Nhật Bản triển khai môn học mới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mùa xuân năm 2022, sách giáo khoa môn học mới - “Lịch sử đại cương” đã xuất hiện tại các trường trung học phổ thông Nhật Bản.

Nhật Bản triển khai môn học mới

Môn học mới dự định nghiên cứu toàn diện về lịch sử Nhật Bản và lịch sử thế giới từ thế kỷ XVIII đến nay nhằm phát triển khả năng giải quyết các vấn đề đương đại.

“Lịch sử đại cương” là gì?

Tháng 4/2022, học sinh các lớp cuối THPT bắt đầu học theo phương pháp mới. Sách Hướng dẫn phương pháp mới đã đề ra các mục tiêu của quá trình dạy học như sau - “tiếp thu những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho cuộc sống và lao động”, “phát triển năng lực tư duy, đưa ra những nhận định và diễn đạt bằng lời nhằm bảo đảm khả năng hành động trong tình huống mới”, “bồi dưỡng lòng khát khao học tập và sử dụng kiến thức thu được trong cuộc sống của mình và vì lợi ích của xã hội”.

Những mục tiêu này nâng cao tầm quan trọng của các phương pháp dạy học: Để tiếp thu được những kiến thức sâu rộng trên các tiết học, cần tạo điều kiện cho học sinh tự học và đối thoại. Để đa dạng hóa việc đánh giá kiến thức ở các lớp cuối cấp, người ta áp dụng ba thông số đánh giá - “kiến thức và kỹ năng”, “đưa ra những nhận định và diễn đạt bằng lời” và “tự học”.

Trong khuôn khổ cải cách giáo dục, ở các lớp cuối THPT, đã xuất hiện các môn học bắt buộc “Lịch sử đại cương” và “Địa lý đại cương”. Lịch sử đại cương nghiên cứu khái quát lịch sử thế giới và lịch sử Nhật Bản bắt đầu từ thế kỷ XVIII. Môn “Lịch sử đại cương” có ba chủ đề chính - “Hiện đại hóa”, “Thay đổi trật tự thế giới và hình thành ý thức tập thể” và “Toàn cầu hóa”.

Các chủ đề này được sử dụng để nghiên cứu quá trình hình thành và giải quyết các vấn đề hiện nay như sinh thái và tài nguyên, nghèo đói, xung đột, giới tính… “Lịch sử đại cương” nhằm bồi dưỡng một thế hệ có khả năng nhận thức và giải quyết các nhiệm vụ hiện nay, xuất hiện trong điều kiện toàn cầu hóa.

Các phương pháp dạy học mới

Phương pháp nghiên cứu môn học khác hẳn so với việc tìm hiểu thông thường các sự kiện lịch sử theo trình tự thời gian. Sách Hướng dẫn phương pháp nhấn mạnh việc “nhận thức mối liên hệ nhân - quả có tính đến các giai đoạn lịch sử và động lực phát triển”, tư duy có tính đến “một số quan điểm và ý kiến”, cũng như “hiểu biết những kiến thức thu được”.

Ví dụ, khi học chủ đề “Hiện đại hóa”, học sinh đặt ra các câu hỏi để tự học. Phương pháp này khuyến khích phong cách học tập tích cực. Trên các tiết học, cần tạo điều kiện để học sinh tự nghiên cứu các câu hỏi được đặt ra. Ví dụ, khi nghiên cứu chủ đề “Hiện đại hóa”, học sinh xem xét cả những vấn đề mang tính thời sự và liên quan chặt chẽ đến sinh thái học. Đồng thời sử dụng thêm những tài liệu bàn về các quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Việc cải cách phương pháp dạy học đã gây ra nhiều thắc mắc, nghi vấn cho giáo viên, nhưng cũng có những phản hồi tích cực. Cho đến nay, môn Lịch sử không được học sinh cuối cấp yêu thích do lượng thông tin cần ghi nhớ rất lớn. Các nhà khoa học và giáo viên đang làm việc cùng nhau để thực hiện cải cách dạy học lịch sử trong các trường phổ thông Nhật Bản, nhiều sách tham khảo khác nhau được xuất bản, nhiều tài liệu phục vụ bài học được công bố trên trang web đặc biệt.

Bộ Giáo dục đã tiến hành các biện pháp cung cấp thông tin về phương pháp dạy học “Lịch sử đại cương” cho giáo viên ở các địa phương, còn các cán bộ giáo dục địa phương tổ chức thực tập về phương pháp biên soạn và sử dụng tài liệu học tập để học sinh đặt câu hỏi tự học.

Dạy học tích cực

Sách hướng dẫn phương pháp cho trường trung học phổ thông được cập nhật riêng cho từng lớp, vì vậy tháng 4/2022, lớp 10 bắt đầu học môn mới “Lịch sử đại cương”, còn lớp 11, 12 vẫn tiếp tục học theo chương trình trình cũ. Ở nhiều trường phổ thông, việc giảng dạy môn “Lịch sử đại cương” được thực hiện bởi những giáo viên tích cực tham gia chuẩn bị môn học mới và các giáo viên trẻ, còn những giáo viên có kinh nghiệm vẫn dạy hai lớp cuối cấp theo chương trình cũ.

Giáo viên sử dụng phương pháp thử và sai để tổ chức các tiết học, nơi các nhóm học sinh đọc tài liệu được phát và hiểu sâu hơn nội dung của chúng trong quá trình thảo luận. Ví dụ, khi học về cuộc cách mạng công nghiệp, học sinh được phát tài liệu minh họa mô tả những người phụ nữ làm việc trong nhà máy và trẻ em làm việc trong hầm mỏ. Trong các nhóm, học sinh trao đổi ý kiến: Tại sao phụ nữ và trẻ em làm việc, tại sao trẻ em không đi học, còn nam giới làm gì. Sau đó, với sự trợ giúp của các tài liệu bổ sung, học sinh thảo luận khái niệm “công nghiệp hóa” và những thay đổi đang diễn ra trong xã hội, đồng thời hiểu sâu hơn chủ đề.

Giáo viên quan sát quá trình làm việc theo nhóm, khuyến khích học sinh tự do suy nghĩ, và góp ý sửa chữa. Mỗi chủ đề trong sách giáo khoa đều kèm theo danh mục câu hỏi và danh mục tài liệu tham khảo hữu ích - tư liệu lịch sử, bản đồ, minh họa, số liệu thống kê. Một số sách giáo khoa không còn tô đậm thông tin quan trọng, và thay vì chú thích dưới các minh họa, người ta ghi danh sách các mục để học sinh tự học.

Căn cứ vào phản hồi của giáo viên, việc sử dụng sách giáo khoa mới và trang web tài liệu dạy học giúp chuyển sang phương pháp dạy học mới khá thành công. Ngoài ra, học sinh trung học phổ thông hiện nay đã quen làm việc theo nhóm và thảo luận tài liệu ở các giai đoạn học tập trước, do đó, các em không mấy thích thú hình thức giảng bài.

Tuy nhiên, khi thảo luận các tài liệu lịch sử, nếu giáo viên đưa ra câu trả lời chính xác, học sinh không tích cực tham gia thảo luận nữa, vì các em cho rằng chỉ cần ghi ý kiến của giáo viên ở cuối bài học là đủ. Điều này gây khó khăn trong việc tổ chức quá trình dạy học. Tuy nhiên, trong các giờ học Lịch sử đại cương, đa số học sinh tích cực và thích thú tham gia vào việc nghiên cứu và thảo luận bài học.

Năm tới, môn học bắt buộc “Lịch sử đại cương”, cũng như các môn học tự chọn - “Lịch sử Nhật Bản” và “Lịch sử thế giới”, sẽ được giảng dạy không những ở lớp 10 mà cả lớp 11, vì vậy số lượng giáo viên giảng dạy theo phương pháp mới sẽ tăng lên. Các giáo viên sẽ trao đổi với nhau những bài học thành công từ thực tế và điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng phương pháp dạy học mới.

Theo nippon.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ