Nhiều mô hình thoát nghèo ở xã vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Quang Chiểu là xã vùng biên giới ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Giờ đây, cuộc sống của người dân có nhiều thay đổi nhờ các mô hình phát triển kinh tế.

Những ngôi nhà cao tầng ở bản Pùng, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Ảnh: TL
Những ngôi nhà cao tầng ở bản Pùng, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Ảnh: TL

"Xuất ngoại" để thoát nghèo

Xã Quang Chiểu (Mường Lát, Thanh Hóa), giáp với nước bạn Lào. Những năm trước, đồng bào các dân tộc ở đây quanh năm nghèo đói, lạc hậu. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, địa phương này đã có sự thay đổi đáng kể về đời sống kinh tế. Nhiều ngôi nhà cao tầng, khang trang được xây dựng hai bên đường ở bản Pùng, bản Xim, bản Sáng... đã thể hiện sự chuyển mình trong đời sống của người dân nơi đây.

Ông Vi Văn Hiện – Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu, cho hay: Vài năm trở lại đây, điều kiện kinh tế, văn hóa – xã hội của địa phương đã có sự thay đổi đáng kể. Trong đó, một phần do địa phương làm tốt công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ), nên hàng năm, lượng ngoại hối chuyển về địa phương tăng lên nhiều. Bên cạnh đó, địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng để tăng năng suất thu nhập cho người dân có cơ hội thoát nghèo.

Cũng theo Chủ tịch Vi Văn Hiện, xã Quang Chiểu có 1.235 hộ dân, gần 6.000 nhân khẩu. Hiện nay, số hộ nghèo đang còn 250 hộ, chiếm 20,7% (đã giảm 6% so với năm trước). Số hộ cận nghèo của xã còn 103 hộ, chiếm 8.31%, nếu so với năm trước, thì đã giảm 19,87%. Bình quân thu nhập đầu người đã đạt 38,7 triệu đồng/người/năm.

“Tỷ lệ số hộ nghèo, cận nghèo của xã giảm xuống ở mức đáng ghi nhận, một phần cũng do làm tốt công tác XKLĐ của địa phương. Có nhiều gia đình nhờ XKLĐ, mà kinh tế đã trở nên khá giả, giàu có. Trong đó, nhiều hộ gia đình ở bản Pùng, bản Xim có con, em đi XKLĐ gửi tiền về, bà con đã xây dựng nhà cửa rất khang trang, to đẹp”, ông Hiện thông tin.

Theo thống kê của UBND xã Quang Chiểu, tính đến thời điểm hiện nay, địa phương này đã có 317 người đi XKLĐ. Trong đó, thị trường Đài Loan có số người tham gia xuất khẩu lao động nhiều nhất, với 150 người; Hàn Quốc là 85 người; Nhật Bản 45 người.

Vườn cam trĩu quả ở bản Con Dao, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát. (Ảnh: NDCC)

Vườn cam trĩu quả ở bản Con Dao, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát. (Ảnh: NDCC)

Ngoài ra, các thị trường, như: Liên bang Nga; Trung Đông; Rumania đang có gần 40 người XKLĐ. Hiện tại, địa phương này đang có hơn 50 người đang tham gia học tiếng Hàn Quốc và hơn 30 người đã thi xong, đang chờ làm thủ tục xuất cảnh.

“Trước kia, địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động công dân trên địa bàn tham gia, nhưng lúc ấy không ai dám đi, do tâm lý người dân lo sợ đi xa. Giờ đây, nhận thấy xuất khẩu lao động mang lại thu nhập cao, nên nhiều gia đình đã động viện con em "xuất ngoại". Vừa qua, nhận thấy công tác xuất khẩu lao động của địa phương khá tốt, nên một số xã ở huyện khác cũng đã tổ chức đến học hỏi kinh nghiệm”, ông Vi Văn Hiện thông tin.

Nhiều hộ thoát nghèo nhờ chuyển đổi cây trồng

Ông Hà Văn Hoàn - Bí thư Đảng ủy xã Quang Chiểu, cho hay, tháng 3/2023, hai bản Con Dao, Suối Tút (bản người Dao) được Nhà nước đầu tư công trình điện lưới quốc gia về. Từ khi có đường, có điện, người dân ở đây có điều kiện tiếp cận khoa học - kỹ thuật, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế.

“Nếu trước đây bà con ở hai bản Con Dao, Suối Tút chỉ biết đến trồng cây lúa, cây sắn, và nuôi vài con gà, con vịt để cải thiện bữa ăn, thì nay tư duy của họ đã thay đổi rất nhiều. Bà con đồng bào nhìn thấy mô hình trồng cây, chăn nuôi phát triển kinh tế, là người ta chịu khó học hỏi làm theo rất nhanh”, ông Hoàn thông tin.

Cũng theo Bí thư Hoàn, do vị trí địa lý của xã Quang Chiểu giáp với nước bạn Lào, nên nhiều người dân đã qua tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây đặc sản. Vì vậy, nhiều giống cây trồng có hiệu quả kinh tế đã được bà con đưa về trồng. Trong đó, giống cam Lào với vị thơm, ngọt được nhiều người ưa thích. Hoặc, giống dưa hấu vỏ sọc, được người dân ở bản Sáng (Quang Chiểu) đưa về trồng trên đất ruộng không chủ động nguồn nước.

Ông Ngân Văn Chiền, ở bản Sáng, xã Quang Chiểu bán dưa hấu bên ven đường. (Ảnh: TL)

Ông Ngân Văn Chiền, ở bản Sáng, xã Quang Chiểu bán dưa hấu bên ven đường. (Ảnh: TL)

“Ở địa phương chúng tôi giờ đây có rất nhiều hộ gia đình trồng cam. Nhà ít cũng có vài chục gốc, nhà trồng nhiều phải tính bằng ha. Vì thế, cây cam của xã Quang Chiểu đến nay đã có hơn 20 ha cam, trong đó có gần 5 ha đã cho thu hái quả. Đặc biệt, có gia đình ở bản Con Dao hiện nay đã trồng gần 400 gốc cam, trung bình mỗi cây cho thu hoạch từ 60 - 70 kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình thu được trên 100 triệu đồng/năm”, ông Hoàn thông tin.

Theo Bí thư Hà Văn Hoàn, cách đây vài năm về trước, bà con đồng bào dân tộc Dao sống ở bản Con Dao, Suối Tút hầu hết là hộ nghèo. Tuy nhiên, đến nay, nhờ sự nỗ lực của chính quyền, sự vươn lên của bà con, mà đã có 28/80 hộ thoát nghèo.

“Sự đổi thay ở 2 bản Con Dao, Suối Tút đã tạo nên động lực để người dân ở các bản đặc biệt khó khăn còn lại của địa phương học hỏi kinh nghiệm và hăng hái tham gia vào phong trào xóa đói, giảm nghèo”, ông Hoàn chia sẻ.

Ngoài mô hình trồng cam ở 2 bản Con Dao, Suối Tút, hiện nay ở bản Sáng (Quang Chiểu), người dân lại áp dụng mô hình trồng dưa hấu vỏ sọc. Đến thời điểm hiện tại, ở bản Sáng đã có 34 hộ dân tham gia trồng dưa hấu, với tổng diện tích 8 ha, sản lượng đạt trên 80 tấn.

Giá dưa hấu đang được bà con bán 10.000 đồng/1kg. Năm 2024, có xã Quang Chiểu có 3 bản nhân rộng thêm mô hình trồng dưa hấu vỏ sọc, gồm: Bản Pùng, bản Xim và bản Pọng, với diện tích khoảng 2ha, sản lượng và giá cả cũng như ở bản Sáng.

Người dân ở bản Sáng, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) dựng lều để bán dưa hấu ở ven đường. (Ảnh: TL)

Người dân ở bản Sáng, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) dựng lều để bán dưa hấu ở ven đường. (Ảnh: TL)

Ngồi bán dưa hấu ở bên ven đường, ông Ngân Văn Chiền, ở bản Sáng tỏ vẻ phấn khởi vì dưa hấu năm nay được mùa, được giá. “Gia đình tôi trồng 3 sào (1.500m2 ) dưa hấu, thu hoạch được khoảng 3 tấn. Với giá bán 10.000 đồng/kg, chúng tôi cũng thu được khoảng 3 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi có lãi khoảng 2 triệu đồng. Nếu so với trồng lúa, thì cây dưa hấu đem lại thu nhập gấp khoảng gần 3 lần”, ông Chiền cho hay.

Có thể nói, nhờ sự nhạy bén của người dân, sự quan tâm của lãnh đạo, chính quyền địa phương về cách thức tuyên truyền, phát động các phong trào chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng ở địa phương, đã tạo điều kiện cho bà con có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, nhờ phong trào XKLĐ, mà nhiều gia đình ở xã vùng biên Quang Chiểu (Mường Lát, Thanh Hóa) đã trở thành những hộ giàu có, khá giả và thoát nghèo một cách bền vững.

“Năm 2023, tổng số tiền công dân Quang Chiểu đi xuất khẩu lao động gửi về đạt khoảng hơn 80 tỷ đồng. Nhiều gia đình giàu lên nhờ có con, em đi lao động ở nước ngoài. XKLĐ không những tăng nguồn thu nhập, nâng cao đời sống mà quan trọng hơn còn làm thay đổi nhận thức, tư duy của người lao động khi hết thời hạn trở địa phương. Đến thời điểm này, xã Quang Chiểu đang là địa phương dẫn đầu và điển hình về XKLĐ của huyện Mường Lát”, ông Hà Văn Hoàn – Bí thư Đảng ủy xã Quang Chiểu (Mường Lát, Thanh Hóa).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ