Bê bối thực phẩm gây phẫn nộ
Giới chức thành phố Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc cho biết hơn 200 học sinh tại Trường mẫu giáo tư thục Heshi Peixin có nồng độ chì trong máu bất thường sau khi nhân viên bếp sử dụng sơn vẽ công nghiệp làm phẩm màu thực phẩm.
Theo đài truyền hình CCTV, 8 người, trong đó có hiệu trưởng trường và một nhà đầu tư, đã bị bắt ngày 9/7 vì bị nghi “sản xuất thực phẩm độc hại và có hại”.
Báo cáo cho biết họ đã cho phép dùng sơn vẽ có chì để tạo màu món ăn cho trẻ em nhằm “thu hút tuyển sinh và tăng doanh thu”. Bao bì sơn ghi rõ là không ăn được.
Trong số 251 học sinh, có 233 em bị nhiễm chì, 201 em đang điều trị tại bệnh viện. Kết quả đánh giá tác hại lâu dài chưa được công bố.
Hai mẫu thực phẩm, bánh hấp táo tàu và bánh ngô xúc xích, có hàm lượng chì vượt chuẩn an toàn quốc gia hơn 2.000 lần.
Chính quyền cho biết họ bắt đầu điều tra từ ngày 1/7, sau khi nhận được thông tin nhiều học sinh tại trường có nồng độ chì bất thường trong máu. Phơi nhiễm chì ở trẻ em có thể gây hậu quả nghiêm trọng như ảnh hưởng đến phát triển não bộ, hành vi và chỉ số IQ.
Phụ huynh giận dữ, nghi vấn điều tra thiếu minh bạch
Một số phụ huynh cho biết họ nhận thấy con có dấu hiệu bất thường trong nhiều tháng như đau bụng, chán ăn, thay đổi hành vi, nhưng không được giải thích rõ ràng. Họ đã đưa con đến Tây An để xét nghiệm vì không tin kết quả ban đầu tại Thiên Thủy.
Truyền thông nhà nước cho biết trong số các trẻ được xét nghiệm ở Tây An, 70 em vượt ngưỡng nhiễm độc chì, sáu em có mức trên 450 microgam/lít – mức “nghiêm trọng” theo quy định y tế Trung Quốc.
Một người mẹ nói con bà có nồng độ chì 528 microgam/lít, trong khi cơ quan y tế địa phương nói kết quả bình thường. “Tôi không nghĩ đến bồi thường – tôi chỉ muốn con khỏe mạnh”, bà nói với Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc (CNR).

Lời hứa của chính quyền và làn sóng phản ứng xã hội
Thị trưởng Thiên Thủy, ông Liu Lijiang, cam kết “làm mọi cách” để điều trị, phục hồi và bảo vệ sức khỏe trẻ em, đồng thời siết chặt giám sát an toàn thực phẩm.
Vụ việc gây phẫn nộ trên mạng xã hội Trung Quốc. “Khi liên quan đến tính mạng trẻ nhỏ, phải trừng phạt nghiêm khắc,” một người viết trên Weibo.
Trung Quốc từng đối mặt nhiều vụ bê bối an toàn thực phẩm, trong đó có sự kiện năm 2008 khiến 6 trẻ tử vong và 300.000 trẻ khác bị ảnh hưởng do sữa nhiễm melamine.
Nhiễm độc chì từng là vấn đề phổ biến hơn ở Trung Quốc. Năm 2010, chính phủ trung ương lần đầu tiên cấp ngân sách đặc biệt để ngăn ngừa ô nhiễm kim loại nặng, sau ít nhất 12 vụ việc nghiêm trọng trong năm trước đó khiến hơn 4.000 người có nồng độ chì trong máu cao, theo truyền thông nhà nước.
Chính quyền Trung Quốc cũng đã siết chặt quy định an toàn thực phẩm trong những năm gần đây. Tuy vậy, các vụ việc vẫn xảy ra thường xuyên cho thấy việc thực thi luật và khôi phục lòng tin của người dân vẫn còn nhiều thách thức.
Ông Huang Yanzhong, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, cho rằng để cải thiện hệ thống, Trung Quốc cần “minh bạch hơn” và điều tra kỹ hơn các vụ việc thực phẩm.