Sáng tạo của nghệ nhân dệt lụa

GD&TĐ - Năm 2015, nghệ nhân Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã gây ấn tượng với sáng tạo sản phẩm mềm bông do con tằm tự dệt của mình. Mới đây, người nghệ nhân yêu nghề dệt lụa này lại nghiên cứu ra cách lấy tơ từ cuống lá sen và mong muốn phát triển mạnh mẽ ngành dệt sợi tơ sen trong tương lai.

Sáng tạo của nghệ nhân dệt lụa

Xây dựng thương hiệu lụa tằm Mỹ Đức

Tuổi thơ của nghệ nhân Phan Thị Thuận luôn gắn liền với nghề ươm tơ, dệt lụa. Tính đến nay, gia đình bà đã có bốn đời gìn giữ và phát triển ngành dệt tơ tằm. Năm 2010, bà quyết định thành lập Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức với diện tích nhà xưởng hơn 500m2.

Lý giải về tên công ty, bà cho biết, dâu tằm tơ Mỹ Đức sẽ đại diện cho cả một ngành nghề mang thương hiệu của huyện Mỹ Đức, chứ không chỉ là một cái tên thương hiệu riêng biệt.

Kể từ đó, với tình yêu nghề và sáng tạo không ngừng, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã đạt được hàng loạt giải thưởng đáng quý: Giải Nhất toàn quốc Cuộc thi Nhà nông sáng tạo với sản phẩm mềm bông do con tằm tự dệt năm 2015, giải thưởng sản phẩm nghìn năm Thăng Long với sản phẩm dệt thổ cẩm bằng lụa tơ tằm năm 2010...

Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức cũng là nơi tạo điều kiện việc làm cho hàng chục người lao động của địa phương. Các sản phẩm công ty sản xuất hiện nay như gối, khăn, áo, túi... đang được ưa chuộng cả ở thị trường trong nước và quốc tế. Sản phẩm từ lụa tơ tằm của nghệ nhân Phan Thị Thuận đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới như: Nhật Bản, Đức, Thái Lan...

Sáng tạo thành công sợi tơ sen

Đầu năm 2017, trong một lần đại biểu Quốc hội cùng các cán bộ huyện Mỹ Đức tới thăm cơ sở sản xuất, có người đã gợi ý và mong muốn nghệ nhân Phan Thị Thuận sáng tạo ra sản phẩm bằng tơ sen. Từ đó, bên cạnh việc gìn giữ và phát triển nghề dệt lụa tơ tằm, bà Thuận luôn ấp ủ giấc mơ làm thành công sản phẩm lụa tơ từ cuống lá sen.

Bà cho biết: “Sen là một loại cây rất phổ biến ở Việt Nam. Tôi đã sáng tạo cho con tằm tự dệt tơ thì cũng có thể sáng tạo ra sợi tơ từ cuống lá sen.

Nếu sáng tạo thành công, tôi có thể tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động hơn, tăng thu nhập cho các chủ đầm sen và tạo ra một loại sản phẩm lụa mới mang thương hiệu của Mỹ Đức”.

Những ngày đầu ấp ủ giấc mơ làm lụa từ tơ sen, bà Thuận đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Với những kĩ thuật và kinh nghiệm vốn có trong sản xuất sợi tơ tằm, bà áp dụng vào sợi tơ sen để đưa ra được sự khác biệt.

Từ đó, bà thay đổi và sáng tạo kĩ thuật để phù hợp với sợi tơ sen. Trong quá trình nghiên cứu, bà đã thất bại nhiều lần hoặc tạo ra những sản phẩm chất lượng chưa cao.

Bà chia sẻ: “Khi bắt tay vào nghiên cứu sợi tơ sen, nhiều người cho rằng làm lụa từ tơ sen là một điều không thể. Để tránh được những lời nói của mọi người và tập trung cho công việc, tôi đóng cửa ở trong nhà một mình nghiên cứu hàng tháng trời”.

Sau những vất vả trong quá trình sáng tạo, cuối tháng 8, bà Phan Thị Thuận đã làm ra những chiếc khăn lụa tơ sen đầu tiên, mang chất lượng và màu sắc đảm bảo như những sản phẩm lụa cao cấp khác.

Sau thành công đó, bà được chính quyền địa phương và các đơn vị đưa sang thăm Campuchia, để giao lưu học hỏi về kĩ thuật làm lụa tơ sen của họ.

Sau chuyến công tác này, bà Thuận đưa ra nhận định, với trình độ và máy móc của Campuchia trong sản xuất lụa tơ sen, bà tin tưởng rằng mình hoàn toàn có thể phát triển ngành này ở Mỹ Đức. Với số lượng nhân công cũng như diện tích đầm sen của huyện Mỹ Đức, ngành dệt từ tơ sen có nhiều lợi thế để phát triển.

Hiện nay, bà Phan Thị Thuận đang tiến hành đào tạo những kĩ thuật sản xuất tơ sen cho hàng chục người trong và ngoài địa phương. Bà chia sẻ mong muốn, chính quyền địa phương sẽ có những biện pháp tích cực để giúp bà quảng bá, tìm đầu ra và phát triển ngành sợi tơ sen, mang lại thương hiệu cho huyện Mỹ Đức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quán ăn đông kín khách, nhân viên phải làm việc liên tục. Ảnh: Nhật Minh

Hàng quán mở xuyên Tết: Cơ hội thu nhập cao

GD&TĐ - Trước nhu cầu ăn uống, vui chơi, gặp mặt đầu năm của người dân tăng cao, hầu hết nhà hàng, quán cà phê mở xuyên kỳ nghỉ đều đối mặt nguy cơ rơi vào trạng thái quá tải