Trung Quốc: Sinh viên quốc tế kêu gọi được trở lại học tập

GD&TĐ - Sinh viên nước ngoài mắc kẹt bởi đại dịch Covid-19 kêu gọi Chính phủ Trung Quốc cấp thị thực cho phép họ trở lại nước này học tập.

Sinh viên Trường ĐH Y Hải Nam, Trung Quốc xếp hàng chờ tiêm vắc-xin.
Sinh viên Trường ĐH Y Hải Nam, Trung Quốc xếp hàng chờ tiêm vắc-xin.

Trong 20 tháng qua, Trung Quốc đã từ chối cấp thị thực cho sinh viên quốc tế. Ngoại trừ du học sinh Hàn Quốc do hai nước đã ký thoả thuận khôi phục thị thực vào tháng 7/2020.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục, tính đến năm 2016, gần 450.000 sinh viên quốc tế theo học tại Trung Quốc. 5 quốc gia đứng đầu về số lượng du học sinh là Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ. Hiện chưa rõ số lượng du học sinh chưa thể trở lại Trung Quốc học tập.

Theo học chuyên ngành Y khoa và Phẫu thuật tại Trường Đại học Ninh Ba, Ephrem, lưu học sinh người Ấn Độ bày tỏ: “Tôi thực sự rất căng thẳng, không biết khi nào được trở lại trường. Hiện tôi rất cần được giúp đỡ và sẵn sàng chấp thuận các biện pháp phòng, chống dịch của Trung Quốc nếu được quay lại học tập”.

Ephrem cho biết rời Trung Quốc trở về Ấn Độ vào tháng 1/2020 để nghỉ đông, trùng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại quốc gia này. Nam sinh thường xuyên gọi điện cho trường đại học, đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ nhưng chưa được phép trở lại trường.

Trong thời gian qua, Ephrem đăng ký học trực tuyến từ quê nhà Ấn Độ. Nhận thấy phương pháp này không hiệu quả, đặc biệt đối với lĩnh vực Y khoa, Ephrem và gần 60 du học sinh khác đã bảo lưu kết quả học tập.

Nam sinh giải thích chọn du học vì so với Ấn Độ, chương trình đào tạo Y khoa tại Trung Quốc có chi phí thấp hơn. Sinh viên có cơ hội trải nghiệm phương pháp giáo dục quốc tế.

“Tôi và nhiều bạn bè khác đến Trung Quốc với niềm hy vọng, phấn khởi. Nhưng chúng tôi không biết liệu có thể quay lại Trung Quốc trong tương lai hay không”, Ephrem tâm sự.

Bày tỏ chung nỗi thất vọng với Ephrem, sinh viên người Pakistan, Amish Ghafoor, đã trở về nhà từ cuối năm 2019. Ngay sau đó, Vũ Hán, nơi Ghafoor theo học, trở thành tâm dịch Covid-19 tại Trung Quốc.

Sau khi tình hình tại Vũ Hán được kiểm soát, Ghafoor đã liên lạc với đại sứ quán Trung Quốc tại Pakistan nhưng họ khuyên “trao đổi lại với trường đại học”.

“Khi tôi hỏi trường, họ nói chưa có thông tin và phải phụ thuộc vào quyết định của chính phủ. Còn chính phủ cho biết “hãy chờ thông báo”. Chu kỳ này đã lặp lại suốt 20 tháng qua”, Ghafoor cho biết.

Một sinh viên giấu tên người Ai Cập tiết lộ khoảng 50 du học sinh Ai Cập chưa được trở lại Trung Quốc. Con số thực tế có thể cao hơn. Người này dự kiến sẽ tốt nghiệp vào tháng 9/2022 nhưng không hài lòng với chất lượng đào tạo hơn một năm qua.

“Tôi học ngành Kỹ thuật Điện tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nam, một lĩnh vực yêu cầu phải thường xuyên thực hành để nuôi dưỡng kỹ năng. Nhưng tôi đã học trực tuyến 1,5 năm qua. Bằng tốt nghiệp của tôi sẽ kém giá trị”, nam sinh bày tỏ.

Giải đáp thắc mắc của du học sinh, đại diện Bộ Ngoại giao, cơ quan cấp phép cho sinh viên quốc tế, cho biết: Chúng tôi sẽ lên kế hoạch mở cửa biên giới cho sinh viên quốc tế với điều kiện ngăn chặn triệt để dịch bệnh. Chính phủ sẽ quan sát tình hình của thế giới và đưa ra biện pháp cụ thể gắn với công tác phòng, chống dịch.

Ngoài Trung Quốc, Australia cũng là quốc gia chưa cho phép du học sinh nhập cảnh kể từ đợt bùng dịch đầu tiên từ tháng 3/2020. Quyết định này ảnh hưởng trực tiếp lên nền kinh tế Australia do mỗi năm, sinh viên quốc tế đóng góp hơn 25 tỷ USD.

Theo SCMP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ