn là trẻ sơ sinh và nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt là dưới 2 tuổi. Ngoài ra, trẻ cũng có nguy cơ nếu mắc các bệnh mãn tính như bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh, bệnh gan, thận, hen, phổi mãn, tăng áp phổi, dùng các thuốc ức chế miễn dịch, ung thư, máu rối loạn chuyển hóa, béo phì…

Thời điểm bệnh lây lan mạnh nhất

Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà. Thay vào đó, cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải, khăn tay, khăn giấy dùng một lần, hoặc ống tay áo. Qua đó, làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

TS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội Tổng hợp - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết, thông thường, một người lớn bị cúm có thể lây bệnh cho người khác từ thời điểm 1 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng. Các triệu chứng thường kéo dài trong khoảng 5 - 7 ngày. Thời điểm lây lan mạnh nhất là 3 - 4 ngày đầu tiên của bệnh. Nguy cơ lây nhiễm cho người khác không giống nhau trong suốt thời gian bị bệnh.

Cũng theo TS Ninh, khả năng lây nhiễm tăng lên đáng kể khi một người bắt đầu cảm thấy không khỏe. Đó là lúc họ dễ lây nhiễm sang người khác nhất. Nguy cơ nhiễm cúm từ một người nào đó ngay trước khi họ bị bệnh hoặc sau ba ngày đầu tiên bị bệnh là khá thấp. Do đó, điều quan trọng là, ngay khi một người bắt đầu cảm thấy ốm, họ phải ở nhà trong vài ngày, đặc biệt là vào mùa cúm.

“Trẻ nhỏ, người suy giảm miễn dịch và những người bị bệnh nặng do cúm có thể thải virus vào đường hô hấp trong thời gian dài hơn nhiều. Do đó, nên đeo khẩu trang ở những không gian công cộng có hạn chế thông khí, như cửa hàng, siêu thị và khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, cũng như ở môi trường ngoài trời đông đúc, không thể thực hiện giãn cách”, TS Ninh khuyến cáo.

Theo TS Ninh, khẩu trang y tế được đeo đúng cách hoàn toàn có thể hạn chế các giọt bắn lớn chứa virus xâm nhập vào mũi, miệng. Trong khi đó, khẩu trang chuyên dụng N95 chỉ sử dụng trong các cơ sở y tế khi thực hiện thủ thuật tạo nhiều giọt bắn dạng khí dung như khi đặt ống nội khí quản. Vì vậy, bệnh nhân cúm cần đeo khẩu trang để hạn chế phát tán virus sang người khác.

Khẩu trang cần được thay khoảng hai lần một ngày. Người dùng cũng cần thay khẩu trang ngay nếu bị ướt. Lưu ý phải rửa tay bằng xà phòng và nước sát khuẩn trước và sau khi chạm vào khẩu trang. Đối với khẩu trang sử dụng một lần, cần vứt vào thùng rác có nắp đậy sau mỗi lần dùng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ