Nhìn thẳng để có giải pháp thật bù lấp giáo viên

GD&TĐ - Thiếu giáo viên nên nhiều thầy, cô phải dạy liên cấp, tăng tiết dẫn đến “hụt hơi” khi “chạy sô” liên tục.

Ảnh mang tính minh họa.
Ảnh mang tính minh họa.

Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải “nhìn thẳng, nói thật” về vấn đề này để có giải pháp tháo gỡ.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp): Cần giải pháp căn cơ, dài hơi

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa.

Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung hơn 94.700 biên chế trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Mới đây, Bộ Chính trị đã quyết bổ sung gần 66.000 giáo viên cho giai đoạn 2022 - 2026; trong đó, năm học 2022 – 2023 là hơn 27.800 giáo viên mầm non, phổ thông. Đây là tin vui cho ngành Giáo dục, nhất là trong bối cảnh toàn ngành triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên vẫn xảy ra ở nhiều địa phương. Có nơi thiếu đến hàng nghìn thầy cô, nhất là với một số môn mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Điều này đã làm gia tăng áp lực cho các địa phương.

Về nguyên tắc: Có học sinh phải có giáo viên, bởi thiếu giáo viên ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục, đào tạo. Quan ngại hơn cả là ảnh hưởng trực tiếp đến quyền học tập của học sinh và công bằng trong tiếp cận giáo dục của trẻ. Do đó, tình trạng này cần phải được giải quyết dứt điểm bằng những phương án, giải pháp mang tính căn cơ, dài hơi; trong đó có việc bố trí, sắp xếp lại giáo viên đứng lớp, tránh tình trạng, “thiếu đâu, xin đó”.

Bên cạnh đó, cần rà soát lại quy định phân cấp, phân quyền quản lý giáo viên. Nếu cần có thể điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn. Nên chăng, giao việc quản lý Nhà nước về giáo dục cho toàn ngành Giáo dục từ Bộ GD&ĐT đến các sở GD&ĐT, không phân cấp cho địa phương, để chủ động điều chuyển giáo viên trong biên chế được giao.

Hội đồng nhân dân các cấp cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển giáo dục và đào tạo; trong đó vấn đề về thừa, thiếu giáo viên ở địa phương. Trên cơ sở đó, có ý kiến đề xuất với cấp có thẩm quyền nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về biến chế giáo viên.

Vẫn biết, để giải quyết bài toán thiếu hụt hàng chục nghìn giáo viên không phải dễ. Vì thế, rất cần cơ quan quản lý tập trung, quyết liệt chỉ đạo triển khai các giải pháp; trước mắt, rà soát, sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp để giảm điểm trường, số trường. Tập trung đẩy mạnh tự chủ, xã hội hóa giáo dục, nhất là giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông.

Nếu được, tôi rất mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển giáo dục và đào tạo; trong đó có các nội dung tôi đề cập ở trên.

GS.TSKH Phạm Tất Dong – nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và Học tập suốt đời (Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực): Quốc sách chưa được quan tâm hàng đầu

GS.TSKH Phạm Tất Dong.

GS.TSKH Phạm Tất Dong.

Tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Cùng với đó, ở một số tỉnh, thành, việc giáo viên bỏ nghề cũng đang là mối lo ngại. Điều này, khiến áp lực gia tăng thêm về tình trạng thiếu giáo viên.

Tôi rất chia sẻ với ngành Giáo dục. Trong bối cảnh toàn ngành thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc thiếu đến hàng nghìn giáo viên sẽ là thách thức không nhỏ đối với địa phương nói riêng và ngành Giáo dục nói chung. Tôi được biết, ở cấp THCS, THPT, nhiều trường thiếu giáo viên ở một số bộ môn mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Với cấp tiểu học, có trường thiếu cả giáo viên cơ bản và giáo viên bộ môn chuyên biệt như: Tin học, Tiếng Anh… thậm chí có trường còn chưa có giáo viên nào, nhất là những trường thuộc vùng khó khăn. Vì thế, các địa phương phải điều chuyển giáo viên THCS xuống dạy “tăng ca” cho cấp tiểu học.

Thiếu giáo viên khiến nhiều thầy, cô phải dạy liên cấp và tăng ca, tăng tiết. Thậm chí, ở một số trường tiểu học, giáo viên phải chủ nhiệm 2 lớp. Khái niệm “lớp học treo” cũng xuất phát từ tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều địa phương. Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải “nhìn thẳng, nói thật” về tình trạng thiếu giáo viên ở các địa phương, những hệ lụy khi giáo viên không đủ về số lượng để thực hiện nhiệm vụ dạy học. Trên cơ sở đó, các cấp có thẩm quyền có giải pháp, xây dựng đề án, chiến lược phát triển đội ngũ.

“Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhưng cả 3 yếu tố quan trọng nhất đều thiếu: Tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất… thì rất khó để thực hiện chủ trương này. Riêng với tình trạng thiếu giáo viên, địa phương có vai trò quan trọng. Đặc biệt, rất cần tiếng nói của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cần có báo cáo tường tận với Phó Thủ tướng phụ trách giáo dục về tình trạng thiếu giáo viên hiện nay. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng có ý kiến để Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ cùng họp bàn, thống nhất việc tuyển dụng biên chế giáo viên. Thực tế, ngành Giáo dục có nhu cầu về biên chế giáo viên nhưng nếu ngành Nội vụ không đồng ý thì không thể triển khai thực hiện. Ngành Giáo dục không có quyền trong việc tuyển dụng giáo viên, đó là cái khó của ngành – tôi rất chia sẻ.

Bên cạnh đó, cần tổ chức phiên họp của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực để bàn về vấn đề thiếu giáo viên hiện nay. Cố gắng mời Thủ tướng Chính phủ tham dự, chủ trì phiên họp này nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả.

Bà Lê Anh Lan – Chuyên gia Giáo dục UNICEF Việt Nam: Cần hành động cấp thiết từ Chính phủ

Bà Lê Anh Lan.

Bà Lê Anh Lan.

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ giáo viên. Đây là đội ngũ đóng vai trò then chốt trong công cuộc này. Vì thế, giáo viên cần hội đủ các yếu tố: Đạt chuẩn, có động lực, được tôn trọng, được trả lương tốt hơn.

Hiện, tình trạng thiếu giáo viên ở Việt Nam xảy ra không đồng đều, mà tùy thuộc vào cấp học. Ví dụ, thiếu nhiều giáo viên mầm non hơn cấp học khác. Xét trên phương diện vùng miền, thì Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nhiều hơn các khu vực khác. Về môn học, các bộ môn: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Thể dục thiếu nhiều hơn các môn khác.

Đặc biệt sau 2 năm Covid-19, tình trạng thiếu giáo viên càng trở nên nghiêm trọng. Trong bối cảnh này, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF Việt Nam khuyến nghị, Chính phủ có những hành động cấp thiết để đảm bảo học sinh được tiếp cận học tập có chất lượng, được bù đắp những lỗ hổng kiến thức và kỹ năng sau thời kỳ Covid-19 và được hỗ trợ đầy đủ, kịp thời về tâm lý, an sinh.

“Thiếu giáo viên, nhiều địa phương, trường học phải áp dụng giải pháp tình thế như tăng sĩ số học sinh/lớp; tăng tiết dạy đối với giáo viên hiện có… Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều trường không thể tổ chức dạy học 2 buổi/ngày” – đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ