Nhiều trọng trách đặt lên vai người làm giáo dục

Nhiều trọng trách đặt lên vai người làm giáo dục

(GD&TĐ) - Năm học mới 2013 – 2014 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng đối với ngành Giáo dục Lào Cai. Nhiều mục tiêu, chương trình... đã được xác định thực hiện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai Nguyễn Anh Ninh đã trao đổi cùng Báo GD&TĐ xung quanh công tác chuẩn bị cho năm học mới. 

Năm học 2013 – 2014 sắp bắt đầu, ngành Giáo dục Lào Cai đã đặt ra những kế hoạch gì để nâng cao chất lượng giáo dục, thưa ông?

Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai Nguyễn Anh Ninh
Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai Nguyễn Anh Ninh
 

Bước vào năm học mới, giáo dục Lào Cai đã xác định tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ. Trước tiên, đó là việc quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả các chỉ thị, kết luận, nghị quyết, chương trình của T.Ư, của Đảng bộ tỉnh về giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Toàn ngành sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả, sáng tạo các chỉ thị, nghị quyết, chương trình của Đảng về giáo dục; tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án số 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về “Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2011 - 2015”; tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện các cuộc vận động và các phong trào thi đua của ngành như: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Phòng giúp phòng, trường giúp trường, thầy giúp thầy, trò giúp trò”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và coi các phong trào, các cuộc vận động đó trở thành nhiệm vụ thường xuyên trong các năm học.

Không những thế, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo của địa phương...

Vậy, để thực hiện những kế hoạch đã được đặt ra, ngành Giáo dục Lào Cai dựa trên những giải pháp nào? 

Để thực hiện những nhiệm vụ này, ngành Giáo dục Lào Cai đã xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp: Tiếp tục chỉ đạo đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và phương thức thi, kiểm tra, đánh giá, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét về chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục. Tăng cường các giải pháp đồng bộ, thiết thực, phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục trung học cơ sở vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, chất lượng giáo dục của trường chuẩn quốc gia. Nâng cao tỷ lệ trường được học 2 buổi/ngày cho các cấp học, chú trọng nâng cao chất lượng buổi 2.

Đồng thời, nâng cao chất lượng dạy học hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường phổ thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao. Tiếp tục đề xuất điều chỉnh, bổ sung các chính sách hỗ trợ người dạy, người học vùng đặc biệt khó khăn; quan tâm đối tượng học sinh là người dân tộc thiểu số, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em gái, trẻ khuyết tật. 

Chúng tôi cũng chú trọng tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, giá trị sống và kỹ năng sống, giáo dục thể chất, chăm sóc sức khỏe của học sinh; giáo dục bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai; tăng cường công tác quản lý, phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự trường học, phòng, chống tội phạm, bạo lực, tệ nạn xã hội trong học sinh... 

Học sinh Trường PTDTNT Bắc Hà (Lào Cai)
Học sinh Trường PTDTNT Bắc Hà (Lào Cai)
 

Rõ ràng, để thực hiện tốt những nhiệm vụ như ông vừa nêu thì công tác quản lý giáo dục phải trở thành đòn bẩy để chất lượng giáo dục được nâng cao?

Giáo dục Lào Cai luôn xác định nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục là đòn bẩy để nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. Trong đó, chú trọng nâng tầm công tác tham mưu với Đảng uỷ, chính quyền các cấp về cơ chế, chính sách phát triển sự nghiệp giáo dục cấp tỉnh và các địa phương. Để làm được điều này, toàn ngành luôn chú trọng đổi mới công tác thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận của xã hội. Tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn lực xã hội để giải quyết kịp thời những khó khăn về cơ sở vật chất, nhằm đáp ứng yêu cầu dạy và học trong thời kỳ mới.

Cùng với đó, công tác củng cố, tăng cường kỷ cương, nền nếp, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành được đặc biệt coi trọng. Song song với đó là nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các nhà trường; thực hiện “3 công khai” tại các cơ sở giáo dục; thực hiện dân chủ hóa trường học.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ tại các cơ sở giáo dục, trong đó tập trung khắc phục triệt để các tồn tại, khiếm khuyết đã được đánh giá. Đẩy mạnh đổi mới phương pháp quản lý và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động giáo dục; sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý đã có và đưa vào sử dụng một số phần mềm quản lý mới nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng văn bản hành chính...

Đối với nhiều địa phương, giải tốt bài toán đội ngũ giáo viên sẽ là chìa khóa để mở cửa chất lượng giáo dục. Với ngành Giáo dục Lào Cai, vấn đề quan trọng này sẽ được giải quyết ra sao trong năm học mới?  

Vấn đề phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được ngành GD-ĐT Lào Cai triển khai trong mỗi năm học. Năm học này, chúng tôi sẽ chú trọng tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành nhằm nâng cao nhận thức chính trị, bồi dưỡng thế giới quan khoa học cho nhà giáo, nâng cao đạo đức nghề nghiệp; cập nhật tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiểu biết các vấn đề thời sự, xã hội của đất nước, địa phương. 

Để công tác bồi dưỡng cán bộ đạt kết quả tốt, ngành đã triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp với Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Tỉnh uỷ về công tác khoa giáo và dân vận trường học. Chú trọng đào tạo nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên ngành giáo dục đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các địa phương. Hằng năm, ngành tiến hành đánh giá giáo viên và cán bộ quản lý theo chuẩn đảm bảo khách quan, công bằng, chính xác, làm cơ sở cho việc bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ hiệu quả...

Tăng cường cơ sở vật chất, tài chính, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp cũng là khâu quan trọng để giáo dục đạt kết quả như mong muốn, thưa ông? 

Với nhiệm vụ này, giải pháp hữu hiệu được ngành giáo dục đưa ra đó là sử dụng đạt hiệu quả cao nhất cơ sở vật chất đã được trang bị phục vụ nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh xã hội hóa để huy động các nguồn lực tích cực thực hiện các đề án, dự án đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học theo kế hoạch của tỉnh.

Chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác sử dụng thiết bị dạy học; đổi mới công tác quản lý tài chính ngành giáo dục theo Nghị định số 115 của Chính phủ. Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên; đặc biệt đối với học sinh dân tộc thiểu số, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. 

Có thể nói, năm học mới với nhiều nhiệm vụ mới đang đặt lên vai những người làm công tác giáo dục, song với sự quan tâm chăm lo cho sự nghiệp trồng người của cả hệ thống chính trị, lòng yêu nghề, trách nhiệm của những người làm công tác giáo dục, năm học 2013 - 2014 sẽ là một “mùa gieo hạt” hứa hẹn nhiều thành quả tốt đẹp của giáo dục Lào Cai.

Xin cảm ơn ông!

Năm học 2013 - 2014, ngành Giáo dục Lào Cai sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu Đề án số 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về “Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2011-2015”. 

Đây cũng là năm đầu tiên triển khai Chương trình hành động số 104 của Tỉnh ủy thực hiện Kết luận 51-KL/TW hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. 

Linh Anh (Thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...