Thúc đẩy đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ
Hội nghị khoa học năm 2023 có chủ đề “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam đến năm 2030 - Chính sách và thực tiễn”, do Bộ Khoa học & Công nghệ phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đồng tổ chức.
Dự Hội nghị có ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH&CN; GS.VS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP Hồ Chí Minh; TS Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc ĐHQGHN đồng chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) Phạm Bảo Sơn nhấn mạnh vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong 10 năm tới là đột phá chiến lược, có ý nghĩa quyết định tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn mới đặt ra yêu cầu về phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức khoa học và công nghệ khác trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh.
Trong những năm qua, ĐHQGHN và ĐHQG TP Hồ Chí Minh đã và đang khẳng định trách nhiệm quốc gia trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam thông qua việc được Chính phủ tin tưởng giao chủ trì các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước.
Với tư cách là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu, ĐHQGHN đã chủ động xây dựng và triển khai Chiến lược khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN giai đoạn 2021-2030 nhằm định hướng phát triển khoa học và công nghệ trong thời gian tới lên một tầm cao mới.
Việc ban hành chính sách tốt góp phần thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. |
ĐHQGHN đang nỗ lực tạo đột phá để phát triển ĐHQGHN trở thành đại học thông minh, đổi mới sáng tạo. ĐHQGHN đã đẩy mạnh triển khai các hướng nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, công nghệ ưu tiên phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời, tập trung nguồn lực triển khai một số chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia về năng lượng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, điện tử y sinh... Những thành tựu này đã giúp tăng thứ hạng trong bảng xếp hạng về KHCN tại các bảng xếp hạng uy tín quốc tế.
Kiến nghị tạo sự đổi thay
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các giải pháp để triển khai Chiến lược khoa học & công nghệ (KH&CN), chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; đồng thời góp ý cho việc hoàn thiện pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tham luận của Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh đã làm rõ vai trò của hoạt động triển khai Chiến lược KH&CN, đồng thời chỉ ra một số thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Từ đó đề xuất một số nội dung triển khai ở 2 ĐHQG và 2 Viện Hàn lâm, gợi ý các hướng mà các cơ quan có thể hợp tác thực hiện.
Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành KH&CN mà còn của tất cả các ngành, các cấp, do đó, rất cần có sự chủ động tham gia tích cực và sự đồng hành xuyên suốt của tất cả các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học.
Đưa ra bài học thực tiễn của ĐHQGHN tạo động lực phát triển KHCN, Trưởng ban KHCN ĐHQGHN Trần Thị Thanh Tú cho rằng, ĐHQGHN đã ban hành chính sách đầu tư cho các phòng thí nghiệm trọng điểm, trung tâm nghiên cứu trọng điểm; chính sách hỗ trợ công bố bài báo quốc tế, sở hữu trí tuệ; chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN (doanh nghiệp spin-off, doanh nghiệp startup); chính sách thu hút và trọng dụng nhà khoa học về làm việc tại ĐHQGHN; thúc đẩy hợp tác với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức.
Cần có chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của nhân lực KH&CN. |
Từ thực tế tại ĐHQG TP Hồ Chí Minh, ông Trần Mạnh Hà, Phó Trưởng ban Đào tạo, đặt dấu hỏi cho phát triển nhân lực lĩnh vực này: Việt Nam chỉ đáp ứng 20% nhu cầu nhân lực và cần hơn 50.000 nhân lực chất lượng cao ngành này đến năm 2030.
Tại ĐHQG TP Hồ Chí Minh có 4 trường đại học thành viên đang đào tạo ngành gần và ngành liên quan đến thiết kế vi mạch nhưng chưa có ngành đào tạo thiết kế vi mạch. Quy mô đào tạo các ngành gần và liên quan chiếm 18,7% và 5,8% tổng quy mô đào tạo. Các trường thuộc ĐHQG TP Hồ Chí Minh đóng góp trên 50% nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại Tp Hồ Chí Minh.
Đánh giá hiện trạng phát triển nguồn nhân lực KH&CN, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Trần Tuấn Anh đưa ra minh chứng tại Viện. Theo đó, lực lượng cán bộ khoa học của Viện về cơ bản vẫn được giữ vững nhưng không đồng đều trong các lĩnh vực, chủ yếu tập trung vào một số ngành nghiên cứu cơ bản trọng tâm và một số viện nghiên cứu thành viên có thế mạnh về nghiên cứu cơ bản.
Chỉ ra vướng mắc, khó khăn trong công tác phát triển nguồn nhân lực tại Viện, với các nguyên nhân, ông Tuấn Anh cũng đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện môi trường làm việc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của nhân lực KH&CN.
Ông Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng: Để KHCN và đổi mới sáng tạo thực sự đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới, trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Cần thực hiện những đổi mới mạnh mẽ, toàn diện mang tính đột phá trong trong tư duy người hoạch định chính sách, trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật nhằm tạo lập môi trường thuận lợi cho KHCN và đổi mới sáng tạo phát triển.
Hội nghị là dịp để các nhà khoa học chia sẻ thông tin về các thành tựu, sản phẩm nghiên cứu và đào tạo tiêu biểu, trao đổi, thảo luận các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, đề xuất cơ chế, giải pháp tăng cường phối hợp triển khai các chương trình quốc gia, liên kết giữa các đơn vị nghiên cứu, đào tạo hàng đầu của đất nước để phát huy sức mạnh chung cùng giải quyết các vấn đề quan trọng của quốc gia.
Các đại biểu đã đặc biệt kiến nghị hoàn thiện quy định để thúc đẩy hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.