Tuy nhiên, việc này lại gây ra rắc rối và phiền toái ở GD bậc cao. Dù sáng kiến thay đổi khai giảng vào tháng 9 xuất hiện từ lâu nhưng các cuộc tranh luận vẫn chưa có hồi kết.
Những bất tiện
Trước tiên, theo hệ thống GD chia năm học thành các học kỳ mà hầu hết các trường ĐH ở Nhật đều áp dụng. Thời khóa biểu đã trở thành tiêu chuẩn bao gồm: Kỳ học đầu tiên kéo dài từ tháng 4 đến tháng 7, sau đó nghỉ hè trong tháng 8 và 9. Học kỳ thứ 2 kéo dài từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau. Trong khi đó tháng 2 và 3 là thời gian thi tuyển sinh, lễ tốt nghiệp và các sự kiện khác lại nằm trong kỳ nghỉ mùa xuân 2 tháng.
Để nhồi nhét tất cả các chương trình giảng dạy vào học kỳ đầu tiên bắt đầu vào tháng 4, các lớp phải tiếp tục học đến cuối tháng 7. Việc ép HS đến lớp giữa cái nóng nực của tháng 7 là điều không hợp lý và buộc các em phải nghỉ hè vào tháng 9 khi trời mát mẻ.
Thứ hai, hầu hết các nước và khu vực có sự trao đổi về GD với Nhật đều có năm học bắt đầu vào tháng 9. Điều này đặt ra vấn đề cho Nhật Bản khi tổ chức trao đổi SV, nhà nghiên cứu và GV với họ. Thứ ba, nó gây bất tiện cho các giáo sư Nhật khi tham gia các hoạt động học thuật quốc tế được lên kế hoạch phù hợp nhất cho năm học bắt đầu vào tháng 9.
Thay đổi thời gian đón năm học mới ở Nhật Bản có thể là cách tăng thêm mối quan tâm của thế giới đối với việc học tập ở Nhật Bản. Đặc biệt, đây là thời điểm Nhật Bản cần thu hút nhân tài quốc tế trong lĩnh vực kỹ năng cao để tăng tính cạnh tranh lâu dài cho đất nước. Ngoài ra, khi giảm bớt rào cản đối với việc du học do thời gian năm học mới lệch với nước khác, giới trẻ Nhật Bản sẽ phát triển tư duy nước ngoài, một mục tiêu quốc gia được Nhật quan tâm.
Việc chuyển khai giảng sang tháng 9 sẽ giúp HS Nhật ra nước ngoài tiếp tục học dễ dàng hơn. Nó còn thay đổi cách thức tìm việc của SV tốt nghiệp trong tương lai vì hầu hết các nhà tuyển dụng đều thuê SV mới tốt nghiệp vào tháng 4. Ngoài ra, việc này cũng sẽ ảnh hưởng tới các lĩnh vực chính trị thường hoạt động vào năm tài chính từ tháng 4 năm này đến tháng 3 năm sau.
Không phải là ý tưởng mới
Việc bắt đầu năm học mới vào mùa thu không phải là ý tưởng mới. Thực tế, cho tới những năm đầu của thế kỷ 20, các trường ĐH Nhật đã theo gương châu Âu bằng cách bắt đầu năm học vào mùa thu. Một số nói rằng ngày này chỉ chuyển sang tháng 4 ở thời đại Taisho (1912 - 1926) vì thông báo quân dịch được gửi đi vào mùa xuân. Rất lâu sau đó, vào năm 1984, Thủ tướng khi đó là Nakasone Yasuhiro mới thành lập một ủy ban trong Hội đồng GD lâm thời để xem xét thời gian của năm học với mục đích cải cách hệ thống trường học của Nhật Bản. Khi làm như vậy, ông đã bắt đầu cuộc tranh luận thực sự về khả năng khai giảng vào tháng 9.
Năm 1984, Bộ Tài chính và Bộ GD đã ngăn cản lời kêu gọi của cộng đồng doanh nghiệp nhằm quốc tế hóa hệ thống GD khi đưa ra lý do là nó tạo thêm gánh nặng tài chính cho chính quyền trung ương và
địa phương.
Quá khó để thực hiện
Vào mùa xuân, khi các trường học Nhật Bản vẫn đóng cửa vì đại dịch Covid-19, người ta đề xuất năm học mới nên bắt đầu vào tháng 9 thay vì tháng 4 để HS không bị mất nửa năm học. Mặc dù đề xuất này thu hút nhiều sự quan tâm nhưng, 40 ngày sau nó đã bị chính phủ phản đối vì cho rằng quá khó để thực hiện.
Bộ GD đưa ra ước tính, việc chuyển khai giảng sang tháng 9 sẽ làm tăng thêm chi phí cho các gia đình với mức 2,5 nghìn tỷ yên vào thời điểm những đứa trẻ đó hoàn thành GD tiểu học và trung học. Sự thay đổi ban đầu có nghĩa là trẻ em phải ở các trường mầm non và mẫu giáo lâu hơn, và sẽ có thêm trẻ em ở nhà trẻ phải chờ đợi.
Mặc dù đề xuất giai đoạn chuyển đổi 5 năm đã được đưa ra, nhưng vào ngày 1/6 vừa qua, nhóm công tác do đảng LDP thành lập đã bỏ mọi quyết định về vấn đề này. Bộ trưởng GD Nhật Bản và Thủ tướng Shinzo Abe cũng nhất trí về sự từ bỏ trên.