Từng bước bù lấp 'khoảng trống' thiếu giáo viên ở các cấp học

GD&TĐ - Để khắc phục khó khăn do thiếu nhân lực trước thềm năm học mới, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm từng bước bù lấp “khoảng trống” này.

Giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Thái Nguyên dự kiến giảm 10% số lượng người làm việc trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Thái Nguyên dự kiến giảm 10% số lượng người làm việc trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

“Bài toán” khó về thiếu giáo viên

Mỗi năm, số lượng học sinh ở các cấp học đều tăng đòi hỏi số lượng biên chế giáo viên cũng phải tăng lên. Bên cạnh đó, để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành GD&ĐT cũng cần được tăng cường biên chế giáo viên. Tuy nhiên, vấn đề thiếu giáo viên tại nhiều cấp học chưa được khắc phục thì toàn ngành vẫn phải tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế theo quy định.

Chia sẻ về vấn đề này, thầy giáo Trần Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Thái Nguyên cho biết: Theo quy định về định mức biên chế trong lớp học 1 lớp phải có 3,1 giáo viên, nếu tính 3 lớp thì nhà trường đã thiếu 9 giáo viên. Riêng với trường THPT Chuyên Thái Nguyên tình trạng thiếu giáo viên chủ yếu là giáo viên môn Ngoại ngữ.

Tình trạng thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều cấp học

Tình trạng thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều cấp học

Thầy giáo Dương Xuân Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Điềm Thuỵ chia sẻ: Nhà trường hiện chỉ có 76/78 biên chế giáo viên theo quy định. Do vậy từ năm học 2021 – 2022, trường đã phải thực hiện thuê khoán hợp đồng 2 giáo viên giảng dạy môn Ngữ Văn và Công nghệ.

Nhất là khi môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc, học sinh lớp 10 sẽ học 8 môn bắt buộc và 4/9 môn lựa chọn, không còn các tổ hợp môn học như trước đây. Khi đội ngũ giáo viên đã thiếu do nhiều năm không được tuyển dụng biên chế, lại vừa phải thực hiện tinh giản theo quy định, chính vì vậy nhà trường phải tiếp tục thuê khoán thêm giáo viên để giảng dạy trong năm học mới này.

Khắc phục khó khăn trước thềm năm học mới

Tương tự như các trường THPT, các cấp TH và THCS trên địa bàn Thành phố Phổ Yên cũng chung tình trạng thiếu giáo viên, do đó để chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho năm học mới, phòng GD&ĐT Phổ Yên đã duyệt kế hoạch với các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý theo từng địa bàn xã, phường để bàn bạc, thống nhất phương pháp, cách làm trong bối cảnh thiếu giáo viên.

Bà Nguyễn Thị Lượng, Trưởng phòng GD&ĐT Phổ Yên cho biết: Năm học 2022 – 2023, tổng nhu cầu về định mức theo quy định đối với các trường MN, TH, THCS trên địa bàn thành phố Phổ Yên là 2.654, số biên chế đang thực hiện 1.879 Số giáo viên thiếu là 775 giáo viên, trong đó cấp Mầm non thiếu 358 giáo viên, Tiểu học thiếu là 272 giáo viên và cấp THCS thiếu là 145 giáo viên.

Để khắc phục tình trạng trên, phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị sử dụng hợp lý kinh phí giao cho các cơ sở giáo dục công lập để thực hiện thuê, khoán giáo viên giảng dạy trong điều kiện thiếu biên chế.

Đối với giáo viên Mầm non, yêu cầu các nhà trường duyệt kế hoạch tỉ mỉ, chi tiết để chỉ đạo cho từng trường khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Trong đó, các trường thực hiện sắp xếp, dồn dịch học sinh, bố trí hợp lý sĩ số học sinh/lớp. Một số trường, đặc biệt là các trường giáp ranh khu công nghiệp, có thể bố trí tối đa học sinh nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đảm bảo tối thiểu mỗi lớp học mầm non có 2 cô/lớp.

Ngành giáo dục tỉnh Thái Nguyên đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trước thềm năm học mới

Ngành giáo dục tỉnh Thái Nguyên đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trước thềm năm học mới

Phòng GD&ĐT Phổ Yên tiến hành tham mưu cho UBND thành phố điều động giáo viên đảm bảo đủ cùng đủ, thiếu cùng thiếu. Trường thiếu ít điều động sang trường thiếu nhiều. Trường có nguồn giáo viên hợp hợp đồng thuê khoán ổn định thì tư vấn, tạo điều kiện cho giáo viên đến các trường khó khăn hơn, trên cơ sở tư vấn, đồng thuận, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên.

Vận động giáo viên đã nghỉ hưu tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giáo dục bằng nguồn kinh phí khoán theo định mức đã được phân bổ. Hiện, các trường MN của Phổ Yên về cơ bản cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu 23 định mức.

Còn đối với môn Tiếng Anh, thiếu 37 giáo viên, để khắc phục tình trạng trên, phòng GD&ĐT Thành phố Phổ Yên đã yêu cầu các trường điều chỉnh chương trình cho phù hợp, các trường giảm số tiết/tuần đối với khối 4,5 xuống còn 3 tiết/tuần, sẽ giảm được 222 tiết để bố trí, sắp xếp cho giáo viên Tiếng Anh bắt buộc đối với lớp 3.

Bố trí hợp lý thời khoá biểu để giao nhiệm vụ, động viên giáo viên dạy môn Tiếng Anh Tiểu học dạy vượt giờ bằng nguồn kinh phí khoán đã được giao. Đồng thời, duyệt kế hoạch với các trường TH, THCS trên cùng địa bàn, giao nhiệm vụ cho Hiệu trưởng các trường TH và THCS cùng thống nhất về thời khoá biểu để vừa động viên, vừa giao nhiệm vụ cho giáo viên dạy môn Tiếng Anh cấp THCS tăng cường giảng dạy môn tiếng Anh ở trường Tiểu học bằng nguồn kinh phí khoán theo định mức.

Riêng đối với lớp 1, 2 cũng sẽ sử dụng nguồn kinh phí tại Nghị quyết 14 của HĐND tỉnh để tổ chức dạy học. Với các giải pháp nêu trên, về cơ bản tình trạng thiếu giáo viên đã được giải quyết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ