Tuy nhiên, học sinh Nhật luôn quá tải. Sau giờ học, các em phải tham gia các câu lạc bộ ngoại khóa bắt buộc, sau đó là học thêm. Vào những ngày nghỉ, các em phải làm cả núi bài tập về nhà.
Mục tiêu
Năm học ở Nhật bắt đầu vào tháng 4 và có 3 học kỳ. Các kỳ nghỉ của học sinh kéo dài khoảng 2 tháng gồm nghỉ đông, nghỉ xuân và dài nhất là nghỉ hè (hơn 1 tháng). Nhà nước bảo đảm cho học sinh tiểu học (6 năm) và THCS (3 năm) miễn phí. Tiếp theo, cấp THPT không bắt buộc, phải trả phí.
Nói chung, mục tiêu chính của hầu hết mọi trẻ em Nhật từ khi bắt đầu đến trường mẫu giáo là được vào học một trường THPT tốt để sau đó vào học một trường đại học danh tiếng. Điều này sẽ bảo đảm một công việc được trả lương cao.
Trẻ em đến trường từ năm 6 tuổi. Ở tiểu học, hầu như không có điểm và các bài kiểm tra nghiêm túc. Điểm chỉ được chấm để lên lớp. Học sinh tiểu học viết bằng bút chì thường để có thể sửa lỗi. Bài tập về nhà rất ít: Chỉ làm trong khoảng 15 phút.
Học sinh tiểu học hầu như không mặc đồng phục. Nhưng từ lớp Hai, các em được phát 2 chiếc mũ (1 cho mùa hè và 1 cho mùa đông). Nhà trường thông báo chính thức cho phụ huynh khi nào cần thay đổi. Ngoài ra, trong 6 năm tiểu học, học sinh đeo ba lô giống nhau, gọi là “randosera”. Ở các trường phổ thông, ba lô phải đồng màu (nữ màu đỏ, nam màu đen).
Mục tiêu chính của trường tiểu học là rèn luyện học sinh có hạnh kiểm tốt, tính kỷ luật, tự lập, lễ phép và tính tổ chức. Học sinh có hạnh kiểm tốt là luôn chào hỏi, kính trọng thầy, cô giáo và học sinh lớn tuổi, ngoan ngoãn, sạch sẽ, nền nếp.
Học sinh được rèn tính tự lập từ những ngày đầu tiên ở trường. Ngay từ lớp 1, các em phải tự đến trường. Các bậc phụ huynh không được đưa đón con, điện thoại bị cấm ở trường (chỉ học sinh THPT mới được sử dụng). Học sinh tiểu học đến trường theo nhóm do một học sinh 12 tuổi phụ trách. Ở lớp 1, học sinh đội mũ màu vàng để dễ được nhận ra khi sang đường.
Trong các trường phổ thông Nhật không có nhà ăn, vì vậy học sinh ăn trưa trong lớp học. Những học sinh trực nhật phục vụ món ăn và sau đó dọn dẹp.
Một trong những đặc điểm quan trọng của các trường phổ thông Nhật Bản là thành phần của lớp thay đổi hằng năm. Vào cuối năm học, học sinh nộp cho ban giám hiệu tên của 3 học sinh mà các em muốn hoặc không muốn học cùng. Những mong muốn này có thể được lưu ý.
Hằng năm, giáo viên trong lớp cũng thay đổi. Cứ 3 hoặc 4 năm, giáo viên được chuyển từ trường này sang trường khác. Mục đích là tránh thiên vị học sinh trong lớp và để không xảy ra hiện tượng trường mạnh, trường yếu.
Những quy định khắt khe
Nếu như ở trường tiểu học, các quy định với học sinh khá lỏng thì ở THCS, các yêu cầu trở nên khắt khe hơn.
Học sinh THCS bắt buộc phải mặc đồng phục. Đồng phục cổ điển giống kiểu nhà binh. Học sinh nam mặc áo dài cổ đứng và quần tây, thường là màu đen. Học sinh nữ mặc áo cánh cổ thủy thủ, váy xếp ly.
Ngoài đồng phục, nữ sinh không được đeo trang sức, kẻ lông mày, trang điểm. Ngay cả màu tóc cũng không được khác với màu của đa số (màu đen). Nếu tóc của nữ sinh có màu sáng tự nhiên, thì phải mang theo giấy xác nhận của bố mẹ và ảnh chụp hồi nhỏ.
Giáo viên cũng quá tải
Ngày học của học sinh Nhật Bản được lên lịch từng phút. Tùy theo từng trường, buổi học bắt đầu từ 8 – 9 giờ sáng. Học sinh đến muộn bị phạt - dọn dẹp khuôn viên nhà trường. Buổi học kết thúc vào khoảng 3 giờ chiều. Sau đó, học sinh phải quét dọn phòng học. Sau giờ học, học sinh THCS tham gia các nhóm câu lạc bộ ngoại khóa theo sở thích, sau đó đến các lớp học thêm. Kết quả là các em về nhà vào buổi tối muộn và lại ngồi làm bài tập. Ở THCS, học sinh được giao rất nhiều bài tập, đặc biệt là vào cuối tuần và ngày lễ. Người ta cho rằng, đây là thời gian tốt nhất để học bài.
Tuy nhiên, ở Nhật, không chỉ học sinh, mà cả giáo viên cũng bị quá tải. Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), giáo viên Nhật bận rộn nhất thế giới. Họ dành khoảng 54 giờ/tuần cho công việc, trong khi định mức trung bình ở các nước khác là 38 giờ/tuần. Tuy nhiên, xét về giờ dạy, chỉ số của họ dưới mức trung bình, thời gian và sức lực của họ chủ yếu dành cho việc chuẩn bị bài giảng, họp, quản lý các nhóm ngoại khóa...
Tuy vậy, nghề dạy học vẫn được coi là danh giá và được tôn trọng ở Nhật. Để trở thành giáo viên, phải tốt nghiệp đại học và vượt qua kỳ thi năng khiếu nghề nghiệp, sau đó mới được cấp giấy phép giảng dạy. Hơn một nửa số giáo viên trong các trường phổ thông Nhật là nam giới. Lương giáo viên tăng dần theo độ tuổi.
Cải cách giáo dục
Những năm gần đây, các trường phổ thông Nhật Bản nhận thấy nhiều vấn đề trong hệ thống giáo dục cần thay đổi. Điều đáng lo ngại là số lượng học sinh bỏ học ngày càng tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do sự lễ phép của học sinh với giáo viên, nạn bắt nạt, các quy định nghiêm ngặt và sự cấm đoán của nhà trường, vấn nạn học quá tải. Nhiệm vụ đặt ra cho ngành Giáo dục Nhật là giảm áp lực cho học sinh và sự quá tải trong học tập.
Ngoài ra, sự bảo thủ của hệ thống giáo dục Nhật đã khiến cho đất nước Mặt trời mọc bắt đầu tụt hậu so với các yêu cầu hiện nay về kỹ năng và kỹ xảo của học sinh tốt nghiệp. Chính vì vậy, từ năm 2020, chính phủ đã tiến hành một cuộc cải cách giáo dục. Trong các trường học, số giờ học tiếng Anh ngày càng tăng, trọng tâm chuyển từ ghi nhớ máy móc sang chủ động tiếp thu tài liệu trên tinh thần phê phán, đồng thời nền giáo dục đang được số hóa. Mỗi học sinh được cấp một máy tính bảng cùng với một bộ sách giáo khoa ở tất cả môn học.