Nhà trường chật vật xoay xở bù đắp thiếu giáo viên tiếng Anh

GD&TĐ - Tiếng Anh chính thức là môn học bắt buộc với học sinh lớp 3. 

Nhiều giáo viên tiếng Anh sẽ phải dạy liên trường, liên cấp. Ảnh minh hoạ: INT
Nhiều giáo viên tiếng Anh sẽ phải dạy liên trường, liên cấp. Ảnh minh hoạ: INT

Tuy nhiên, nhiều địa phương còn thiếu giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học. Thậm chí, có trường chỉ 1 giáo viên hoặc không có giáo viên nào cho bộ môn này nên chật vật tìm cách xoay xở.

Nhiều trường "trắng" giáo viên

Năm học 2022 - 2023, Trường Tiểu học Kim Ngọc (Bắc Quang, Hà Giang) có 534 học sinh, trong đó có hơn 100 học sinh lớp 3. Thầy Hiệu trưởng Đỗ Trung Quyết cho hay: Theo quy định, trường cần 2 giáo viên tiếng Anh, tuy nhiên, hiện trường chỉ có 1 biên chế cho bộ môn này. Theo đó, giáo viên này sẽ phải dạy tất cả các lớp, trong khi đó trường có 3 điểm lẻ, cách trường chính từ 4 đến 8km.

“Chúng tôi đã động viên giáo viên tiếng Anh dạy tăng tiết, có thể phải dạy 30 tiết/tuần; trong khi đó định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần. Để bảo đảm chất lượng dạy – học, nhà trường yêu cầu tất cả học sinh khối 3 phải về điểm trường chính để học tiếng Anh. Nhà trường không đủ kinh phí để mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy – học cho thầy – trò ở các điểm lẻ” – thầy Quyết cho biết.

Cũng trên địa bàn tỉnh Hà Giang, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Sủng Trà (Mèo Vạc) hiện chưa có giáo viên tiếng Anh. Thầy Phó Hiệu trưởng Chu Văn Vụ cho biết: Trường có 597 học sinh, trong đó 150 học sinh lớp 3, với 3 điểm lẻ. Tuy nhiên, nhà trường huy động toàn bộ học sinh khối 3, 4, 5 về điểm trường chính để học.

“Thiếu giáo viên tiếng Anh là tình trạng chung của các trường tiểu học trên địa bàn huyện Mèo Vạc. Toàn huyện chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh thuộc biên chế của một trường tiểu học trên thị trấn huyện” – thầy Vụ thông tin và cho biết: Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Sủng Trà đã kết nối với Trường Marie Curie (Hà Nội) hỗ trợ giáo viên dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 của nhà trường thông qua hình thức trực tuyến.

Theo đó, giáo viên của Trường Marie Curie sẽ dạy 3 tiết online/tuần, còn 1 tiết/tuần sẽ được phòng GD&ĐT điều động giáo viên tiếng Anh của trường THCS trên địa bàn xuống dạy trực tiếp cho học sinh lớp 3. “Trường được huyện đầu tư thiết bị để phục vụ cho dạy – học trực tuyến, đồng thời củng cố lại hệ thống đường truyền Internet để quá trình dạy – học của thầy – trò không bị gián đoạn” – thầy Vụ chia sẻ, đồng thời mong muốn: Huyện, tỉnh có cơ chế, chính sách tuyển dụng, hợp đồng giáo viên tiếng Anh cho các trường tiểu học.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Giang, toàn tỉnh hiện có 136 giáo viên dạy môn Tiếng Anh. Để dạy tiếng Anh bắt buộc từ lớp 3, địa phương còn thiếu 93 giáo viên bộ môn này. Tính chung, đội ngũ giáo viên cấp tiểu học còn thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế, chưa đảm bảo để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Tỷ lệ giáo viên toàn tỉnh đạt 1,3 giáo viên/lớp. Năm học 2022 - 2023, tỷ lệ giáo viên chỉ đạt 1,25 giáo viên/lớp, trong khi quy định để dạy 2 buổi/ngày phải có tối thiểu 1,5 giáo viên/lớp.

Nhiều địa phương vẫn thiếu giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học. Ảnh minh hoạ: TG

Nhiều địa phương vẫn thiếu giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học. Ảnh minh hoạ: TG

Dạy liên trường, tăng tiết

Tại thị xã Nghi Sơn (Thanh Hoá), bà Vũ Thị Thanh Vân - Trưởng phòng GD&ĐT cho hay, địa phương thiếu khoảng hơn 10 giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học. Trước mắt, sẽ bố trí giáo viên dạy liên trường, tăng tiết cho giáo viên tiếng Anh ở những trường còn thiếu, nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình. Phòng GD&ĐT cũng có kế hoạch hợp đồng giáo viên để đảm bảo đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

“Thiếu giáo viên, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Nhưng trong điều kiện không được giao đủ biên chế so với nhu cầu thực tế, chúng tôi phải khắc phục bằng giải pháp tình thế, phù hợp khả năng và điều kiện thực tế địa phương, nhằm đảm bảo quyền học tập của học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018” – bà Vân nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ: Thiếu giáo viên là tình trạng chung của các trường trên địa bàn thị xã. Vì thế, các trường cần làm công tác tư tưởng, động viên giáo viên tăng ca dạy thêm giờ. Cùng với đó, mỗi giáo viên nâng cao tinh thần trách nhiệm, cùng nhà trường vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Ngay tại Hà Nội, nhiều địa phương cũng thiếu giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học. Bà Trần Thị Thanh Huế - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn chia sẻ, toàn huyện còn thiếu 9 giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học. Phòng GD&ĐT đã báo cáo lãnh đạo huyện để hợp đồng với sinh viên sư phạm tốt nghiệp đúng chuyên ngành. Trước mắt, những trường thiếu giáo viên tiếng Anh sẽ phải bố trí, động viên giáo viên tiếng Anh hiện có dạy tăng số tiết và có cơ chế trả tiền dạy tăng giờ.

Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ Nguyễn Văn Mạnh thông tin, tỉnh hiện thiếu khoảng 3.000 giáo viên, chủ yếu thiếu ở bậc mầm non, tiểu học. Riêng với tiểu học, thiếu nhiều nhất là giáo viên môn Tin học, Tiếng Anh. Các địa phương trên địa bàn tỉnh đang thực hiện giải pháp ký hợp đồng để có giáo viên đứng lớp. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn phải áp dụng linh hoạt phương thức dạy liên cấp, liên trường.

Theo ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), thiếu giáo viên các môn đặc thù như Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật… đang tồn tại ở nhiều địa phương. Nhận diện được tình hình nên thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương, ngoài việc khẩn trương tuyển dụng giáo viên còn thiếu theo số biên chế được giao, tích cực phối hợp với các cơ sở đào tạo, địa phương khác để có nguồn tuyển dụng; đồng thời chủ động kế hoạch để đào tạo giáo viên chuẩn bị cho lộ trình triển khai Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Bên cạnh đó, địa phương cần căn cứ vào số lượng giáo viên hiện có, điều kiện thực tế của địa phương để tổ chức dạy học liên trường, ký hợp đồng giáo viên theo Nghị quyết 102 của Chính phủ; hợp đồng thỉnh giảng, sắp xếp số lượng lớp học phù hợp… để bảo đảm chất lượng triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là với các môn học đặc thù nêu trên.

Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, trong 3 năm tới cần khoảng 9.500 giáo viên tiếng Anh cho bậc tiểu học. Riêng trong năm học 2022 - 2023, cần thêm hơn 5.300 giáo viên tiếng Anh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...