Nhiều vấn đề pháp lý cần làm rõ vụ 'gửi con đi chữa bệnh nhận về hũ tro'

GD&TĐ - Đánh giá về vụ 'gửi con đi chữa bệnh nhận về hũ tro', luật sư, cựu điều tra viên nhận định, có nhiều vấn đề pháp lý cần làm rõ.

Phần tro cốt được cho là con của anh N.H.N đã được cơ quan công an lấy mẫu giám định. Ảnh: SKĐS.
Phần tro cốt được cho là con của anh N.H.N đã được cơ quan công an lấy mẫu giám định. Ảnh: SKĐS.

Nhiều vấn đề pháp lý cần làm sáng tỏ

Mấy ngày nay dư luận xã hội xôn xao và đặt câu hỏi hoài nghi về tính xác thực của cái chết của cháu bé 2 tuổi được cha mẹ đem gửi cho ông Q ở Bảo Lộc chữa bệnh với chi phí 200 triệu/tháng, trả trước 3 tháng là 600 triệu, nhưng cuối cùng chỉ nhận lại hũ tro cốt của con.

Từ thông tin hiện có, với kinh nghiệm từng tham gia hoạt động điều tra, Cựu điều tra viên, luật sư Hoàng Văn Doãn (Đoàn Luật sư Hà Nội) đánh giá đây là vụ việc có tính chất rất nghiêm trọng, xâm phạm trực tiếp tới tính mạng con người cũng như làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh trật tự xã hội. Cơ quan công an cần xác minh, thu thập chứng cứ, đưa ra các quyết định tố tụng một cách cẩn trọng nhằm làm sáng tỏ các vấn đề pháp lý trong vụ việc, xử lý đúng người, đúng tội trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Nhìn nhận sự việc, luật sư Doãn phân tích, từ thông tin hiện có, có thể thấy có hai vấn đề pháp lý cần làm sáng tỏ.

Hũ tro cốt đặt trên bàn thờ khi gia đình làm đám tang cho cháu Q. Ảnh: GĐCC.

Hũ tro cốt đặt trên bàn thờ khi gia đình làm đám tang cho cháu Q. Ảnh: GĐCC.

Thứ nhất, cần xác định chính xác bé trai đã tử vong hay chưa. Theo lời khai của ông Q, sau khi cháu M.Q. tử vong vì Covid-19, người này đã tự ý hỏa táng rồi giao tro cốt cho gia đình. Luật sư đánh giá đây mới chỉ là lời khai từ một phía, chưa thể là căn cứ khẳng định việc này.

Dưới góc độ pháp lý, một người chỉ có thể được coi là đã chết nếu có giấy chứng tử của chính quyền địa phương. Trong khi, ngoài lời khai của ông Q. về việc bé trai đã chết, chưa có bất cứ cá nhân, tổ chức nào khác xác nhận thông tin này. Bản thân lời khai của ông Q. về địa điểm hỏa táng bé trai cũng đang bất nhất nên chưa thể coi đây là căn cứ xác định cháu M.Q. đã tử vong.

Do đó, luật sư Doãn cho rằng cơ quan điều tra cần cẩn trọng xác minh, tiếp tục lấy lời khai người đàn ông nhận điều trị cho cháu bé cũng như các cá nhân liên quan, đồng thời vạch ra nhiều phương hướng khác nhau để xác minh vụ việc.

Ông L.M.Q và người phụ nữ lái xe sau khi chở tro cốt cháu M.Q. ra Huế đã đến nghĩa trang viếng đám tang của cháu bé. Ảnh: CAND.

Ông L.M.Q và người phụ nữ lái xe sau khi chở tro cốt cháu M.Q. ra Huế đã đến nghĩa trang viếng đám tang của cháu bé. Ảnh: CAND.

Thứ hai, cần xác định rõ đó có phải là tro của cháu bé hay không? Bởi chưa xác định rõ đó có phải là tro của cháu bé hay không, sau đó cơ quan điều tra sẽ phải điều tra tiếp xem tại sao cháu chết, nguyên nhân chết, cháu chết thật hay chưa?

"Vì một người sinh ra phải có giấy khai sinh, khi chết đi có giấy khai tử. Khai tử là nơi mà xảy ra việc cháu đã chết để khai tử, đó là nguyên tắc chung về hành chính của pháp luật" – Luật sư Doãn phân tích.

“Giờ một người tự dưng nói cháu bé đã chết rồi, rồi đưa hũ tro cốt đó thì có nhiều vấn đề cần được làm rõ. Hũ tro cốt được ông Q giao cho gia đình cháu bé chưa phải căn cứ chứng minh cho lời khai của người đàn ông này. Cần làm rõ bằng việc thông Qua giám định AND để xem có đúng đó là tro cốt của cháu bé hay không?” – luật sư Doãn cho hay.

"Còn quá sớm để xác định các tội danh có thể áp dụng. Trước mắt cần đặt ra các giả thiết cần điều tra, áp dụng các biện pháp theo trình tự để tiến hành điều tra làm rõ các vấn đề nghi vấn như cần có kết luận giám định ADN xem hũ tro đó có phải là của cháu bé không? Làm rõ việc làm của ông Q. Xem xét ông Q có được cấp chứng chỉ chữa bệnh không? Có được phép hành nghề không?..." - luật sư Doãn bình luận về yếu tố hình sự trong vụ việc.

Việc giám định ADN của bộ tro cốt và người thân cháu bé để đối chiếu là hoạt động cần phải làm nhằm xác định chính xác thông tin hiện có, làm tròn hồ sơ vụ việc và tránh những thiếu sót không đáng có.

Luật sư Doãn đặt ra các giả thiết: “Hiện chưa có căn cứ gì xác định cháu bé đã chết cả. Không loại trừ khả năng cháu M.Q. là nạn nhân của hoạt động mua bán người hoặc bé trai này mất tích không rõ nguyên nhân”.

“Đây cũng là một vấn đề cần xem xét khi xử lý. Nếu ông Q không có chứng chỉ, không có giấy phép hành nghề mà lại nhận chữa bệnh cũng cần điều tra xử lý. Còn về tội danh thì cũng phải căn cứ vào kết quả điều tra xem có hành vi xâm phạm đến TTXH quy định trong BLHS khi đó mới khởi tố theo tội danh” – luật sư Doãn nhấn mạnh.

Lời khai nhiều mâu thuẫn

Luật sư Lê Bá Thường, Giám đốc Công Ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành, thuộc Đoàn Luật sư TPHCM đặt vấn đề: Vì sao cha mẹ của cháu bé tin tưởng vào ông Q, liệu ông Q có đủ khả năng chữa trị cho cháu bé ? Trước tiên cần xem xét về sự đảm bảo đủ điều kiện theo quy định về cơ sở khám chữa bệnh và chức năng ngành nghề của ông Q?

Ngôi nhà cấp 4 nơi ông L.M.Q thuê trọ ở Lâm Đồng được "nổ" là cơ sở chữa bệnh mang tiêu chuẩn biệt thự. Ảnh GĐCC.

Ngôi nhà cấp 4 nơi ông L.M.Q thuê trọ ở Lâm Đồng được "nổ" là cơ sở chữa bệnh mang tiêu chuẩn biệt thự. Ảnh GĐCC.

Theo thông tin ban đầu thì nơi cháu M.Q. được gửi điều trị là cơ sở không đủ điều kiện nuôi dạy trẻ chậm phát triển, khuyết tật. Cơ sở này được ông Q còn có thể bị phạt hành chính từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng (Điểm a khoản 7 Điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).

Luật sư Thường phân tích, tiếp theo cần phải làm rõ về nguyên nhân cháu bé bị chết? Vì sao ông Q phát hiện thấy cháu bé bị dương tính với Covid-19 lại không báo cho Cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại địa phương theo như thông báo của Bộ Y tế để đội ngũ y bác sĩ của nhà nước để điều trị cho bé mà ông Q lại tự ý chữa trị?

Bên trong căn nhà cấp 4 với phòng ốc, bếp đơn sơ, không có thiết bị liên quan việc chữa trị trẻ em. Ảnh: Đại Dương.

Bên trong căn nhà cấp 4 với phòng ốc, bếp đơn sơ, không có thiết bị liên quan việc chữa trị trẻ em. Ảnh: Đại Dương.

Luật sư Thường cho hay, từ thông tin trên báo chí, ông Huỳnh Văn Lợi, Chủ tịch UBND phường Lộc Tiến, TP. Bảo Lộc cho biết thông tin cháu M.Q. tử vong tại địa phương do Covid-19 là không có cơ sở. Từ đầu năm 2022 đến nay, không có ai tử vong do Covid-19 và địa phương không nắm được bất kì thông tin nào liên quan đến việc cháu M.Q. tử vong. Do đó, rất cần cơ quan điều tra kết luận về nguyên nhân thật sự làm cháu bé bị chết?

Nếu kết luận ông Q đã vi phạm không chấp hành các quy định liên quan đến phòng, chống Covid-19, có thể bị xử phạt hành chính đến 40 triệu đồng (Nghị định số 117/2020/NĐ-CP). Ngoài ra, ông Q còn phải thực hiện thủ tục khai tử cho cháu. Tuy nhiên, ông Q lại tự ý đi thiêu xác cháu thì hành vi này của ông Q sẽ bị xử hình sự là xâm phạm thi thể của cháu Q về “Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” và ông Q có thể đối diện với mức phạt tù đến 07 năm (Điều 319 BLHS 2015).

Nếu trong trường hợp cơ quan điều tra kết luận cháu M.Q tử vong không phải do nhiễm Covid-19 thì cần phải làm rõ nguyên nhân cháu bé chết và phần trách nhiệm của ông Q.

Cha mẹ của cháu bé rút đơn bãi nại thì ông Q có được miễn trách nhiệm hình sự?

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Thường cho hay: Nếu trong giai đoạn điều tra mà bị hại ở đây là gia đình của cháu bé nộp đơn xin rút lại đơn tố cáo ông Q thì cơ quan điều tra vẫn phải tiếp tục điều tra nhằm củng cố hồ sơ vụ án để Viện kiểm sát khởi tố vụ án.

Bởi vì trường hợp cháu bé 2 tuổi bị chết không thuộc trường hợp người phạm tội không thuộc các tội danh tại Khoản 1 Điều 155 Văn bản hợp nhất 05/2021/VBHN-VPQH hợp nhất Bộ luật Tố tụng hình sự thì đơn bãi nại của gia đình người bị hại không có giá trị để đối tượng có hành vi phạm tội tránh được việc bị xử lý hình sự mà trong trường hợp này đơn bãi nại chỉ có thể được xem như tình tiết giảm nhẹ mà thôi. Đồng thời, trong các căn cứ để khởi tố vụ án hình sự còn do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm (khoản 5 Điều 143 BLTTHS 2015).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ