Chợ hoa Hàng Lược nằm trọn chiều dài của phố Hàng Lược và một phần các phố Hàng Chai, Hàng Rươi, Hàng Mã, Hàng Đồng. Mỗi năm, chợ chỉ họp đúng một phiên duy nhất, từ 20 tháng Chạp đến tận chiều tối 30 Tết, mở từ sáng sớm tới tận đêm khuya.
Tại sao người dân phố cổ Hà Nội lại chọn Hàng Lược nới họp chợ hoa Tết? Có lẽ do đây là con phố rất hiếm trong phố cổ Hà Nội có nhiều khoảng không gian rộng khi giao cắt với các phố khác. Hàng Lược giao cắt với Hàng Khoai, Hàng Rươi và Hàng Cót, cả ba điểm giao cắt tạo thành những khoảng không gian hình tam giác khá rộng và đó là điểm lý tưởng để họp chợ hoa.
Phố Hàng Lược có hai ngôi đình cổ. Một là đình Phủ Từ ở số nhà 19 và đình Vĩnh Trù ở số nhà 59. Điều đặc biệt là cả hai ngôi đình này đều thờ “Tứ vị hồng nương”, là những vị thần làm cho sóng yên bể lặng, phù trợ cho nghề sông nước.
Phố Hàng Lược còn có thánh đường Hồi giáo duy nhất ở miền Bắc, ngày trước dân gian quen gọi là “chùa Tây đen”. Đây là thánh đường được kiều dân Ấn Độ xây vào cuối thế kỷ XIX. Thánh đường màu trắng vươn lên trong một không gian phố cổ là một điểm nhấn khá đặc biệt ở nơi này.
Dạo một vòng chợ hoa Hàng Lược sẽ thấy sự phong phú, đa dạng của cây và hoa ở đây. Không chỉ phong phú đào, quất, chợ còn có cả mai trắng, mai vàng và phổ biến là hoa lan đủ chủng loại, hoa đỗ quyên, thủy tiên, hồng, cúc, ly, lay ơn, violet, tulip, trạng nguyên, hải đường, tường vi, bưởi hồ lô, phật thủ…
Ngày nay chợ hoa Hàng Lược không chỉ bán hoa mà còn buôn bán nhiều mặt hàng trang trí Tết như câu đối, phong bao lì xì, đèn lồng, đèn trang trí, đèn lồng, đồ cúng lễ, đồ phong thủy, đặc biệt là đồ cổ, giả cổ cũng được bày bán ở đây.
Một số hình ảnh chợ hoa Hàng Lược giáp tết Kỷ Hợi 2019