Nhiều thiệt thòi với lao động phi chính thức

GD&TĐ - Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hiện nay, lao động phi chính thức (LĐPCT) chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số lao động của cả nước, nhưng 98% số lao động không được đóng bảo hiểm, cũng như tiền lương thấp hơn rất nhiều so với lao động chính thức (LĐCT). 

Nhiều thiệt thòi với lao động phi chính thức

Đây thực sự là khoảng trống không nhỏ cần được lấp để hướng tới bình đẳng cho khối lao động này. 98% lao động phi chính thức không có BHXH.

Báo cáo LĐPCT tại Việt Nam của Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy, hiện quy mô của LĐPCT khá lớn, với trên 18 triệu người và chiếm 57,2% tổng số lao động phi nông nghiệp. Xét về mặt tổng số, lao động có việc làm chính thức và phi chính thức đều có xu hướng tăng. Theo ngành kinh tế, lao động làm nông, lâm nghiệp và thủy sản có xu hướng giảm (giảm từ 24,0 triệu người năm 2014 xuống còn 21,8 triệu người năm 2016).

Tỷ lệ LĐPCT cao ở nhóm tuổi thanh niên 15 - 24 tuổi chiếm 60,2% và nhóm từ 55 tuổi trở lên chiếm 74,4%. Tỷ lệ qua đào tạo của LĐPCT là khá thấp, 14,8%, thấp hơn mức chung của lao động có việc làm của toàn bộ nền kinh tế 5,7% và thấp hơn so với LĐCT là 17,4%.

Trong số các lao động phi nông nghiệp không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động có việc làm phi chính thức chiếm đến 71,9%. Báo cáo cũng cho thấy, có gần 44% LĐPCT được xếp vào nhóm lao động có việc làm dễ bị tổn thương, trong đó có hơn 32% là lao động tự làm và gần 12% là lao động gia đình không được trả lương, trong khi đó chỉ có 14% LĐCT được xếp vào nhóm này. Nữ giới có xu hướng làm các công việc dễ bị tổn thương hơn nam giới. Có hơn 31% LĐPCT nam giới được xếp vào nhóm lao động có việc làm dễ bị tổn thương trong khi con số này ở nữ giới lên tới 59,6%.

Tiền lương bình quân mỗi tháng của LĐPCT thấp hơn LĐCT ở tất cả các vị thế việc làm. Cụ thể tiền lương bình quân của nhóm LĐCT vào khoảng 6,7 triệu đồng/tháng, trong khi đó tiền lương mà LĐPCT nhận được chỉ bằng gần nửa con số đó, với khoảng 4,4 triệu đồng/tháng. Mức tiền lương này cao hơn 1,5 lần tiền lương tối thiểu vùng IV, và chỉ cao hơn 12,6% tiền lương tối thiểu vùng I.

Đáng báo động là, hầu hết LĐPCT không có bảo hiểm xã hội (BHXH), chiếm tới gần 98%. Chỉ 0,2% số lao động trong nhóm này được đóng BHXH bắt buộc, còn lại 1,9% đóng BHXH tự nguyện. Trong khi đó, tỷ lệ LĐCT có BHXH bắt buộc rất cao (80,5%). Điều này dễ dẫn đến tình trạng họ không có cơ hội thụ hưởng những chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, nhất là khi hết độ tuổi lao động.

Cần được quan tâm hơn

Các chuyên gia cho rằng, LĐPCT là vấn đề lớn cần được quan tâm hơn, bởi phần lớn nhóm này tập trung nhiều ở khu vực nông thôn và đang đối mặt với nhiều thiệt thòi, bất lợi so với LĐCT. Sự yếu thế của họ thể hiện trên những phương diện chính là: Chất lượng lao động, phân bố việc làm, thời gian làm việc.

Chẳng hạn, lao động làm công ăn lương phi chính thức làm nhiều hơn 2 giờ so với lao động làm công ăn lương chính thức, cao hơn số giờ làm việc theo quy định (49,2 giờ/47,2 giờ). Ngoài ra họ cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro, như về địa điểm làm việc, 10,5% LĐPCT phải làm việc lưu động ở vỉa hè, lề đường; làm việc ở các chợ 8,6%; làm việc ngoài trời (6,4%). Nhóm này rất dễ bị tác động bởi các chính sách quản lý Nhà nước về trật tự hè phố, an toàn thực phẩm, cũng như bị tác động bởi điều kiện tự nhiên, thời tiết...

Đáng chú ý, về thu nhập, tiền lương bình quân của LĐPCT là 4,44 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 58% tiền lương bình quân của LĐCT. Mức tiền lương này cao hơn 1,5 lần tiền lương tối thiểu vùng IV và chỉ cao hơn 12,6% tiền lương tối thiểu vùng I. Với con số này, người lao động rất khó bảo đảm cuộc sống cho bản thân và gia đình.

Nhằm quan tâm hơn đối với nhóm lao động này, giúp họ không phải chịu sự thiệt thòi, cũng như bị “bỏ quên” của chính sách, các chuyên gia cho rằng: Trước hết, cần đẩy mạnh quá trình chính thức hoá khu vực phi chính thức. Khi chuyển đổi thành khu vực chính thức, sẽ có cơ hội tăng đầu tư, mở rộng tốt hơn cơ hội tiếp cận tín dụng. Từ đó, tiền lương cho người lao động có khả năng cao hơn, tăng lợi nhuận và tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, cần tăng cường chính sách công và sự bảo vệ đối với LĐPCT. Đặc biệt là phát triển chương trình BHXH tự nguyện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ