Tư vấn sớm cho học sinh khối 10 chọn lớp
Theo Chương trình GDPT 2018, học sinh mới vào lớp 10 sẽ đăng ký lựa chọn tổ hợp khối với các môn tự chọn và chuyên đề học tập. Việc lựa chọn đúng sát với năng lực sẽ giúp các em thuận lợi trong định hướng nghề nghiệp tương lai.
Sau khi hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026, Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân (xã Đại Đồng, Nghệ An) đã sớm tập trung học sinh nhập học và tổ chức tư vấn, hướng dẫn đăng ký tổ hợp môn học tự chọn cho các em.

Năm nay, trường tuyển sinh 8 lớp 10 với gần 400 học sinh. Tại buổi tư vấn, bên cạnh học sinh còn có sự tham gia của rất nhiều phụ huynh. Đại diện Ban giám hiệu nhà trường giới thiệu về nhóm các môn học tự chọn và định hướng để học sinh lựa chọn môn học phù hợp.
Năm nay, Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân xây dựng các lớp định hướng về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội (nâng cao khối C-D) và khoa học xã hội (cơ bản). Đối với học sinh đăng ký nhóm lớp khoa học tự nhiên, ngoài các môn bắt buộc sẽ học các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học và Tin học. Còn 2 nhóm lớp xã hội, các em sẽ học thêm các môn lựa chọn và chuyên đề học tập gồm Vật lí, Địa lí, Kinh tế pháp luật và Tin học.

Theo ông Lê Hải Nam – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân, khi xếp lớp và tư vấn cho học sinh, chúng tôi sẽ căn cứ vào kết quả thi vào lớp 10, năng lực học sinh, cơ cấu đội ngũ giáo viên và định hướng nghề nghiệp tương lai. Trong đó, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất nhà trường là “cố định”, còn học sinh và chương trình nhà trường hàng năm sẽ có yếu tố mới.

Qua kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và hiện nay nhiều trường đại học đã công bố các phương án tuyển sinh, cho thấy tổ hợp xét tuyển có sự chuyển dịch so với trước đây. Trong đó, một số trường đại học dần dần bỏ xét tuyển khối C00 với nhiều ngành nghề. Đây cũng là một điểm lưu ý mà nhà trường tư vấn cho học sinh mới vào lớp 10.
“Nhà trường cũng không chia ra quá nhiều nhóm lớp, gây khó khăn cho học sinh, phụ huynh trong việc lựa chọn. Với các tổ hợp môn hiện nay, nhà trường đã tính toán để học sinh có thể học và cùng lúc tham gia nhiều kỳ thi, kể cả các kỳ thi đánh giá năng lực”, ông Lê Hải Nam cho hay.
Tư vấn phù hợp đặc thù học sinh, phụ huynh
Sau khi nghe tư vấn, em Nguyễn Mai Trang (xã Hoa Quân, Nghệ An) đã nhanh chóng điền thông tin và nộp phiếu đăng ký lớp cho nhà trường. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua, em đạt 19,75 điểm – nằm trong tốp đầu của trường. Với năng lực nổi trội về các môn xã hội, em dễ dàng đưa ra lựa chọn lớp nâng cao khối C và cho biết sau này em dự định thi vào ngành sư phạm. Tuy nhiên, số học sinh có định hướng ngành nghề rõ ràng như Mai Trang không nhiều.

Mặt bằng chung đầu vào lớp 10 của Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân không thấp nhưng cũng không cao so với các trường lân cận. Đặc biệt là chất lượng mũi nhọn gặp khó do trường đóng chân trên cùng một địa bàn, nằm cạnh Trường THPT Thanh Chương 1 – ngôi trường này thu hút hầu hết học sinh tốp đầu trên địa bàn huyện Thanh Chương cũ.
Phần lớn học sinh của trường ở vùng thuần nông, trong đó nhiều em là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các khu tái định cư. Em Vi Tuấn Hùng, người dân tộc Thái ở xã Sơn Lâm, Nghệ An cho biết em thi được 14,25 điểm và đăng ký nguyện vọng 1 vào lớp nâng cao khối C – D. Tuy nhiên, nhà trường chỉ lấy 1 lớp nâng cao, điểm số của em khá thấp nên em đăng ký thêm nguyện vọng 2 vào lớp cơ bản.

Trong buổi tư vấn, nhiều phụ huynh đến trường nhập học thay con, nhưng lại không hiểu về chương trình mới. Ông Kha Văn Minh nhà ở bản Mà, xã Sơn Lâm cho biết: Con tôi chỉ thi lớp 10 được 12,5 điểm thôi. Lực học còn yếu lắm, may mà trúng tuyển vào trường công lập. Các thầy tư vấn cho cháu vào học lớp thiên về xã hội để phù hợp với năng lực. Gia đình cũng chỉ mong cháu học trung bình, sau này thi đậu tốt nghiệp để đi làm nghề”.
Thầy giáo Nguyễn Văn Quyền - tổ trưởng chuyên môn Ngoại ngữ. Tham gia vào tổ tư vấn, thầy đã được rất nhiều phụ huynh gặp và trao đổi trực tiếp để nhờ hỗ trợ định hướng cho các con lựa chọn môn học và ngành nghề phù hợp. Bất kể trường hợp nào, thầy cũng kiên nhẫn giải thích, chia sẻ để phụ huynh, học sinh hiểu và giải tỏa được băn khoăn, lo lắng.

Thầy Quyền chia sẻ, dù đã triển khai Chương trình GDPT 2018 ở cấp THPT đã 3 năm, nhưng phụ huynh ở vùng nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số còn rất mơ hồ về chương trình học của con. Để định hướng môn học, nghề nghiệp cho con lại càng rất ít người am hiểu.
Một khó khăn khác là học sinh của trường có nhiều em bố mẹ làm ăn xa, ở nhà cùng với ông bà. Dịp này, nhiều em sau khi thi vào lớp 10 xong đã rời quê vào các khu công nghiệp ở thành phố để thăm bố mẹ. Ông bà đi nhập học thay, đều lúng túng khi đăng ký tổ hợp lớp cho cháu. Đây cũng là rào cản trong công tác tư vấn, định hướng của nhà trường khi không thể trao đổi trực tiếp với học sinh.

“Cá nhân tôi trước khi tham gia tư vấn phải tìm hiểu rất kỹ các tổ hợp xét tuyển đại học của các nhà trường, xu hướng ngành nghề trong 5,6 năm tới. Tìm hiểu để biết học sinh thích học môn gì, thích làm gì trong tương lai và lắng nghe các em để có hỗ trợ phù hợp”, thầy Quyền chia sẻ thêm.
Đại diện Ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân cũng cho rằng, khi được tư vấn chính xác học sinh sẽ thuận lợi trong học tập cũng như định hướng đào tạo tiếp theo sau khi tốt nghiệp THPT. Tránh được tình trạng học sinh xin chuyển lớp, chuyển khối, gây khó khăn trong dạy và học của nhà trường cũng như thiệt thòi, bất lợi cho học sinh trong ôn thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng sau này.
Với đặc thù cấp THPT là giai đoạn giáo dục hướng nghiệp, học sinh ngoài các môn bắt buộc sẽ đăng ký các môn tự chọn và chuyên đề học tập. Vì vậy, hầu hết các Trường THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều tổ chức tư vấn, định hướng, lựa chọn tổ hợp môn cho học sinh lớp 10. Điều này giúp học sinh tránh được những bỡ ngỡ, khó khăn khi lựa chọn môn học. Đồng thời giúp các em nắm rõ xu hướng ngành nghề và có lựa chọn môn học chính xác, phù hợp với năng lực, sở thích và sát với thị trường lao động trong tương lai.