Huy động mọi nguồn lực
Phú Lương là một huyện miền núi, nằm ở phía Bắc của tỉnh Thái Nguyên, với 15 đơn vị hành chính (13 xã và 02 thị trấn) với 214 (xóm, tổ dân phố). Huyện có 27.347 hộ với 104.508 nhân khẩu; có 8 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống trên địa bàn, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 50% dân số toàn huyện.
Bà con các dân tộc trên địa bàn huyện đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, đời sống, vật chất, tinh thần của đại bộ phận người dân đã có sự cải thiện rõ rệt. Cùng với đó, hệ thống chính trị được củng cố, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn, UBND huyện Phú Lương đã xây dựng Kế hoạch số 379/KH-UBND, ngày 06/10/2022 của UBND huyện về thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn huyện Phú Lương; Kế hoạch số 566/KH-UBND, ngày 31/12/2021 về việc triển khai Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 23/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 trên địa bàn huyện Phú Lương;... Nguồn vốn được phân bổ năm 2021-2024 là 13.844 triệu đồng. Qua đó, giúp người dân ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất, góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững.
Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Ủy Ban nhân dân huyện Phú Lương cho biết, nhằm giúp đỡ, tạo việc làm, hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, huyện đã thực hiện các giải pháp như: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 với tổng kinh phí thực hiện hơn 4.500 triệu đồng. Trong đó, giao Phòng LĐTB&XH là đơn vị chủ trì thực hiện dự án.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp hiệu quả và phù hợp với thực tiễn, huyện Phú Lương đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, cùng với hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được tăng cường đầu tư, thủ tục hành chính ngày càng minh bạch. Đặc biệt, bà con các dân tộc đều tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các chính sách giảm nghèo đến với hộ nghèo, tạo động lực thúc đẩy xã hội tích cực lao động sản xuất, phấn đấu vượt qua đói nghèo, cải thiện cuộc sống của từng gia đình.
Bà Đỗ Thanh Bình, Phó Trưởng phòng LĐ - TB&XH huyện Phú Lương cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện gặp một số khó khăn nhất định trong thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững như: Dự án được phê duyệt vào thời điểm cuối năm, thời tiết chuyển mùa sang Đông gây bất lợi (bị bệnh, tăng trưởng phát triển chậm, nguồn thức ăn tự nhiên hạn chế…) cho con giống chuyển từ môi trường trang trại chăn nuôi tập trung sang hộ gia đình chăn nuôi theo mô hình kết hợp nuôi nhốt với chăn thả....
Theo bà Bình, hiện nay vẫn còn nhiều hộ gia đình chưa có kinh nghiệm nuôi, còn lúng túng trong việc chăm sóc và phòng bệnh nên trong quá trình chăm sóc còn để bị bệnh; việc thông tin trao đổi kinh nghiệm giữa các hộ chăn nuôi và Tổ sản xuất chưa thường xuyên. Còn một bộ phận hộ nghèo có tư tưởng trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng nên bản thân họ không có ý chí tự vươn lên thoát nghèo.
Vì vậy, công tác giảm nghèo chưa đạt kết quả cao như mong muốn. Thời gian tới, Phòng sẽ tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn để tham mưu cho UBND huyện triển khai công tác giảm nghèo, từ đó giúp người dân có cuộc sống dư giả và sung túc hơn.
Hạn chế tái nghèo
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, thời gian qua, huyện Phú Lương đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân tự vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, huyện đã chỉ đạo phòng LĐ-TB&XH phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, chính quyền cấp xã… hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu.
Nhiều hộ nghèo của huyện Phú Lương được vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất để vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống. |
Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương nhận định, huyện đã tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: Việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin. Song song với đó, huyện phấn đấu nâng cao chất lượng cuộc sống, hỗ trợ các địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao kéo dần khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền.
Đồng thời, chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nghèo. Qua đó, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững.
Việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại huyện Phú Lương đã có những ảnh hưởng tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm từ 5,39% cuối năm 2021 xuống còn 2,68% cuối năm 2023, bình quân mỗi năm giảm được 1,36% hộ nghèo. Các chính sách đã bước đầu đã tạo ra những chuyển biến căn bản để hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững cho các hộ nghèo đa chiều tại địa phương.