Nhiều kiến nghị chưa thật phù hợp với thực tế và chưa thể thực hiện được

GD&TĐ - PGS.TSKH Hồ Đắc Lộc - Hiệu trưởng Trường ĐH Hutech (TPHCM) đã khẳng định như vậy khi nói về kiến nghị “5 bỏ” của Hiệp hội các trường ĐH NCL.

Nhiều kiến nghị chưa thật phù hợp với thực tế và chưa thể thực hiện được

Trong bối cảnh hệ thống GDĐH còn khá nhiều bất cập về chất lượng đào tạo, hệ số tái đầu tư cho SV còn thấp. Đặc biệt là các trường NCL vẫn còn nặng về tính kinh tế trong chiến lược phát triển của mình. Việc đề xuất bỏ điểm sàn, bỏ thi theo khối có thật sự hợp lý không thưa ông?

PGS.TSKH Hồ Đắc Lộc

PGS.TSKH Hồ Đắc Lộc: Theo Luật Giáo dục Đại học và Nghị quyết T.Ư 8, việc tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học bắt buộc phải được thực hiện. 

Tuy nhiên, để có sự chuẩn bị chu đáo các phương án, đồng thời tuyên truyền để các em học sinh hiểu rõ khi tham gia thi tuyển, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ phương án trước mắt duy trì kỳ thi 3 chung (có thể có một số trường đã có phương án cụ thể thi riêng) cho đến năm 2017 như Dự thảo Quy định về Tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy giai đoạn 2014-2016. 

Như vậy, khi kỳ thi 3 chung còn tồn tại thì vẫn phải xác định Khối thi và Điểm sàn, vì đây chính là ngưỡng tối thiểu về năng lực để một học sinh tốt nghiệp PTTH có thể vào học chương trình bậc Đại học, Cao đẳng ở một chuyên ngành nhất định nào đó.

Kiến nghị bỏ cấm các trường không được sử dụng điểm thi của trường khác thật sự là một phương án phù hợp?

- Dự thảo “Quy định về Tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy giai đoạn 2014 - 2016” quy định việc các trường thi riêng, trong giai đoạn trước mắt có thể dùng kết quả thi 3 chung để xét tuyển cho đủ chỉ tiêu được giao là hợp lý. 

Vì như đã nói ở trên, các thí sinh có kết quả thi 3 chung trên điểm sàn có nghĩa là có đủ năng lực tối thiểu để tham gia học chương trình Đại học, Cao đẳng cùng khối ngành. 

Việc đề nghị cho phép sử dụng kết quả thi riêng của trường này để xét tuyển vào trường khác là không phù hợp, vì mục đích kỳ thi riêng là để xác định năng lực của thí sinh đáp ứng yêu cầu của trường tổ chức thi. 

Yêu cầu này đối với các trường là khác nhau vì vậy không hợp lý khi sử dụng kết quả thi riêng của trường này để xét tuyển vào trường khác.

Đề xuất gộp hai kỳ thi quốc gia thành một kỳ thi đã được bàn nhiều. Nhiều chuyên gia nhận định chưa phải lúc để thực hiện điều đó. Ông nghĩ sao khi chúng ta bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH để lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp (vốn được xem là kỳ thi kiểm tra chuẩn kiến thức) làm chuẩn? Việc kiến nghị gộp hai kỳ thi làm một ở thời điểm này đã thật sự phù hợp và chín mùi chưa?

- Mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi Đại học, Cao đẳng là hoàn toàn khác nhau. Vì vậy không thể gộp hai kỳ thi này làm một. 

Sau năm 2017, các trường sẽ có phương án tuyển sinh riêng, khi đó tùy thuộc từng trường trong phương án tuyển sinh của mình, có thể sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT như là một yếu tố trong việc xác định năng lực của thí sinh đáp ứng yêu cầu tuyển sinh của từng trường. 

Ở đây cũng xin nói thêm, là trước mắt khi việc phân luồng học sinh sau THCS chưa tốt, thì kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là rất cần thiết.

Việc Hiệp hội kiến nghị Bộ GD&ĐT cho các trường không cần phải nộp đề án tự chủ tuyển sinh bản thân ông nghĩ có phù hợp không. Chức năng và vai trò của Bộ GD là quản lý nhà nước, quản lý chung… giờ đề xuất bỏ việc nộp đề án tự chủ tuyển sinh ( năng lực của các trường) phải chăng là muốn gạt bỏ vai trò quản lý của Bộ GD? Hay là mong muốn dễ dãi hóa trong tuyển sinh của các trường để họ có nguồn tuyển? 

- Việc quy định các trường có nhu cầu thi riêng phải trình phương án tuyển sinh và thực hiện sau khi được Bộ GD&ĐT phê duyệt là hợp lý, hằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch, không tiêu cực, Phương án tuyển sinh phải được công bố công khai, rộng rãi để Cơ quan quản lý và xã hội giám sát quá trình thực hiện.

Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ