Thay đổi cách dạy giúp học sinh thích ứng với đề thi đổi mới

GD&TĐ - Với đề thi tốt nghiệp THPT theo hướng đánh giá năng lực, nhà trường, thầy cô cần thay đổi cách dạy thế nào để học sinh không bỡ ngỡ?

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh: Vân Anh.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh: Vân Anh.

Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá

Thầy Trang Minh Thiên, giáo viên Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cái Răng, Cần Thơ) nhận định: Đề thi tốt nghiệp THPT năm nay có xu hướng tăng số lượng câu hỏi vận dụng thực tế, kỹ năng xử lý tình huống, phân tích dữ liệu thay vì chỉ kiểm tra lý thuyết thuần túy. Điều này khiến nhiều thí sinh chưa quen cách học theo năng lực bị bất ngờ.

Trước thay đổi của đề thi, thầy Trang Minh Thiên nhấn mạnh việc “dạy thật, kiểm tra thật, đánh giá thật”. Trong đó, vai trò của thầy cô là người định hướng, dẫn dắt và trang bị cho học sinh không chỉ kiến thức mà cả phương pháp, tâm thế để đối diện với kỳ thi mới.

Cần chuyển từ truyền thụ kiến thức sang tổ chức hoạt động. Cụ thể, giảm thời gian giảng giải lý thuyết suông; tăng cường các hoạt động học tập như: học theo dự án, thảo luận nhóm, tranh biện, giải quyết vấn đề thực tiễn.

Đổi mới kiểm tra, đánh giá theo lộ trình cũng vô cùng quan trọng. Trong đó có việc xây dựng ngân hàng câu hỏi mới. Các câu hỏi cần bám sát định hướng của đề thi tốt nghiệp THPT, chú trọng vào việc đánh giá tư duy (phân tích, đánh giá, sáng tạo) thay vì chỉ nhớ, hiểu.

Đồng thời, đa dạng hóa hình thức kiểm tra: Áp dụng các dạng câu hỏi mới (đúng/sai, trả lời ngắn...) vào các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ để học sinh làm quen.

“Thầy cô cần là người hiểu rõ nhất về cấu trúc, định dạng, mức độ yêu cầu của đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Hãy phân tích kỹ từng dạng câu hỏi trong đề để xác định mục tiêu kiến thức và kỹ năng cần trang bị cho học sinh.

Cùng với đó, từ sớm, từ xa, nhà trường và giáo viên cần tổ chức các đợt thi thử bám sát cấu trúc đề tốt nghiệp. Việc này giúp học sinh làm quen với áp lực thời gian và không khí phòng thi, nhận diện các dạng câu hỏi mới và tránh bị "sốc" và biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình để có kế hoạch ôn tập phù hợp”, thầy Trang Minh Thiên chia sẻ.

Tiếp cận sớm, thường xuyên với định dạng đề thi

Để học sinh chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm sau, cô Đỗ Thị Quỳnh Ngọc, giáo viên Trường THPT Trần Quang Khải (Triệu Việt Vương, Hưng Yên) cho rằng, nhà trường cần kịp thời cập nhật thông tin về Kỳ thi, cấu trúc đề thi, quy chế thi cho giáo viên, học sinh và phụ huynh thường xuyên, chính xác.

Giáo viên cần được tập huấn sâu về phương án thi tốt nghiệp, cấu trúc đề thi, dạng thức hỏi để có sự chuẩn bị sẵn sàng cho Kỳ thi. Ngoài ra, việc nắm bắt những thông tin mới cũng giảm bớt lo lắng, áp lực và sự bỡ ngỡ khi tiếp cận đề thi.

Để tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh, nhà trường nên phối hợp với phụ huynh học sinh và giáo viên bộ môn sử dụng một số trang web, phần mềm để giao bài và kiểm tra quá trình tự học. Tăng cường tổ chức thi thử để học sinh làm quen với cấu trúc đề, dạng thức hỏi, và không khí phòng thi.

Tổ chức ôn tập hiệu quả là giải pháp không thể thiếu. Ngay từ đầu lớp 12, thậm chí cuối lớp 11, nhà trường cần tổ chức khảo sát, phân loại học sinh để xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp cho từng đối tượng. Cùng với đó, xây dựng chương trình ôn tập, tài liệu ôn tập phù hợp với chương trình mới; chú trọng vào việc rèn luyện kĩ năng, tư duy mở.

Cùng với công tác ôn tập, nhà trường cần chú trọng tư vấn tâm lý, đồng hành cùng học sinh. Với sự thay đổi lớn của chương trình và đề thi, nhiều học sinh có thể cảm thấy lo lắng, hoang mang. Do đó, việc hỗ trợ tâm lý, tạo niềm tin, động lực là yếu tố quan trọng bên cạnh học thuật.

Cuối cùng, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng là không thể thiếu để các em có sự chuẩn bị tốt nhất trước Kỳ thi quan trọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ