Đôi điều suy ngẫm về cách GD đạo đức cho học sinh hiện nay

GD&TĐ - Tuy nhiên, vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh trong giai đoạn hiện nay có nhiều điều cần phải suy ngẫm. 

Đôi điều suy ngẫm về cách GD đạo đức cho học sinh hiện nay

Ở bài viết này, chúng tôi không có ý định trao đổi lại những giải pháp, nhiệm vụ đã "mặc định" trong các tài liệu, trong các bài giảng qua các đợt tập huấn nhằm "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống.." cho học sinh mà muốn tiếp cận nội dung này qua một số suy ngẫm rút ra từ thực tiễn dạy học của mình. 

Chúng ta nên làm gì để giáo dục đạo đức học sinh một cách hiệu quả?

Với những gì được trải nghiệm, được học hỏi của hơn 10 năm đứng trên bục giảng và với tư cách một giáo viên, tôi nhận thấy chúng ta cần:

Một là, chúng ta phải là những người thầy thực sự chứ không phải chỉ là thợ dạy, phải “hơn cả một người thầy”. Lâu nay, một số giáo viên quên trao tình yêu thương cho các em. Chúng ta chỉ biết đánh giá học sinh bằng óc phân tích, phán đoán, bằng hằng hà sa số những lý do nghe có vẻ rất logic nhưng lại quên chia sẻ, thấu hiểu học sinh bằng đôi bàn tay, đôi mắt và tâm hồn của mình. Khi chúng ta yêu thương học sinh thực lòng thì hạt mầm yêu thương cũng sẽ nảy nở trong các em. Từ hạt giống yêu thương, chúng ta lan toả, khơi dậy những hạt giống tâm hồn khác như: lòng biết ơn, vị tha, tinh thần trách nhiệm, dũng cảm, nhân ái, bao dung,…

Hai là, chúng ta hãy gần hơn, gần hơn nữa với các em để hiểu được đằng sau những ánh mắt, nụ cười, hành động đó là tâm trạng, suy nghĩ, cảm xúc gì. Bởi lứa tuổi học sinh THPT là lứa tuổi bắt đầu có nhiều thay đổi từ tâm lý trẻ con sang tâm lý người lớn, luôn mong muốn đuợc khẳng định cái tôi, luôn nhạy cảm và khá bồng bột. Bởi vậy, người giáo viên cũng phải tế nhị, khôn khéo để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của học sinh. Có ai đó từng nói: “Ai yêu thì người ấy hiểu”.

Ta hiểu học sinh, mở cánh cửa trái tim học sinh để cảm hoá, chia sẻ, đồng cảm từ đó giải thích, phân tích, giáo dục các em. Thực tế khi chúng ta hiểu học sinh, chúng ta được lắng nghe tâm sự của các em về những mối quan hệ xung quanh, chúng ta sẽ thêm nhiều trải nghiệm quý báu đối với nghề dạy học và cuộc đời.

Ba là, chúng ta đẩy mạnh việc giáo dục bằng nêu gương. Đây là cách giáo dục đạo đức học sinh trực tiếp và hiệu quả nhất. Bác Hồ từng khẳng định: “Người Việt Nam vốn giàu tình cảm và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”; "Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức. Ví như bảo học trò phải dậy sớm mà giáo viên thì trưa mới dậy.

Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu". Bởi thế, chúng ta luôn nêu cao tinh thần của cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học, sáng tạo” để mỗi một giáo viên thực sự là tấm gương sáng cho học trò noi theo trong mỗi hành động, lời nói, cử chỉ, việc làm. Từ đó, học sinh luôn:“Trọng thầy vì đạo đức của thầy", "Phục thầy vì kiến thức của thầy", "Quý mến thầy vì lòng độ lượng của thầy”.

Bốn là, chúng ta thay đổi cách thức lên lớp bằng cách đa dạng hoá các hoạt động dạy học và chủ nhiệm. Đối với mỗi giờ dạy, giáo viên càng tạo được nhiều hoạt động sinh động, thú vị và khơi dậy được sự hứng thú, yêu thích môn học ở các em càng nhiều càng có khả năng giáo dục lớn. Bởi vì thông qua tổ chức các hoạt động, chúng ta sẽ dạy cho học sinh về tư duy sáng tạo, về cách tổ chức, tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật,…

Đồng thời, cùng với những đơn vị kiến thức cụ thể chúng ta lồng ghép, liên hệ đến những bài học về nhân sinh, cuộc sống. Đối với những giờ sinh hoạt lớp, chúng ta hãy thay đổi cách thức, thêm vào những hoạt động như tổng két, đánh giá các hoạt động trong tuần và triển khai kế hoạch của tuần tới, ta cho học sinh thực hiện các chủ đề theo tuần. Ví dụ: “Mưa điều ước”, học sinh viết lên giấy nhớ những điều mình mong ước về thầy cô, bố mẹ và bản thân hay “Điều bạn thích trong tôi”, học sinh viết những điều tốt đẹp nhất của bạn mình vào tờ giấy ghi tên sẵn, sau đó chuyền tay nhau,…

Tất cả những sản phẩm này sẽ đuợc trang trí trong lớp học một cách ngộ nghĩnh, đáng yêu. Hoặc là cho học sinh kể chuyện về những nhân vật lịch sử, những câu chuyện hay và cảm động mà các em đã đọc và trải qua, cho học sinh diễn một vở kịch nhỏ hoặc đọc bài giới thiệu một quyển sách bất kỳ cho lớp, tổ chức sinh nhật cho các bạn trong tuần,.... giờ sinh hoạt sẽ biến thành giờ hoạt động tập thể vô cùng sinh động, hấp dẫn. Còn đối với các cuộc họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm có thể cho học sinh chuẩn bị trước những bức thư gửi cho bố mẹ, mời bố mẹ giao lưu với các em trong buổi họp ấy,… Cứ như thế, chúng ta giáo dục đạo đức cho học sinh một cách tự nhiên, thấm thía và sâu sắc.

Năm là, bên cạnh những yếu tố trên đây, trong giáo dục đạo đức cho học sinh chúng ta phải luôn coi trọng và bảo đảm kết hợp giáo dục tốt giữa "Gia đình, nhà trường và xã hội". Trong đó, gia đình giữ vai trò nền tảng; nhà trường là nơi cùng dìu dắt, định hướng; xã hội là môi trường để học sinh rèn luyện, trải nghiệm. Ba yếu tố này tương quan chặt chẽ, đồng bộ, hài hoà, thống nhất với nhau tạo thành một không gian tâm- sinh lý- đạo đức- văn hoá tác động đến sự hình thành nhân cách, phát triển phẩm chất đạo đức năng lực của mỗi học sinh.

Trên đây, chỉ là một vài suy ngẫm mong được gợi mở, nghiên cứu tiếp để chúng ta tìm ra những giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn trong quá trình giáo dục đạo đức học sinh. Bác Hồ đã dạy: “Dạy cũng như học, phải chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc quan trọng. Nếu thiếu đạo đức, con người sẽ không phải là con người bình thường và cuộc sống xã hội sẽ không phải là cuộc sống xã hội bình thường, ổn định”…Giáo dục đạo đức học sinh là trách nhiệm của toàn xã hội trong đó vai trò, sứ mệnh người thầy có ảnh hưởng vô cùng quan trọng. Chúng ta – những nhà giáo đang trực tiếp nhặt “những con sao biển” hãy trân quý sứ mệnh này để gieo nhiều hạt giống “chân- thiện- mỹ” nở hoa trong mỗi tâm hồn học sinh và góp phần xây dựng một xã hội, một đất nước tốt đẹp hơn, văn minh hơn./.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.