Giúp giáo viên tự soi, tự sửa
- Chuẩn giáo viên mầm non theo Thông tư số 26/2018/TT-BGDĐT là căn cứ mới nhất để đánh giá giáo viên mầm non. Những nội dung trong chuẩn này có gì khác so với chuẩn theo quy định cũ, thưa ông?
- Thông tư số 26/2018/TT-BGDĐT (Thông tư 26) có nhiều điểm mới, khắc phục những nội dung không còn phù hợp với yêu cầu của thực tiễn tại Quyết định số 02/2008/QĐ-BGDĐT (Quyết định 02) ban hành quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, cụ thể như sau:
Về số lượng tiêu chí: Số lượng tiêu chuẩn, tiêu chí tại chuẩn mới đã được tinh giản hợp lý với 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí. Số lượng tiêu chuẩn, tiêu chí của Thông tư 26 có tính bao quát cao, khoa học và đánh giá khách quan so với 60 tiêu chí của chuẩn tại Quyết định 02.
Về nội dung tiêu chuẩn, tiêu chí: Cơ bản, nội dung tiêu chuẩn, tiêu chí trong Thông tư 26 kế thừa một số nội dung thuộc các lĩnh vực của chuẩn tại Quyết định 02, tuy nhiên có sự phân định các tiêu chuẩn rõ ràng, khoa học; có sự kết nối với yêu cầu đổi mới hoạt động nghề nghiệp trong giai đoạn hiện nay, thể hiện được tính bao trùm trong hoạt động nghề nghiệp đặc thù của giáo viên mầm non là nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trên tinh thần đó có bổ sung, điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp với bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay. Các tiêu chuẩn, tiêu chí được tiếp cận theo năng lực và đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục mầm non sửa đổi, bổ sung.
Về đánh giá giáo viên theo chuẩn: Các tiêu chuẩn này được xây dựng là thước đo đánh giá chất lượng của giáo viên mầm non. Thông qua kết quả tự đánh giá của giáo viên mầm non, tổ chuyên môn, cơ sở giáo dục mầm non, cơ quan quản lý giáo dục có thể nhận diện được chính xác phẩm chất, năng lực của giáo viên mầm non từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng bảo đảm đem lại hiệu quả cao nhất cho nhà trường.
Quy trình đánh giá: Trong Thông tư 26, mỗi giáo viên trong tổ chuyên môn được tham gia đánh giá đồng nghiệp bảo đảm tính khách quan, toàn diện. Chu kỳ tự đánh giá của giáo viên là mỗi năm một lần; chu kỳ cơ sở giáo dục đánh giá giáo viên là 2 năm một lần.
Thời gian này bảo đảm cho giáo viên mầm non tự soi, tự sửa và phấn đấu để đạt các mức chuẩn cao hơn trong nghề nghiệp. Kết quả đánh giá xếp loại dựa trên minh chứng (không tính theo điểm). Tiêu chí được mô tả theo từng mức đạt cụ thể: Đạt, khá, tốt và không đạt. Một điểm mới nữa là có nội dung riêng quy định về giáo viên mầm non cốt cán.
Không phải để đánh giá, thi đua
Cô trò Trường Mầm non Việt – Bun (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Nhung |
- Nhiều giáo viên cứ nghe đến “chuẩn” là thấy áp lực vì nghĩ đến đánh giá, xếp loại. Tâm lý này liệu có còn đúng với chuẩn mới?
- Đầu tiên phải khẳng định: Ban hành quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non là cần thiết và đúng với các yêu cầu của một lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp. Bởi mục đích ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non trước hết là làm căn cứ để giáo viên mầm non tự đánh giá phẩm chất, năng lực, từ đó xây dựng và thực hiện kế hoạch tự rèn luyện phẩm chất, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Chuẩn cũng làm căn cứ để cơ sở giáo dục mầm non xác định đúng thực trạng năng lực đội ngũ giáo viên mầm non qua việc áp dụng chuẩn và đánh giá theo chuẩn trong hoạt động chuyên môn và giáo dục; từ đó xây dựng và triển khai kế hoạch bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên đáp ứng mục tiêu giáo dục của nhà trường, địa phương và của ngành Giáo dục.
Đồng thời, chuẩn làm cơ sở để cơ quan quản lí Nhà nước nghiên cứu, xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách phát triển đội ngũ giáo viên mầm non; lựa chọn và sử dụng đội ngũ giáo viên cốt cán. Làm cơ sở để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non xây dựng, phát triển chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng phát triển phẩm chất, năng lực nghề nghiệp của giáo viên.
Có thể nói, mục đích chính của chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non là để mỗi giáo viên tự biết mình đang ở đâu, cần phấn đấu những điểm nào để hướng đến việc đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nghiệp trong những bối cảnh cụ thể. Hay nói cách khác chuẩn nghề nghiệp là thước đo mức năng lực nghề nghiệp và sự tiến bộ nghề nghiệp của giáo viên mầm non.
Hỗ trợ giáo viên phát triển, tu dưỡng đạo đức
- Hiện nay, khi hiện tượng giáo viên bạo hành trẻ đâu đó vẫn diễn ra thì việc quy định về đạo đức và phong cách nhà giáo trong một văn bản quy phạm pháp luật là vô cùng cần thiết. Nội dung này được quy định thế nào trong chuẩn. Bên cạnh đó, ông có thể cho biết có cách nào để hỗ trợ giáo viên mầm non tự nhận diện, đánh giá mức độ đạt được các yêu cầu về đạo đức nhà giáo để có kế hoạch tự bồi dưỡng, phát triển, tu dưỡng đạo đức?
Về tổng thể, chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non được hiểu là hệ thống các yêu cầu năng lực thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em của giáo viên mầm non phù hợp với mục tiêu chương trình giáo dục mầm non và phát triển nghề nghiệp của giáo viên mầm non. Chuẩn được xây dựng theo tiếp cận mô tả năng lực thực hiện (cụ thể) của người giáo viên trong từng lĩnh vực hoạt động chức năng, theo từng giai đoạn phát triển nghề nghiệp của giáo viên (mới vào nghề, thành thạo nghề, có uy tín trong nghề, lãnh đạo chuyên môn - cốt cán). Các tiêu chuẩn, tiêu chí và minh chứng thực hiện của GVMN được xác lập theo khung năng lực thực hiện các hoạt động nghiệp vụ chuyên môn của người giáo viên trong từng bối cảnh, lĩnh vực cụ thể của thực tế dạy học và giáo dục trong nhà trường; số lượng các tiêu chuẩn, tiêu chí được tính toán hợp lí, kèm theo mô tả chi tiết, cụ thể theo các mức năng lực.
- Đạo đức nhà giáo trong chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non được hiểu là những yêu cầu về tính cách, giá trị, trách nhiệm, lương tâm và niềm tin của người giáo viên được rèn luyện, bộc lộ và phát triển trong quá trình hoạt động nghề nghiệp của mình. Đạo đức nhà giáo bao hàm những yếu tố mang tính cá nhân, nhân cách của nhà giáo được thể hiện trong việc tuân thủ các qui định, rèn luyện về đạo đức theo yêu cầu của ngành, qui định của nhà trường, chia sẻ, hỗ trợ đồng nghiệp trong rèn luyện đạo đức.
Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non qui định mỗi giáo viên cần tu dưỡng, rèn luyện và giữ gìn đạo đức nhà giáo, thể hiện trong các hoạt động chuyên môn và chăm sóc, giáo dục phát triển toàn diện cho trẻ mầm non. Đạo đức nhà giáo được thể hiện theo 3 mức thực hiện như sau:
Mức đạt: Thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo. Mức khá: Có ý thức tự học, tự rèn luyện và phấn đấu nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo. Mức tốt: Là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo; chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đồng nghiệp trong rèn luyện đạo đức nhà giáo.
Để hỗ trợ giáo viên mầm non tự nhận diện, đánh giá mức độ đạt được các yêu cầu về đạo đức nhà giáo, có kế hoạch tự bồi dưỡng, phát triển, tu dưỡng đạo đức nhà giáo, Công văn hướng dẫn thực hiện Thông tư 26 đã đưa ra một số gợi ý về minh chứng ghi nhận sự tiến bộ, thành tích của giáo viên, về tinh thần phấn đấu tự học, tự rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo, tính mẫu mực, nêu gương về đạo đức trong tập thể sư phạm.
- Vai trò và nhiệm vụ của giáo viên mầm non được yêu cầu và nhấn mạnh như thế nào trong Thông tư số 26, thưa ông?
- Trọng tâm của chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non là các tiêu chuẩn, tiêu chí và quy định đánh giá, tất cả đều tác động tới đối tượng là giáo viên mầm non. Do đó, giáo viên mầm non cần hiểu thật kỹ, thật thấu đáo các tiêu chuẩn, tiêu chí, quy định về đánh giá để tự đánh giá mình chính xác, khách quan.
Giáo viên mầm non tự soi mình, tự đánh giá theo các mức độ được mô tả của từng tiêu chí, tiêu chuẩn và tự trả lời xem mình ở đâu? Minh chứng nào xác nhận mình ở mức độ đó? Từ đó có định hướng phấn đấu mức độ đạt chuẩn của mình và xây dựng kế hoạch để phấn đấu. Trong kế hoạch này, cần thiết phải đưa ra được những biện pháp để thực hiện kế hoạch. Giáo viên mầm non có 2 năm để thực hiện kế hoạch trước khi được nhà trường đánh giá.
- Còn việc nâng cao phẩm chất, năng lực giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn nghề nghiệp sẽ được thực hiện như thế nào?
- Đối với giáo viên mầm non có kết quả tự đánh giá được xếp loại đánh giá chưa đạt chuẩn nghề nghiệp thì hiệu trưởng trường mầm non cần xác định nguyên nhân giáo viên chưa đạt chuẩn nghề nghiệp để từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện để giáo viên phấn đấu, hoàn thiện… để đến chu kỳ nhà trường đánh giá giáo viên có thể đạt chuẩn nghề nghiệp.
- Xin cảm ơn ông!