Bà Nguyễn Thị Kim Phụng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Bá Hải. |
Những nhiệm vụ và giải pháp này được Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng trình bày tại hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm sáng nay (11/8). Dự thảo báo cáo sẽ được các đại biểu góp ý trong Hội nghị.
9 nhiệm vụ trọng tâm
Năm học 2017 - 2018, những nhiệm vụ quan trọng đối với giáo dục ĐH được đặt ra là: Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GDĐH và đào tạo giáo viên; Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý; Phân luồng và định hướng nghề nghiệp; Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh;
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục; Đẩy mạnh thực hiện tự chủ ĐH; Hội nhập quốc tế trong GD&ĐT; Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động đào tạo và NCKH; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong nhiệm vụ đầu tiên - rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GDĐH và đào tạo giáo viên - sẽ hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH và đào tạo giáo viên trên cơ sở sử dụng các công cụ quản lý nhà nước như: chuẩn, quy chuẩn đối với cơ sở GDĐH; công khai, minh bạch thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả đầu ra, kiểm định chất lượng giáo dục và quy chuẩn đảm bảo chất lượng ...
Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và CBQL, Bộ GD&ĐT đặt ra nhiệm vụ hoàn thành việc xây dựng chuẩn giảng viên và CBQL làm căn cứ xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng có hiệu quả đáp ứng yêu cầu đào tạo chất lượng cao và quản lý cơ sở đào tạo hiệu quả trong điều kiện tự chủ ĐH và hội nhập quốc tế.
Với nhiệm vụ đẩy mạnh thực hiện tự chủ ĐH, sẽ hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định về tự chủ ĐH; hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ ban hành nghị định quy định cơ chế tự chủ của cơ sở GDĐH công lập; ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nghị định tự chủ đối với các trường ngoài công lập;
Sửa đổi, bổ sung Điều lệ trường ĐH và Qui chế ĐH vùng. Cùng với đó, kiện toàn các điều kiện thực hiện tự chủ ĐH; hoàn thiện các chuẩn đối với GDĐH; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH và đào tạo giáo viên; ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 73 của Chính phủ về phân tầng, xếp hạng các trường ĐH...
Các nhóm giải pháp chủ yếu
Thứ nhất: hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giáo dục đại học và cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục ĐH; hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ thông qua Quy hoạch mạng lưới cơ các cơ sở GDĐH và đào tạo giáo viên đến 2025, tầm nhìn 2030, Nghị định quy định tự chủ ĐH; rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực GDĐH; đánh giá kết quả thí điểm thực hiện tự chủ ĐH; tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý...
Thứ 2: nâng cao năng lực giảng viên và cán bộ quản lý GDĐH. Cụ thể, đổi mới cơ chế tài trợ nghiên cứu cho GDĐH; công khai, minh bạch các công trình đã công bố, các hướng nghiên cứu đang thực hiện của giảng viên; tổ chức bồi dưỡng kiến thức quản trị ĐH cho đội ngũ lãnh đạo và quản lý các nhà trường trên nền thực hiện tự chủ ĐH. Có kế hoạch bồi dưỡng tạo nguồn giảng viên để gửi đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài, nâng dần chuẩn giảng viên có trình độ tiến sĩ trong toàn hệ thống...
Thứ 3: Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GDĐH. Cụ thể: Triển khai thực hiện nghiêm túc Luật ngân sách nhà nước năm 2015, Luật đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản; cơ cấu lại chi NSNN theo hướng hiệu quả, bố trí hợp lý cho chi đầu tư nâng cao chất lượng GD&ĐT; tăng cường hiệu quả, đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho phát triển GD&ĐT; nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công; hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách; tổ chức quản lý và khai thác có hiệu quả các nguồn đầu tư...
Thứ 4: Kiểm định chất lượng GDĐH. Với giải pháp này, giáo dục ĐH sẽ đẩy mạnh kiểm định chất lượng các cơ sở đào tạo, các chương trình đào tạo, chú trọng kiểm định theo các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế, tăng cường công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản về đảm bảo và KĐCLGD. Xây dựng và từng bước triển khai phần mềm quản lý hệ thống đảm bảo và KĐCLGD đại học. Tăng cường năng lực cho các cán bộ và các đơn vị chuyên trách làm công tác đảm bảo chất lượng ở các cơ sở đào tạo...
Thứ 5: Đẩy mạnh công tác truyền thông về GDĐH. Trong đó, tăng cường truyền thông về tự chủ ĐH và trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH; triển khai nghiên cứu, tổ chức các hội thảo, sự kiện, phổ biến kết quả nghiên cứu về tự chủ ĐH và trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH; tôn vinh những kết quả đạt được nhờ thực hiện tự chủ... Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông để nắm bắt thông tin, dư luận xã hội về hoạt đông chung của ngành....
Năm học 2016-2017 là năm thứ tư toàn ngành thực hiện đổi mới GD&ĐT tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 và đã đạt được những kết quả nhất định về nhiều mặt hoạt động.
Tự chủ ĐH được tăng cường, thí điểm thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 77 của Chính phủ đã thể hiện sự thành công; chất lượng đào tạo được cải thiện, tỉ lệ sinh viên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp gia tăng, gắn kết giữa đào tạo và thị trường lao động đã từng bước được cải thiện;
Công tác NCKH, kinh nghiệm kết hợp giữa NCKH và đào tạo sau ĐH thông qua các nhóm giảng dạy - nghiên cứu ở một số trường đã được nhân rộng; hợp tác quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả; nhiều chương trình đào tạo và cơ sở GDĐH đã được kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế;
Công tác quản lý nhà nước về GDĐH được đổi mới mạnh mẽ cùng với ứng dụng triệt để CNTT, tăng cường công tác thanh kiểm tra giúp cho hoạt động giáo dục đào tạo đi vào nề nếp, kỷ cương.
Xây dựng chương trình hành động thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục đại học
9 nhóm nhiệm vụ và triển khai 5 giải pháp trong tậm đã tạo điều kiện thuận lợi giúp các trường xây dựng kế hoạch năm học. |
Đánh giá cao kết quả kết quả thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong năm học 2016-2017, PGS.TS Nguyễn Quang Linh – Giám đốc ĐH Huế chia sẻ: Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2017-2018 các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạmlà cơ hội tốt để các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm trên địa bàn miền Trung, cũng như trong cả nước nhìn nhận lại việc triển khai thực hiện 9 nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp năm học 2016-2017, trong đó vấn đề tập trung, quan trọng nhất là nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Hội nghị cũng là dịp để các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm trao đổi, rút kinh nghiệm trong đào tạo, tuyển sinh.
PGS.TS Nguyễn Quang Linh – Giám đốc ĐH Huế cho hay: Trong kết luận của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về 9 nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp năm học 2016-2017 là nhắm đến mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đại học, chính vì thế ĐH Huế đã nhanh chóng triển khai những nhiệm vụ, giải pháp đó nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, ĐH Huế đã thực hiện đồng bộ 4 yếu tố: Quan tâm đào tạo, bồi dường trình độ chuyên môn cho đội ngũ giảng viên, tạo điều kiện để đội ngũ giảng viên tiếp cận với kiến thức, phương pháp giảng dạy của các nước có trình độ giáo dục tiên tiến, phát triển đội ngũ giảng viên trẻ, xây dựng đội ngũ giảng viên kế cận; Nâng cao chất lượng tuyển sinh, xét tuyển sinh viên, minh chứng cho kết quả này là trong kỳ tuyển sinh năm học 2017-2018, ĐH Huế đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu 104% so với chỉ tiêu Bộ GD&Đ& quy định; Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; Rà soát chương trình đào tạo, lấy chuẩn đầu ra của sinh viên (trong đó chú trọng kỹ năng nghề nghiệp, kỹ thuật công nghệ, khoa học xã hội, tiếp cận thị trường lao động) làm thước đo chất lượng đào tạo.
Đánh giá cao những kết quả, nỗ lực của các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm trong việc thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ và triển khai 5 giải pháp trong tậm năm học 2016-2017, TS. Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân nhìn nhận: Chỉ thị kết luận của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về 9 nhóm nhiệm vụ và triển khai 5 giải pháp trong tậm năm học 2016-2017 đã rất sát với tiến độ, kế hoạch của các trường trong năm học. Trên cơ sở đó, Trường ĐH Duy Tân đã xây dựng chương trình hoạt động của năm học, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của nhà trường.
Từ đó, thực hiện nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đưa giảng viên đi đào tạo ở nước ngoài; xây dựng các chính sách tạo động lực cho đội ngũ giảng viên trong thực hiện công trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học, công tác quản lý của nhà trường. Mở rộng quan hệ hợp hợp tác quốc tế với các trường đại học có uy tín trên thế giới, nhất là các trường đại học uy tín của Hoa Kỳ; thực hiện chuyển giao chương trình đào tạo, hệ thống giáo trình, trao đổi giảng viên và đào tạo đội ngũ giảng viên.
“Xác đinh nâng cao chất lượng đào tạo, gắn với giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Trường ĐH Duy Tân. Chính vì vậy, giải quyết đầu ra cho sinh viên, nhà trường không ngừng nâng cao mối quan hệ với doanh nghiệp, tập đoàn phù hợp với các ngành nghề, đào tạo của nhà trường; làm việc, trao đổi với các cơ quan quản lý nhà nước về dự báo, kế hoạch sử dụng nguồn nhân lực.
Những kết quả trong việc thực nhiệm vụ, giải pháp của năm học 2016-2017 đã tiếp tục góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Trường ĐH Duy Tân. Nhà trường tiếp tục được xếp trong tốp 4 trường đại học có công trình nghiên cứu khoa học của Việt Nam; nhiều sinh viên đạt giải thưởng quốc tế và có gần 85% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp”, TS. Võ Thanh Hải cho biết thêm.
Chất lượng đội ngũ giảng viên là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục đại học
PGS.TS Nguyễn Quang Linh – Giám đốc ĐH Huế thẳng thắn góp ý giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học. |
Đánh giá cao kết quả kết quả thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong năm học 2016-2017, cũng như 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp trọng tậm năm học 2017-2018, PGS.TS Nguyễn Quang Linh – Giám đốc ĐH Huế thẳng thắn góp ý giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học. PGS.TS Nguyễn Quang Linh nhìn nhận: Chất lượng, số lượng giảng viên là yếu tố sống còn, quyết định chất lượng giáo dục đại học của các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm. Chính vì vậy, cần có những giải pháp, chính sách để phát triển, nâng cao chất lượng, phát triển đội ngũ giảng viên một cách căn cơ.
Để phát triển đội ngũ giảng viên, PGS.TS Nguyễn Quang Linh cho rằng: Trước đây, nguồn giảng viên được lấy từ sinh viên có kết quả tốt nghiệp xuất sắc để bòi dưỡng, phát triển thành đội ngũ giảng viên và tuyển dụng, thu hút đội ngũ giảng viên tốt nghiệp, công tác ở nước ngoài, hay những người từ các cơ sở có năng lực giảng dạy, có năng khiếu về sư phạm, có chuyên môn nghề nghiệp tốt. Tuy nhiên, những năm gần đây, chúng ta không được phép tạo nguồn, dự nguồn, chính vì vậy chúng ta cần có cách nào đó để thực hiện tạo nguồn, dự nguồn cho đội ngũ giảng viên. Nếu không thực hiện dự nguồn sớm thì các sinh viên xuất sắc sẽ tham gia vào các cơ sở khác, gây lãng phí nguồn trong thu hút, tuyển dụng nguồn giảng viên trẻ. Điều này vừa gây khó khăn cho các trường đại học, cho nên ngành GD&ĐT cần nghiên cứu, xem xét có nên tạo nguồn giảng viên bằng hình thức này nữa không? Hiện nay, theo quy định giảng viên quá tuổi không được làm công tác quản lý chuyên môn, tuy nhiên, cần có chính sách để vẫn thu hút được lực lượng tham gia hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Theo quan điểm của tôi đây là lực lượng có trình độ chuyên môn tốt, giàu kinh nghiệm trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
PGS.TS Nguyễn Quang Linh nhấn mạnh: Để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên thì cần có nguồn ngân sách của nhà nước trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Cùng với đó, các trường đại học cần thực hiện liên kết, phối hợp với chính quyền các địa phương, doanh nghiệp để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Giảng viên cần nâng cao chất lượng giảng dạy, nhất là đội ngũ giảng viên trẻ. Các trường tăng nguồn kinh phí hỗ trợ giảng viên thực hiện nghiên cứu khoa học. Các cơ sở giáo dục đại học cần có quỹ đầu tư cho nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho giảng viên vùa giảng dạy, vừa thực hiện nghiên cứu khoa học một cách hiệu quả, chất lượng, với tỷ trọng giữa giảng dạy và nghiên cứu một cách cân đối. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần tiếp cận, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên; giảng viên khi tham gia giảng dạy phải có năng lực nghề nghiệp, trình độ chuyên môn vững vàng…nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cũng như nâng cao năng lực nghề nghiệp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.