Giảm nghèo bền vững bằng hỗ trợ đúng đối tượng

GD&TĐ - Việc chú trọng đến công tác phân loại hộ nghèo, góp phần cùng Nhà nước hỗ trợ người nghèo hiệu quả, bền vững hơn.

Giảm nghèo bền vững bằng hỗ trợ đúng đối tượng.
Giảm nghèo bền vững bằng hỗ trợ đúng đối tượng.

Hỗ trợ đúng đối tượng

Thời gian qua, chương trình giảm nghèo bền vững đã được Ngành Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên triển khai tích cực, thu được nhiều kết quả khả quan như chỉ tiêu giảm hộ nghèo hàng năm đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, người nghèo, người thuộc hộ nghèo theo quy định của Chính phủ của tỉnh được thực hiện đầy đủ, kịp thời; nhiều gia đình đã có thay đổi về nhận thức để thoát nghèo…

Tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên là một trong những huyện miền núi còn nhiều khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 3,8% dân số toàn huyện. Trong những năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội luôn được cơ quan, đoàn thể và các cấp chính quyền quan tâm chú trọng.

Nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương đã được triển khai như: Lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ và nguồn tài trợ của các chương trình, dự án để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế; ký cam kết thoát nghèo với hộ nghèo; tổ chức các lớp đào tạo nghề, tập huấn nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động…

Song song với đó, địa phương cũng tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo được vay vốn ưu đãi của Nhà nước để phát triển sản xuất… Năm 2023, huyện Phú Lương đã giải ngân được trên 3 tỷ đồng giúp các hộ thoát nghèo.

Gia đình bà Liêu Thị Ninh có địa chỉ tại xóm Hiệp Hòa, xã Phủ Lý, huyện Phú Lương là một trong những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, đầu năm 2023, khi được địa phương tích cực tuyên truyền về các dự án, bà đã mạnh dạn gom góp số tiền 3,5 triệu đồng đối ứng để nhận hỗ trợ nuôi một con trâu sinh sản trị giá 20 triệu đồng. Ngoài việc hỗ trợ về con giống, bà còn được hỗ trợ về vật tư chăn nuôi như thức ăn, đá liếm và chế phẩm xử lý chuồng trại.

Bà Ninh chia sẻ: “Sau khi được nhận hỗ trợ con trâu giống, cán bộ khuyến nông của địa phương còn thường xuyên tới nhà hướng dẫn tận tình những kỹ thuật trong chăn nuôi và chăm sóc nên trâu nhà tôi rất mau lớn, khỏe mạnh. Thông qua sự quan tâm, hỗ trợ này, tôi quyết tâm sẽ thoát nghèo trong thời gian sớm nhất”.

Mỗi con giống được hỗ trợ cho người dân đều đã được tiêm vắc-xin đầy đủ và được cán bộ chuyên môn tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, cách làm chuồng trại, cách xử lý một số bệnh thường gặp ở trâu nên người dân rất yên tâm khi nhận con giống.

Bà Liêu Thị Ninh, xóm Hiệp Hòa, xã Phủ Lý, huyện Phú Lương chăm sóc trâu giống được nhận hỗ trợ.
Bà Liêu Thị Ninh, xóm Hiệp Hòa, xã Phủ Lý, huyện Phú Lương chăm sóc trâu giống được nhận hỗ trợ.

Tạo điều kiện tối đa cho các hộ nghèo, cận nghèo

Ông Triệu Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Phủ Lý, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên cho biết: bà Ninh là 1 trong 53/878 hộ nghèo của xã Phủ Lý. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho việc trồng cỏ chăn nuôi, xã Phủ Lý được hưởng Dự án hỗ trợ trâu, bò cái nuôi sinh sản từ Trung tâm Dịch vụ Khuyến nông huyện Phú Lương thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023.

Dự án hướng tới mục tiêu tạo điều kiện để các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có việc làm, tận dụng được điều kiện sẵn có của gia đình để phát triển chăn nuôi, tiến tới thoát nghèo bền vững và cải thiện đời sống. Dự án đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân.

Còn tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, những năm qua huyện đã hoàn thành tiến độ các mục tiêu đặt ra về cả mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo và hỗ trợ các hộ nghèo tiếp cận dịch vụ xã hội. Riêng năm 2023, huyện đã triển khai 5 dự án, gồm: mô hình chăn nuôi gà đồi an toàn sinh học, mô hình chăn nuôi bò nái sinh sản, mô hình trồng rau an toàn vụ đông... Tổng kinh phí thực hiện các dự án là trên 6,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, để nâng cao thu nhập cho người dân, huyện cũng chỉ đạo các phòng chuyên môn tập trung đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động, nhất là lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Gia đình chị Hoàng Thị Thắm, thuộc hộ cận nghèo của xóm Đồng Bầu, xã Tân Thành, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên được nhận hỗ trợ một con bò theo dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo thuộc Ban dân tộc. Sau gần 3 tháng nhận nuôi, con bò ăn khỏe, nhanh nhẹn, lông bóng mượt, tăng cân nhanh. Chị Thắm vô cùng phấn khởi cho biết: “Bò khi nhận về đẹp lắm, nhanh khỏe, ăn tốt, nuôi mau lớn. Sắp tới, đến kỳ sinh sản, tôi sẽ cho phối giống để phát triển đàn vật nuôi”.

Như vậy, việc xác định và phân loại đặc điểm của từng hộ dân làm cơ sở cho việc định hướng các giải pháp đầu tư cho hộ nghèo với mục đích cuối cùng là giúp họ vươn lên thoát nghèo nhanh và bền vững trong thời gian ngắn nhất. Mỗi hộ nghèo đều có nguyên nhân và hoàn cảnh khác nhau nên việc phân loại là vô cùng cần thiết, tránh được trường hợp “cào bằng” trong việc hỗ trợ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.