Tại vòng chung khảo cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ở Hà Nội diễn ra ngày 30/11, đề tài nghiên cứu "Tác động của việc sử dụng điện thoại thông minh đến sự biến đổi tương tác xã hội của học sinh THPT trên địa bàn thủ đô trong thời kỳ công nghệ 4.0" của hai học sinh Phùng Minh Ngọc và Bùi Đức Nam được nhiều người chú ý.
Phùng Minh Ngọc,Bùi Đức Nam cùng thầy giáo hướng dẫn Bùi Ngọc Đạo (giữa) bên gian trưng bày đề tài tại trường THPT chuyên Nguyễn Huệ sáng 30/11. Ảnh:Dương Tâm |
Đều là học sinh lớp 10 của trường THPT Xuân Phương, cả Ngọc và Nam đã quá quen với hình ảnh các bạn cầm điện thoại mỗi buổi ra chơi hay khi tan học. Với nhiều chức năng, điện thoại thông minh có thể bổ trợ rất nhiều cho học tập. Tuy nhiên, đa số lại dùng để giải trí. Ngọc cho biết bản thân từng dùng điện thoại một cách "vô lối", không quan tâm giờ giấc khiến cơ thể mệt mỏi. Vì vậy, em đã kết hợp với Đức Nam làm đề tài này.
Bắt đầu tìm hiểu từ tháng 8/2018, Ngọc và Nam lên danh sách câu hỏi đơn giản liên quan đến việc dùng điện thoại và lập một bản khảo sát đưa đến 3.750 học sinh. Kết quả thu được là tất cả người được khảo sát đều dùng, trong đó 3.154 học sinh đang sở hữu điện thoại thông minh. Hầu hết sử dụng với mục đích vào mạng xã hội, chơi game, xem phim hay nghe nhạc.
Về thời lượng, hơn 52% học sinh được hỏi cho biết dùng trên 5 tiếng mỗi ngày, hơn 22% dùng từ 3 đến 5 tiếng và 25% sử dụng dưới 3 tiếng. Khi được hỏi có thường xuyên mang điện thoại theo người không thì có tới trên 84% mang theo bất kể lúc nào. Điều này đồng nghĩa với việc điện thoại gần như là "vật bất ly thân" của rất nhiều học sinh.
Học sinh dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh:Dương Tâm |
Theo khảo sát của Ngọc và Nam, hơn 70% học sinh được hỏi từng sử dụng điện thoại trong giờ học. Trong khi học sinh THPT thường 4-5 tiết học một buổi, mỗi tiết kéo dài 45 phút, được nghỉ giải lao giữa giờ 5 đến 10 phút sau mỗi tiết. Ngoài dùng trong giờ học, thời điểm học sinh "ôm" điện thoại nhiều nhất là sau 22h bởi lúc này "bố mẹ quản lý lỏng lẻo hơn".
"Từ số liệu trên, chúng em có thể kết luận việc dùng điện thoại thông minh đang ảnh hưởng tới việc tập trung nghe giảng của nhiều học sinh. Khoa học cũng đã chứng minh việc thức khuya để xem điện thoại sẽ đặt ra nhiều nguy cơ về sức khỏe thể chất cũng như tinh thần. Điện thoại còn làm hạn chế giao tiếp trực tiếp, làm tốn tiền, khiến học sinh dễ bị lừa đảo", Ngọc nói.
Không chỉ khảo sát, Ngọc và Nam còn phỏng vấn sâu cả học sinh, phụ huynh và giáo viên. Nữ sinh chia sẻ dù đưa đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực, không thể phủ nhận ưu điểm từ việc sử dụng điện thoại thông minh như giúp liên hệ nhanh, thuận lợi với hình thức đa dạng, dễ mở rộng giao lưu kết bạn, hỗ trợ học tập...
Hai học sinh trường THPT Xuân Phương hy vọng mọi người có thể nâng cao nhận thức và khả năng quản lý của bản thân trong việc dùng điện thoại, biết tận dụng chức năng công nghệ để phục vụ học tập, nghiên cứu. Gia đình và nhà trường không nên cấm mà cần quản lý chặt chẽ hơn, đảm bảo nề nếp.