Nhiều nước thúc đẩy mở cửa đón sinh viên quốc tế

GD&TĐ - Sau gần 2 năm “đóng cửa” phòng, chống dịch Covid-19, số lượng sinh viên quốc tế sụt giảm, tác động tiêu cực đến lĩnh vực giáo dục đại học của các quốc gia.

 Sinh viên quốc tế đóng góp lớn cho lĩnh vực giáo dục đại học.
Sinh viên quốc tế đóng góp lớn cho lĩnh vực giáo dục đại học.

Khi thế giới đang dần kiểm soát dịch, nhiều nước chào đón sinh viên quốc tế với hy vọng phục hồi ngành Giáo dục.

Australia

Chính phủ Australia đã ban hành lệnh cấm sinh viên nước ngoài nhập cảnh kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới vào tháng 3/2020. Các trường đại học Australia ước tính quyết định trên đã cắt giảm nguồn thu lớn đến từ du học sinh, khiến nền kinh tế quốc gia thiệt hại khoảng 31 tỷ USD mỗi năm và thiếu 250 nghìn việc làm.

Cuối tháng 10, Australia thông báo sinh viên quốc tế được phép trở lại nước này vào kỳ nghỉ Lễ Giáng sinh. Cụ thể, bang New South Wales có kế hoạch đón 250 sinh viên quốc tế hàng tuần trong khi bang South Australia cho phép 320 du học sinh nhập cảnh mỗi tháng.

Bang Victoria đang thảo luận kế hoạch tiếp nhận 240 sinh viên quốc tế đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin từ tháng 12. Tuy nhiên, bang Queensland và Western Australia vẫn đang cân nhắc tình hình thực tế.

Năm 2021, các trường đại học  Australia đã tuyển sinh ít hơn 210 nghìn du học sinh so với dự kiến. Kéo theo đó, hơn 17 nghìn việc làm trong lĩnh vực giáo dục đại học phải cắt giảm.

Việc sụt giảm số lượng du học sinh đến Australia trong giai đoạn 2020 - 2021 tác động tiêu cực đến lĩnh vực giáo dục đại học trong tương lai và sức hấp dẫn của Australia trong mắt sinh viên quốc tế. Dù trong 2 năm qua, Australia có thể tụt hạng khi so với Canada, Anh, nhưng kế hoạch mới nhất đang tạo đà cho nước này trở lại đường đua vào năm tới.

Nằm trong kế hoạch đưa sinh viên trở lại Australia, Bộ Giáo dục nước này yêu cầu các trường đại học, cao đẳng xây dựng phương án hỗ trợ sinh viên tối đa. Những nội dung cần lưu ý bao gồm học thuật, tâm thần, nơi ở, việc làm…

Sinh viên quốc tế sẽ cần các dịch vụ hỗ trợ trong khuôn viên trường như tư vấn sức khỏe tâm thần, đường dây nóng trợ giúp 24 giờ, hội thảo với các chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Bên cạnh đó, các trường phải tiếp tục cung cấp dịch vụ hỗ trợ nhà ở, tài chính, ngân hàng cũng như giúp các em tiếp cận hàng hóa giảm giá, ưu đãi sinh hoạt có lợi cho cuộc sống du học.

Nền giáo dục tại Australia vẫn luôn được đánh giá cao, tuy nhiên việc giảng dạy trực tuyến thì không thể bù đắp với trải nghiệm trực tiếp. Cho nên, khi du học sinh trở lại, các trường đại học tăng cường trang bị kiến thức, bù đắp tiết học thực hành cho sinh viên quốc tế.

Nhật Bản

Là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, Nhật Bản đang thực hiện chính sách đóng cửa nghiêm ngặt để phòng, chống Covid-19. Đầu năm 2021, chính phủ Nhật Bản đã ngừng cấp thị thực cho sinh viên quốc tế. Ước tính, số lượng du học sinh đến Nhật Bản trong nửa đầu năm 2021 chỉ bằng 10% so với trước đại dịch.

Hành động trên đang cản trở mục tiêu của Nhật Bản là thúc đẩy lĩnh vực giáo dục quốc tế. Đầu tháng 11, chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ nới lỏng hạn chế nhập cảnh với sinh viên quốc tế, một phần trong kế hoạch đưa đất nước sang trạng thái bình thường mới.

Thông báo trên được đánh giá đã thắp lên hy vọng cho các trường đại học, vốn đang đối mặt với tình trạng sụt giảm sinh viên quốc tế. Du học sinh có sẵn giấy phép cư trú trong giai đoạn từ tháng 1/2020 - 3/2020 có thể đăng ký nhập cảnh vào Nhật Bản từ tháng này.

Trước quyết định của chính phủ, các trường đại học đang rục rịch xây dựng kế hoạch chào đón sinh viên quốc tế. Trường Đại học châu Á - Thái Bình Dương Ritsumeikan, một trong những trường có số lượng sinh viên quốc tế nhập học hàng năm cao nhất cả nước, đã khởi động chương trình hỗ trợ du học sinh.

Cụ thể, nhà trường sẽ đón sinh viên quốc tế tại sân bay, hỗ trợ các em trong 14 ngày cách ly tại các khách sạn chất lượng ở thủ đô Tokyo. Những sinh viên không được phép sử dụng phương tiện công cộng sẽ được đưa đón về trường tại đảo Kyushu. Trường tổ chức các khóa học trực tiếp bổ trợ kiến thức cho sinh viên phải học online kéo dài.

New Zealand

Chính phủ New Zealand đã xây dựng kế hoạch mở cửa biên giới với sinh viên quốc tế với thời gian cụ thể vào giữa năm 2021. Thông báo này đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng từ các trường đại học, cao đẳng nước này.

Ông Chris Welan, Giám đốc Điều hành các trường đại học New Zealand, cho biết số lượng sinh viên quốc tế tại nước này hiện là 14 nghìn, giảm 30% so với trước khi dịch Covid-19 xuất hiện.

Tuy nhiên, số lượng sinh viên quốc tế trong thời gian dịch Covid-19 tại New Zealand vẫn được đánh giá tương đối cao khi so với tình hình chung của thế giới. Nhiều người là sinh viên đại học học lên cao học nên sẵn sàng học trực tuyến, chờ đợi được nhập cảnh vào nước này.

Hiện nay, trở ngại lớn nhất với sinh viên quốc tế khi nhập cảnh vào New Zealand là quy định cách ly trong khách sạn. Nhưng các địa điểm này đều đã được chuẩn bị cho công dân New Zealand trở về từ nước ngoài.

Ông Welan bày tỏ hy vọng chính phủ có thể thay thế quy định cách ly với sinh viên quốc tế bằng việc cho phép những người đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin nhập cảnh. Để kế hoạch này sớm triển khai, tỷ lệ tiêm chủng trong dân số New Zealand phải đạt mức cao.

Bất chấp những trở ngại trên, các trường đại học, cao đẳng New Zealand đã rục rịch mở rộng quy mô, chuyên ngành đào tạo cho năm học tới để chào đón sinh viên quốc tế. Kí túc xá, nhà ở cho sinh viên được tăng cường kiểm tra, kiểm định và sửa mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.