Bạn trẻ đi chơi xuân tại Fansipan, tỉnh Lào Cai - Ảnh: Quang Định.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, các địa phương đều tổ chức nhiều chương trình vui chơi, giải trí hấp dẫn phục vụ người dân, trong đó các địa chỉ du lịch nổi tiếng đều đầu tư nhiều chương trình, lễ hội hoành tráng để thu hút cũng như giữ chân du khách.
Tuy nhiên, đi chơi xa hay sum họp với gia đình trong những ngày tết cũng là câu hỏi đau đầu với nhiều người.
Ngắm hoa, xem pháo bông và... nhận quà
Nếu không có điều kiện hoặc không muốn chơi tết xa nhà, người dân TP.HCM cũng có thể chọn các điểm đến trên địa bàn với nhiều chương trình vui xuân hấp dẫn.
Chẳng hạn, khu du lịch Suối Tiên (Q.9) sẽ tổ chức lễ hội Mùa xuân 2019 từ mùng 1 đến mùng 10 tháng giêng với các chương trình đặc sắc: đại hội Lân Sư Rồng, làng nghệ thuật Tinh hoa tết Việt, sân khấu hoạt cảnh dân gian Tam đa Phúc Lộc Thọ và Bát tiên quá hải... cùng nhiều trò chơi mới dành cho trẻ em.
Tại khu du lịch Đầm Sen (Q.11), ngoài 40 trò chơi hiện có, đơn vị này sẽ giới thiệu thêm các trò mới như cầu chân mây (vượt hồ lớn), vòng quay 360 độ, ngoài ra còn có nhiều show diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng. Đặc biệt, khuya 30 tết có chương trình bắn pháo bông.
Thảo cầm viên cũng tăng cường nhiều chương trình ca nhạc, xiếc cho thiếu nhi, múa lân...
Hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng, TP.HCM Tết Kỷ Hợi 2019 với chủ đề "Hoa và cuộc sống" - Ảnh: Quang Định.
Du khách sẽ được khám phá nét xuân xưa tại Hà Nội.
Người dân TP cũng có thể "check-in" ở đường hoa Tết Kỷ Hợi 2019 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ với chủ đề "TP.HCM - Khát vọng vươn xa" trên tổng chiều dài 720m, khoác lên mình chiếc áo mùa xuân rực rỡ mới.
Điều đặc biệt nhất của đường hoa Kỷ Hợi 2019 là lần đầu tiên hoạt động chia sẻ xuất hiện với hình thức không thể quen thuộc hơn với bao thế hệ người Việt: bỏ ống heo - nuôi heo đất.
Với người dân khu Nam, đường hoa xuân 2019 Hiệp Phước với chủ đề Tết an lành - Xuân thịnh vượng có quy mô gần 4.800m2 cũng là điểm đến hấp dẫn để du xuân, chụp ảnh, ngắm hoa, xem pháo bông giao thừa, nhận quà.
Theo ban tổ chức, lượng hoa trang trí cho đường hoa xuân Hiệp Phước năm nay tăng gấp 2,5 lần năm trước.
Nha Trang: Điểm đến mới cho khách du xuân
Ngoài các điểm đến quen thuộc như: Vinpearl, Hòn Tằm, khu du lịch đảo Hoa Lan, đảo Khỉ, Yang Bay..., trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019, du khách và người dân Nha Trang sẽ có nhiều điểm đến mới để khám phá. Trong đó khu du lịch Galina Lake View - hồ Kênh Hạ (xã Phước Đồng) sẽ chính thức mở cửa đón khách từ ngày 1-2 và khu du lịch Tàu Ngầm (xã Suối Cát, Cam Lâm) sẽ chính thức khai trương từ ngày 8-2 (mùng 4 tết).
Tại Champa Island vào ngày 1-2 (27 tháng chạp) sẽ tổ chức chương trình nấu bánh tét với tên gọi "Trở về tết xưa", với sự hướng dẫn của các đầu bếp cho du khách gói bánh tét cùng nhiều chương trình hấp dẫn khác.
Cũng trong dịp tết, khu du lịch hồ cá Trí Nguyên, một địa chỉ quen thuộc được đổi tên thành Sỏi Island, tổ chức thêm nhiều hoạt động và trò chơi mới.
Khám phá "miền cổ tích" Đồ Sơn
Theo ông Hoàng Xuân Minh - chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng, thay vì tiếp tục tổ chức chương trình "Đồ Sơn biển gọi" như mọi năm, địa phương này sẽ thay thế, tập trung cho chủ đề "Đồ Sơn - miền cổ tích" nhằm giới thiệu cho du khách nhiều điểm di tích lịch sử có thể đến vào dịp xuân mới rất hay như: đền Bà Đế, di tích chùa Hang - một trong những nơi phát tích đầu tiên của Phật giáo tại Việt Nam, tháp Tường Long mang những giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật độc đáo...
Trong khi đó, theo ông Phạm Ngọc Thủy - giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, ngoài việc chỉnh trang cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường đảm bảo xanh - sạch - đẹp, địa phương này cũng tổ chức một số chương trình lễ hội để thu hút du khách như lễ hội Hoa anh đào, Mai vàng Yên Tử (TP Uông Bí), lễ hội Tiên Công (thị xã Quảng Yên)...
Ngoài ra, tại các khách sạn và nhà nghỉ cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động như: thi gói bánh chưng, chương trình xin chữ ông đồ... để khách du lịch đến tham quan cảm thấy ấm cúng như ở nhà mình.
Đà Nẵng: Điểm đến không thể bỏ qua
Ông Nguyễn Xuân Bình, phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho hay từ 28 tháng chạp đến mùng 3 tết sẽ có trên 50.000 lượt du khách đến Đà Nẵng, tăng khoảng 27% so với tết năm trước, trong đó có khoảng 23.000 du khách quốc tế.
Ngoài 3 điểm bắn pháo hoa đêm giao thừa, Đà Nẵng cũng chuẩn bị nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc, nhiều hoạt động du lịch, truyền thống mang đậm chất dân dã vùng miền ở các khu vui chơi giải trí và các khu, điểm du lịch phục vụ, đem đến sự trải nghiệm thú vị cho du khách.
Cầu Vàng hoành tráng ở Bà Nà Hills, được vinh danh quốc tế, sẽ là điểm đến không thể thiếu khi đến Đà Nẵng, dự kiến thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, Đà Nẵng cũng đưa mô hình cầu Vàng (có tỉ lệ bằng 1/4 kích thước của cầu thật) xuống phố, được trang trí bằng các chậu hoa tím biếc và bố trí ở đường hoa phía tây cầu Rồng.
Theo ông Cao Trí Dũng - chủ tịch Hội lữ hành Đà Nẵng, dù lượng khách đến TP này trong dịp tết tăng đáng kể nhưng với gần 800 khách sạn và resort nên giá phòng vẫn ổn định, thậm chí giảm do có sự cạnh tranh về nguồn cung.
Hội An: Nhiều lễ hội, đa dạng sắc màu
Trung tâm Văn hóa thể thao - truyền thanh truyền hình TP Hội An (Quảng Nam) cho biết dịp Tết Kỷ Hợi, TP Hội An sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, giải trí hấp dẫn phục vụ du khách và người dân địa phương.
Trong đó nổi bật là chương trình đoàn rước "Sắc bùa chúc xuân" diễu hành khắp các tuyến đường trong khu phố cổ và chương trình biểu diễn nghệ thuật "Hội đón giao thừa Kỷ Hợi 2019" lúc 22h30 đêm 30 tết (ngày 4-2) tại vườn tượng An Hội.
Các chương trình đều được dàn dựng công phu, với màn trình diễn pháo hoa nghệ thuật hấp dẫn trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Cũng trong dịp này, TP Hội An sẽ tổ chức chương trình Giỗ tổ nghề mộc và Hội làng Kim Bồng từ 7h30 mùng 6 tháng giêng (ngày 10-2), tái hiện không gian làng nghề được bài trí theo văn hóa dân gian địa phương cùng các hoạt động trình nghề: chạm trổ, đóng sửa tàu thuyền, dệt chiếu, đan thúng... và chương trình ẩm thực chợ quê, hội hô hát bài chòi, đua ghe Đảo thủy đầu xuân...
Ngoài ra, Hội An cũng sẽ có nhiều hoạt động bao gồm: chợ hoa xuân Kỷ Hợi, hội tết trồng cây, lễ hội Cầu Bông Trà Quế, triển lãm ảnh "Tết Hội An xưa và nay", các trò chơi dân gian, trưng bày sinh vật cảnh.