Anh mở rộng cánh cửa tương lai nhờ trao đổi sinh viên quốc tế

GD&TĐ - Chính phủ Anh cho biết, 40.000 học sinh, sinh viên sẽ học tập và làm việc tại nước ngoài theo chương trình trao đổi học tập Turing trải dài 150 quốc gia.

Học sinh, sinh viên có cơ hội hợp tác quốc tế.
Học sinh, sinh viên có cơ hội hợp tác quốc tế.

Khi còn là thành viên EU, Anh tham gia chương trình trao đổi Erasmus, Eramus +, cho phép học sinh, sinh viên tại châu Âu và một số quốc gia khác trao đổi học tập.

Sau sự kiện Brexit, Anh xây dựng chương trình trao đổi học tập Turing, lấy theo tên nhà toán học người Anh Alan Turing. Là một phần của kế hoạch toàn cầu mới, sinh viên Anh sẽ được chính phủ tài trợ kinh phí để học tập, làm việc tại các quốc gia như Canada, Nhật Bản, Mỹ và châu Âu.

Với ngân sách trị giá 110 triệu bảng, học sinh, sinh viên tại hơn 120 trường đại học, cao đẳng, phổ thông trên cả nước được học tập và làm việc tại nước ngoài. Ước tính, 48% học sinh có hoàn cảnh khó khăn được trao học bổng du học. Trong 40.000 cá nhân tham gia chương trình Turing năm 20201, khoảng 28.000 là sinh viên đại học.

Trọng tâm của Anh hậu Brexit là tạo nên quốc gia toàn cầu, nơi con người được phép học hỏi, làm việc và giao thương với các quốc gia nằm ngoài biên giới châu Âu. Học bổng Turing mang đến cho người trẻ cơ hội mở mang kiến thức, kỹ năng tại các nền văn hóa khác nhau, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ hợp tác đối tác giữa các quốc gia trong quá trình này.

So với chương trình Erasmus +, Turing hướng đến nhiều học sinh, sinh viên tại các khu vực nông thôn hoặc khu vực có tỷ lệ du học thấp như Midlands, Bắc Anh. Các trường học tại đây cũng được quan tâm và tài trợ đặc biệt.

Ông Gavin Williamson, Bộ trưởng Giáo dục cho biết: “Làm việc, học tập tại nước ngoài là cơ hội lớn, ý nghĩa, giúp các em mở mang đầu óc, trau dồi kỹ năng và cải thiện hiệu suất cá nhân. Nhưng đến nay, du học vẫn được coi là cơ hội chỉ dành cho các gia đình khá giả”.

Theo ông Gavin, trái ngược với ý tưởng trên, chương trình Turing dành cho các trường phổ thông, đại học trên khắp đất nước, thể hiện quyết tâm của chính phủ trong việc mang đến nền giáo dục toàn cầu hóa cho tất cả mọi người. “Chính phủ đã tăng cường quan hệ đối tác với các tổ chức tốt nhất trên toàn cầu. Đề án Turing giúp thế hệ mới nắm bắt các cơ hội ngoài châu Âu”, ông Gavin khẳng định.

Các thành viên chính phủ cũng đề xuất nhiều biện pháp cải thiện khả năng tiếp cận du học thông qua Turing bao gồm hỗ trợ chi phí đi lại, chi phí làm hộ chiếu, thị thực, trợ cấp phí sinh hoạt… Đây là những rào cản một số sinh viên gặp phải khi du học nước ngoài. Chính phủ Anh cũng đang nghiên cứu đáp ứng nhu cầu học tập nước ngoài của người khuyết tật hoặc người có nhu cầu giáo dục đặc biệt.

Ông Michelle Donelan, Chủ tịch Liên minh các trường đại học cho biết: “Các trường phổ thông, đại học và cao đẳng đã làm việc không mệt mỏi để xây dựng chương trình này. Tôi biết ơn các trường cũng như các đối tác toàn cầu của họ đã tạo điều kiện để sinh viên Anh có thể học tập, làm việc tại nước ngoài”.

Ông Michelle cũng hy vọng du học sinh có thể tích luỹ nhiều kiến thức chuyên môn, bắt nhịp với xu hướng đổi mới toàn cầu từ các nước phát triển như Canada, Mỹ, Nhật Bản để góp phần xây dựng đất nước.

Theo GOV UK

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ