Có nghề, thêm việc làm, tăng thu nhập
Phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn dựa trên nhu cầu thực tế nhằm tạo việc làm bền vững, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân, gắn với công tác giảm nghèo bền vững là một trong những hướng đi trọng tâm được huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) đã và đang triển khai tích cực và thực hiện có hiệu quả.
Hằng năm, phòng, ban, chuyên môn được phân giao nhiệm vụ chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn và đơn vị đào tạo tổ chức đăng ký, khảo sát nhu cầu đào tạo và giới thiệu việc làm cho người dân trên địa bàn huyện; ban hành thông báo tuyển sinh niêm yết tại UBND các xã, thị trấn, nhà Văn hóa xóm.
Sau 4 năm triển khai chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, huyện đã tổ chức được 95 lớp với 2.942 người lao động, trong đó thu hút 1.245 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; 2.060 người dân tộc thiểu số tham gia đào tạo. Sau đào tạo có trên 80% học viên có việc làm cho thu nhập ổn định.
Các lớp dạy nghề ngắn hạn giúp người dân địa phương cải thiện cuộc sống. |
Bà Ma Thị Tuyến, trú tại xóm Cây Thị, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là xã Ôn Lương, tôi được tham gia lớp đào tạo nghề "Nuôi và phòng trị bệnh cho gà". Quá trình học, chúng tôi đã được cán bộ khuyến nông của xã cùng giáo viên tập huấn, hướng dẫn quy trình xây dựng và vệ sinh chuồng trại, kỹ thuật chọn con giống, chăm sóc và phòng trị một số bệnh thường gặp ở gà...
Bà Tuyến cho biết: Những kiến thức và kinh nghiệm được cán bộ, giáo viên chia sẻ, hướng dẫn thực hành trong quá trình học đã giúp việc chăn nuôi của gia đình bà có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt khi thời tiết thay đổi, dễ phát sinh mầm bệnh trên vật nuôi, bà đã áp dụng những kiến thức, kỹ năng được học để chủ động phòng, trị bệnh đạt hiệu quả tốt nhất. Cuối tháng 4, bà đã xuất bán đàn gà 500 con và đang thực hiện vệ sinh, khử khuẩn chuồng trại cho lứa gà tiếp theo.
Việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại huyện Phú Lương đã có những ảnh hưởng tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm từ 5,39% cuối năm 2021 xuống còn 2,68% cuối năm 2023, bình quân mỗi năm giảm được 1,36% hộ nghèo. Các chính sách đã bước đầu đã tạo ra những chuyển biến căn bản để hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững cho các hộ nghèo đa chiều tại địa phương.
Đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội
Việc đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội, tạo việc làm, cơ hội lập nghiệp, giúp ổn định đời sống người dân được xem là giải pháp quan trọng góp phần giảm nghèo bền vững. Người dân đã ý thức được việc học nghề để tìm kiếm việc làm, cập nhật kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất.
Chị Phan Thị Mai Thương, Chủ tịch Hội LHPN xã Ôn Lương (huyện Phú Bình), giảng viên lớp đào tạo nghề "Nuôi và phòng trị bệnh cho gà" nhấn mạnh: Việc khai giảng các lớp đào tạo nghề cho người dân lao động vùng nông thôn, miền núi giúp người dân nâng cao kiến thức, kỹ năng để tích cực, chủ động trong sản xuất đạt hiệu quả, chất lượng, an toàn là rất cần thiết. Việc đánh giá kỹ năng nghề được chú trọng, đảm bảo học viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo có khả năng thực hành nghề nghiệp.
Lớp đào tạo nghề do chị làm giảng viên có 35 học viên đều là lao động người dân tộc thiểu số. Lớp đào tạo trong 3 tháng và 80% là thời gian cho học viên thực hành. Ngoài trang bị những kiến thức cơ bản về quy trình nuôi, phòng và trị bệnh cho gà và ấp trứng gà, học viên được thực hành tại các mô hình của lớp học và của gia đình về kỹ thuật làm chuồng trại, chế độ dinh dưỡng, quy trình vệ sinh phòng bệnh cho đàn gà, nhận biết và chữa trị một số bệnh thường gặp trên đàn gà...
Bà Đỗ Thanh Bình, Phó Trưởng phòng LĐ - TB&XH huyện Phú Lương nhận định: Trong những năm qua để công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đúng với nhu cầu của người dân, các ngành nghề phù hợp với thế mạnh của địa phương, với quy hoạch phát triển sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới, huyện Phú Lương đã ban hành các văn bản hướng dẫn khảo sát dự báo nhu cầu học nghề và các nghề có nhu cầu đào tạo của lao động nông thôn.
Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đang từng bước được đổi mới. Phương pháp, hình thức dạy nghề chuyển dịch theo hướng lấy người học là trung tâm; tích hợp kiến thức, kỹ năng, tác phong làm việc chuyên nghiệp hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học.
Học viên lớp "Đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp" được giáo viên hướng dẫn thực hành. |
Đồng thời, huyện thường xuyên đổi mới chương trình giảng dạy, giáo trình đào tạo, chuẩn đầu ra; chương trình theo khung của giáo dục nghề nghiệp, giáo trình chung và chương trình chuyên ngành đào tạo theo yêu cầu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.