Nhật Bản: Cải cách chương trình dạy học lịch sử

GD&TĐ - Chương trình dạy học lịch sử ở các trường phổ thông Nhật Bản đang có những thay đổi mạnh mẽ.

Học sinh THPT Nhật Bản.
Học sinh THPT Nhật Bản.

Tháng 4 năm nay, học sinh tiểu học và THCS bắt đầu học môn học mới “Lịch sử đại cương” gồm lịch sử Nhật Bản và các quốc gia khác từ thế kỷ XVIII đến nay. Ông Ogawa Koji - Hiệu trưởng Trường Trung học tỉnh Shonan (Nagano) phân tích về nguyên nhân xuất hiện môn học này và triển vọng của nó theo quan điểm giáo dục toàn diện “Lấy con người làm trung tâm”.

Chú trọng giáo dục toàn diện

Chương trình cơ sở dành cho các trường tiểu học và THCS ở Nhật Bản được thực hiện theo Sách hướng dẫn của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ. Nội dung trước đây của Sách hướng dẫn, lĩnh vực xã hội chỉ có hai môn bắt buộc: “Lịch sử thế giới” và “Nghiên cứu xã hội đương đại”. Sách hướng dẫn mới có ba môn học bắt buộc: “Lịch sử đại cương” (lịch sử thế giới và lịch sử Nhật Bản từ thế kỷ XVIII), “Địa lý đại cương” và “Nghiên cứu xã hội”. Việc giảng dạy các môn học này nhằm hình thành khái niệm cân bằng về Nhật Bản và các quốc gia trên thế giới theo trình tự thời gian, địa lý và xã hội.

Ông Ogawa Koji - Hiệu trưởng Trường Trung học tỉnh Shonan (Nagano).
Ông Ogawa Koji - Hiệu trưởng Trường Trung học tỉnh Shonan (Nagano).

Theo Sách hướng dẫn, môn “Lịch sử đại cương”, học sinh được học lịch sử thế giới và lịch sử Nhật Bản như một quốc gia trên thế giới từ thế kỷ XVIII đến nay nhằm bảo đảm sự hiểu biết một cách toàn diện về môn học, cũng như phát triển các kỹ năng liên quan tới môn học.

Sự đổi mới này có thể được coi là có ý nghĩa lịch sử vì hai lý do. Thứ nhất, lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục công lập Nhật Bản, xuất hiện môn học kết hợp lịch sử Nhật Bản với lịch sử thế giới. Thứ hai, đã có sự chuyển đổi từ dạy học dựa vào việc ghi nhớ một lượng thông tin lớn sang dạy học phát triển, nhằm hình thành kỹ năng.

Chương trình lịch sử tích hợp

Trong “Sách hướng dẫn” đầu tiên dành cho các trường phổ thông, xuất bản vào thời Minh Trị (1868 - 1912), lịch sử Nhật Bản và lịch sử thế giới là những môn học riêng biệt. Lịch sử Nhật Bản được coi là môn học chính ở trường tiểu học, THCS nhằm mục đích giáo dục lòng yêu nước và sự trung thành đối với thiên hoàng. Lịch sử thế giới, cụ thể là lịch sử của các nước phương Tây, chủ yếu được học ở trường THPT.

Năm 1902, sau Chiến tranh Trung - Nhật lần thứ nhất (1894 - 1895), Bộ Giáo dục đã đưa vào môn Lịch sử thế giới dành cho các trường trung học một khối lượng kiến thức lịch sử châu Á. Tại Đại học Tokyo, chương trình lịch sử gồm ba môn - “Lịch sử Nhật Bản”, “Lịch sử phương Đông” và “Lịch sử phương Tây”. Cách tiếp cận này ăn sâu vào hệ thống giáo dục đại học Nhật Bản.

Lịch sử thế giới lần đầu tiên xuất hiện trong chương trình THPT sau Thế chiến thứ Hai đồng thời với việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Lịch sử châu Á được giảng dạy trong khuôn khổ của môn học này. Lịch sử Nhật Bản là một môn học riêng biệt, không liên quan đến lịch sử thế giới. Ở cấp THPT, thông thường học sinh có thể chọn một trong hai môn lịch sử để học và thi vào các trường đại học.

Năm 1989, Bộ Giáo dục Nhật Bản đưa lịch sử thế giới vào danh sách các môn học bắt buộc ở cấp THPT. Chủ trương này gây ra nhiều ý kiến khác nhau. Vì vậy năm 2011, Hội đồng Khoa học Nhật Bản đã đề xuất gộp lịch sử Nhật Bản và lịch sử thế giới thành một môn học. Sau khi đề án này được Hội đồng Giáo dục Quốc gia xem xét, trong chương trình THPT xuất hiện môn học bắt buộc “Lịch sử đại cương” nghiên cứu giai đoạn từ thế kỷ XVIII đến nay.

Học sinh tiểu học Nhật Bản.
Học sinh tiểu học Nhật Bản.

Lịch sử và tư duy phê phán

Theo chương trình, “Lịch sử đại cương” có 2 tiết/tuần và có hai tín chỉ. Nó từ bỏ phương pháp dạy sử truyền thống ở THPT, khi giáo viên phát tài liệu phô-tô và giảng bài, học sinh có thể ghi bên lề những lưu ý, thuật ngữ lịch sử. Chương trình mới phát triển kỹ năng đọc tài liệu lịch sử, đặt câu hỏi về những thay đổi diễn ra trong giai đoạn lịch sử đang học và tìm kiếm lời giải cho những câu hỏi này. Sách giáo khoa mới bao gồm các câu hỏi và các bài tập mẫu để học thêm.

Ví dụ, sách giáo khoa lịch sử đại cương của nhà xuất bản “Jikikkyo Shuppan” (2022) yêu cầu so sánh giai đoạn đầu của quá trình hiện đại hóa ở Nhật Bản vào cuối thời kỳ Edo với các giai đoạn tương tự ở đế chế Ottoman, Ai Cập, Thái Lan và Trung Quốc thời nhà Thanh. Điều này giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn về chuỗi sự kiện lịch sử và hình thành mối quan hệ qua lại giữa Nhật Bản với các quốc gia trên thế giới.

Ngoài ra, sách giáo khoa còn khuyến khích học sinh tham khảo các nguồn tư liệu và cách diễn giải của chúng. Còn việc trình bày các quan điểm khác nhau về các sự kiện giúp học sinh phát triển tư duy và kỹ năng giao tiếp.

Có thể coi chương trình mới về lịch sử của Nhật Bản là bước chuyển lịch sử từ phương pháp học thuộc lòng sang hình thành nền tảng kiến thức để phát triển tư duy phê phán và khả năng giao tiếp.

Sách giáo khoa lịch sử Nhật Bản.
Sách giáo khoa lịch sử Nhật Bản.

Nhiệm vụ của chương trình mới

Chương trình lịch sử đại cương hiện nay cần được hoàn chỉnh. Thứ nhất, vẫn như xưa, sách giáo khoa trình bày quá nhiều sự kiện. Thứ hai, cho đến nay, sách giáo khoa vẫn không cung cấp thông tin tích hợp trong bối cảnh toàn cầu, mà chỉ giải thích các sự kiện riêng lẻ. Ví dụ, sự tăng trưởng nhanh chóng của Nhật Bản sau chiến tranh chỉ được lý giải bằng các yếu tố nội bộ, mà không tính đến các sự kiện toàn cầu như sự phân công lao động quốc tế xuất hiện trong Chiến tranh lạnh, cũng như sự phục hồi kinh tế của toàn bộ khu vực Đông Á nói chung.

Việc chia lịch sử thành ba phân đoạn riêng vẫn được giữ nguyên, nhưng sự xuất hiện của lịch sử đại cương thúc đẩy việc áp dụng phương pháp phân tích tích hợp. Tuy nhiên, để bảo đảm sự tích hợp lịch sử Nhật Bản với lịch sử thế giới một cách thực sự, chương trình THPT cần tiếp tục chỉnh sửa.

Tôi cho rằng cần đưa phương pháp dạy học hợp tác “Lấy con người làm trung tâm” vào danh sách các mục tiêu của chương trình mới. Từ trước đến nay, trên các giờ học lịch sử, thầy giáo thông tuệ và quyền uy đơn phương truyền thụ kiến thức cho học sinh. Nhưng mỗi học sinh có cảm nhận riêng về lịch sử, dựa trên kinh nghiệm sống và tầm kiến thức của mỗi em, vì vậy tất cả các ý kiến đều có giá trị như nhau.

Tôi tin rằng chúng ta nên coi học sinh như những nhà nghiên cứu trẻ. Tôi muốn trên các giờ học sử, giáo viên và học sinh cùng nhau nghiên cứu các vấn đề lịch sử vốn chưa có giải đáp đầy đủ.

Theo nippon.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

GD&TĐ - Độc giả tò mò muốn biết thời xưa, vua chúa nước Việt ăn, chơi Tết thế nào có thể tìm hiểu trong cuốn “Tết chốn vàng son” của tác giả Lê Tiên Long.