Sáp nhập trường học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Thời gian qua, việc thực hiện đề án sắp xếp mạng lưới trường, lớp học trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đạt được kết quả tích cực.

Sáp nhập trường học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Sau 2 năm thực hiện, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn đang từng bước tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Năm học 2016 - 2017, Trường Tiểu học xã Song Giang và Trường Trung học cơ sở xã Song Giang (huyện Văn Quan) được sáp nhập thành trường liên cấp với tên gọi là Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - Trung học cơ sở xã Song Giang. Đây là trường đầu tiên thực hiện việc sáp nhập trên địa bàn huyện Văn Quan.

Cô Lương Thị Oanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Song Giang là xã khó khăn, địa bàn rộng, dân cư ít. Việc sáp nhập trường đã góp phần tinh giản được biên chế (giảm 1 cán bộ quản lý); giáo viên không phải đi các điểm trường xa để dạy, trang thiết bị dạy học cũng tập trung và đầy đủ hơn.

Đầu năm 2017, Trường Tiểu học xã Văn An và Trường Trung học cơ sở xã Văn An (huyện Văn Quan) được sáp nhập thành 1 trường với tên gọi là Trường Tiểu học – Trung học cơ sở xã Văn An. Sau khi sáp nhập, nhà trường đã giảm 1 cán bộ quản lý, 2 giáo viên và 3 nhân viên hành chính. Thầy Lý Văn Luận, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Qua việc sáp nhập, nhà trường đã phát huy, sử dụng hiệu quả trang thiết bị dạy học để phục vụ giảng dạy chung, khai thác, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng trang thiết bị, đồ dùng dạy học hiện có, từ đó khắc phục tình trạng thừa, thiếu phòng học giữa các cấp học.

Ngoài ra, theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Quan, Lành Thị Huệ, đối với học sinh ở điểm trường lẻ khi dồn về điểm trường chính, các em cũng được hưởng lợi vì được học đầy đủ các môn học (điểm trường lẻ trước đây không có môn tiếng Anh), nhiều em được hưởng chế độ bán trú.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn Trần Quốc Tuấn khẳng định: Việc sắp xếp các đơn vị trường đảm bảo bộ máy trường học tại Lạng Sơn tinh gọn, hoạt động theo hướng chuyên nghiệp hơn mà vẫn đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh. Sau sáp nhập, ngành đã giải quyết đáng kể việc thiếu cán bộ, giáo viên, nhân viên bởi đã bố trí kịp thời số lượng cán bộ, giáo viên dôi dư đến trường khác công tác. Từ năm 2016 đến nay, ngành đã bố trí, chuyển công tác đối với 1.356 cán bộ, giáo viên, nhân viên dôi dư sau sáp nhập đến các trường khác cùng cấp học hoặc ở cấp học dưới.

Ông Trần Quốc Tuấn cho biết thêm: Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 38 cặp trường được sáp nhập thành trường liên cấp hoặc cùng cấp. Thời gian tới, ngành tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học. Tỉnh phấn đấu từ nay đến năm 2020 sáp nhập thêm 41 cặp trường. Việc sáp nhập không chạy theo số lượng mà tập trung đảm bảo chất lượng; tiếp tục bố trí đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đảm bảo đúng cơ cấu, định mức biên chế quy định theo từng cấp học sao cho phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng đơn vị, trường học. Sở cũng chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện yêu cầu các trường làm tốt công tác tư tưởng để cán bộ, giáo viên, nhân viên yên tâm công tác.

Theo Baotintuc.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.