Nhớ Tết xưa nhớ mùi hương dầu dừa, bồ kết

GD&TĐ - Bây giờ các chị tôi theo chồng đi xa, mỗi người một nơi. Mẹ cũng đã mất. Song tôi không sao quên được cái Tết đoàn viên năm nào. Trong lúc bồi hồi nhớ lại, mùi hương dầu dừa, bồ kết vẫn như thoạng thoảng đâu đây.

Nhớ Tết xưa nhớ mùi hương dầu dừa, bồ kết

Khi tôi còn bé, nhà tôi ở vùng ngoại ô. Ngày ngày tôi đạp xe hơn chục cây số, sáng học “thật”, chiều học “thêm”, đi lẫn về bốn bận. Còn các chị và mẹ sinh sống bằng nghề bán hàng rong, cuốc bộ mỗi chiều. Sau giờ ngọ, họ đội nón, mặc áo dài hẳn hoi. 

Gánh đôi triêng gióng kĩu kịt, trước là một cái soong bánh canh to tướng, sau là cái thúng đựng đủ thứ bánh mà bây giờ gọi là “đặc sản”. Cộng thêm dăm cái đòn bằng gỗ cho khách ngồi ăn hàng. Trời mưa hay nắng, quanh năm, đều hai vòng như thế, ngoại trừ ba ngày nghỉ…Tết.

Nói đến Tết tôi lại nhớ ông cha mình. Ông làm nghề sờ đầu…thiên hạ. Từ lúc đưa ông Táo trở đi, ông bận rộn vô cùng.

Tiệm cắt tóc có hai, ba cái ghế và hai, ba cái gương tôi không nhớ rõ. Ông cắt cho người lớn thôi. Bọn trẻ trâu như tôi đều do học trò ông làm tất.

Mọi công đoạn đều làm thủ công. Mài dao cạo cũng bằng một cục đá mài nhẵn thín, sau đó lướt qua lướt lại đôi lần trên cái thắt lưng da trâu bò. Tiếng kéo lách cách, tiếng tông đơ rì rào, suốt ngày đến nửa đêm mới nghỉ.

Thời ấy làm gì có điện, phải thắp đèn “măng sông”. Vậy mà nhờ mấy cái tiệm hớt tóc và tiệm may làm miệt mài như thế, những đêm cuối năm làng tôi vui vẻ như trẩy hội.

Giờ tôi mới hiểu vì sao người ta đợi đến lúc “năm cùng tháng tận” mới đi làm đẹp. Đúng là quan trọng “cái tóc là góc con người”. Quanh năm mãi lo việc đồng áng, có khi đưa ông Táo rồi vẫn phải xuống cấy ruộng sâu, nước rét đến cá cũng chết.

Lo miếng ăn cho gia đình xong rồi mới dám nghĩ về bản thân. Ai mà chẳng muốn làm đẹp? Hồi ấy, bọn trẻ như tôi đa phần cắt tóc kiểu “ca rê” tức là húi cua hai, ba phân. Đứa nào trên đầu hay bị sài, đẹn chốc lở thì cha mẹ bắt húi trọc cho dễ bôi thuốc.

Trong lúc ngồi chờ đến phiên, tôi ngắm cha tôi cắt tóc cho người lớn. Mô đen thịnh hành nhất là để tóc kiểu “chim cò”.

Thực ra nó cũng chả có gì khác bây giờ, chỉ phía sau gáy để dài đến chấm cổ áo. Nhưng vấn đề là khâu cuối cùng. Sau khi đã cắt tóc, cạo mặt, cạo râu và lấy ráy tai, cha tôi lấy ra một cái hộp thiếc bằng hai gói thuốc lá. Trong đó đựng một thứ mỡ sền sệt màu vàng nhạt, mùi thơm dễ chịu. Ông quệt một chút xíu mỡ ấy lên cái lượt nhỏ nhất, rồi vuốt làm sao để tém hai bên đầu tóc ra sau như đôi cánh… chim cò. Phía trước láng mượt, phồng lên như cái ức con chim.

Lên cấp hai học tiếng Pháp, tôi mới biết đấy là dầu chải tóc Brillantin dành cho đàn ông.

Ngày Tết, cánh thanh niên đi chơi quên ăn để khoe bộ ba “tóc chim cò, quần ống túm và giày Chicago”. Quần ống túm là đặc sản của những người tuổi trên hai mươi có công ăn việc làm. Học trò phải may quần ống rộng, không thì nhà trường đuổi học.

Ống túm là chật bó, lại còn ngắn, để khoe giày, vớ nữa chứ. Màu sắc đôi vớ càng rực rỡ bắt mắt càng oai! Tôi cũng chả biết bên Chicago đám dân chơi giày thế nào song ở ta, đôi giày gọi tên như thế nó có cái mũi nhọn hoắt. Chưa hết, đế giày còn đóng vài cái đinh, bước đi phát ra tiếng kêu cồm cộp.

Đối với đám trẻ chúng tôi, đứa nào cũng mong mình chóng lớn để được như họ; có đứa còn nói lớn lên sẽ để bộ ria giống như tài tử trong phim “Ông cố vấn”.

Tôi thì không dám mơ. Con trai độc đinh, tôi khổ sở trong mấy ngày cận Tết. Mẹ và các chị hết sai vặt lại bắt ngồi vào bàn học. Ớn nhất là trông coi bếp lửa đun nước bồ kết cho họ.

Bận làm đủ thứ bánh mứt này nọ, họ chẳng chịu tắm gội một lần! Bồ kết ngày ấy rẻ rề, bán đầy ngoài chợ. Khi nước đã sôi, bẻ vụn từng trái bỏ vào, nước thành màu vàng hanh và thơm lựng.

Tóc của các chị và mẹ rất dài, búi thành lọn. Đôi khi họ để buông lơi rồi kẹp. Quê tôi gọi như thế là “tóc thề”. Khổ thân tôi, đâu đã hết việc, phải phi xe đạp ra chợ mua về mấy chai “dầu dừa”. Không biết sản xuất ở đâu mà phiên chợ cuối năm bán rất nhiều, đựng trong những cái chai nhỏ cỡ hai ngón tay, không nhãn mác.

Dầu màu xanh ngọc bích, hơi dính, thơm dìu dịu. Mỗi chai đủ dùng cho một người. Tóc gội với bồ kết xong, chải dầu đó lên bóng mượt. Nắng mùa đông hanh hao, các chị ra ngồi ngoài hiên hong tóc cho mau khô. Ngoài dậu chè tàu, đám trai làng lượn qua, lượn lại.

Bây giờ các chị tôi theo chồng đi xa, mỗi người một nơi. Mẹ cũng đã mất. Song tôi không sao quên được cái Tết đoàn viên năm nào. Trong lúc bồi hồi nhớ lại, mùi hương dầu dừa, bồ kết vẫn như thoạng thoảng đâu đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...