Tuy nhiên, bước tiến này cũng vấp phải không ít lo ngại về tác động đến chất lượng đào tạo và sự phát triển của học sinh.
Theo kế hoạch của chính phủ, từ năm 2030, các hội đồng giáo dục địa phương sẽ được quyền lựa chọn giữa 3 mô hình: Dạy học hoàn toàn bằng sách giáo khoa kỹ thuật số, chỉ sử dụng sách giấy hoặc kết hợp cả hai hình thức.
Tuy sách giáo khoa số được phê duyệt từ năm 2019 nhưng chỉ như tài liệu bổ trợ, chưa được đưa vào sử dụng rộng rãi. Điều này khiến tỷ lệ áp dụng còn khiêm tốn, chỉ khoảng 23% giáo viên tiểu học và THCS, và 11,7% giáo viên trung học tích cực sử dụng công cụ trực tuyến vào năm 2024.
Một ví dụ điển hình cho xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục là Trường Trung học Quốc tế Yushi, tại tỉnh Kumamoto, phía Tây Nam Nhật Bản. Từ năm 2024, trường tiên phong triển khai chương trình “siêu vũ trụ” cho phép học sinh tham gia lớp học bằng kính thực tế ảo (VR). Học sinh tương tác qua hình đại diện (avatar) và biệt danh, đánh dấu một bước nhảy vọt trong mô hình lớp học truyền thống.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với sự chuyển mình số hóa này. Những người ủng hộ cho rằng giáo dục kỹ thuật số giúp cá nhân hóa trải nghiệm học tập, hỗ trợ làm việc nhóm tốt hơn và có thể giảm gánh nặng về thể chất cho học sinh - nhất là khi chiếc cặp học sinh Nhật Bản trung bình nặng đến 4,28kg. Trong khi đó, nhóm phản đối lại lo ngại rằng trẻ em dễ bị phân tâm bởi thiết bị, giảm khả năng tập trung, và dễ lạm dụng công nghệ vào mục đích không liên quan đến học tập.
TS Kazuki Mitsui, nhà nghiên cứu tại Đại học Yamanashi, nhấn mạnh việc chuyển đổi sang giáo dục số là điều tất yếu nếu Nhật Bản muốn duy trì năng lực cạnh tranh trong kỷ nguyên công nghệ.
Bộ Giáo dục Nhật Bản cũng bày tỏ quan điểm tương tự trong báo cáo tháng 2/2025, khẳng định việc chuyển sang lớp học kỹ thuật số là cần thiết để thúc đẩy “học tập chủ động, tương tác và chuyên sâu”.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng thừa nhận những lo ngại chính đáng. Học sinh tiểu học, nhất là ở cấp lớp dưới, có thể chưa đủ khả năng nhận thức để sử dụng hiệu quả các công cụ số. Vì vậy, việc áp dụng sẽ được điều chỉnh phù hợp theo từng cấp học.
Một rào cản khác là vấn đề tài chính. Theo luật hiện hành, Nhật Bản miễn phí sách giáo khoa cho học sinh trong 9 năm giáo dục bắt buộc (tiểu học và THCS), ở cả trường công và tư. Nếu sách kỹ thuật số trở thành tiêu chuẩn, chính phủ không chỉ phải đầu tư vào phần mềm học tập, mà còn cần nâng cấp hạ tầng, cung cấp thiết bị cho học sinh và đảm bảo kết nối mạng ổn định trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, trình độ và sự sẵn sàng của giáo viên cũng là yếu tố then chốt. Nhiều giáo viên chưa được đào tạo đầy đủ để xây dựng giáo án tích hợp công nghệ, đồng thời thiếu kỹ năng xử lý sự cố kỹ thuật trong lớp học. Một hiệu trưởng chia sẻ: “Có học sinh ngồi trong lớp nhưng lại mải chơi game, hoặc lướt mạng xã hội. Làm sao chúng tôi có thể kiểm soát toàn bộ hành vi đó trong môi trường số?”.
Mặc dù còn nhiều tranh luận và thách thức, không thể phủ nhận rằng quá trình chuyển đổi số trong giáo dục Nhật Bản là xu thế tất yếu. Nếu được triển khai một cách linh hoạt, hợp lý và có lộ trình rõ ràng, giáo dục kỹ thuật số có thể trở thành bàn đạp để Nhật Bản nuôi dưỡng thế hệ công dân toàn cầu - những người không chỉ giỏi kiến thức, mà còn thành thạo công nghệ, biết cách học suốt đời trong một thế giới liên tục thay đổi.
TS Kazuki Mitsui, nhà nghiên cứu tại Đại học Yamanashi, cho biết: “Công nghệ thông tin và truyền thông là yếu tố không thể thiếu đối với sự tiến bộ kinh tế, xã hội của Nhật Bản. Điều quan trọng là trẻ em phải học cách đánh giá thông tin một cách đúng đắn từ các nguồn kỹ thuật số. Việc nuôi dưỡng năng lực phân tích thông tin số chính là nền tảng cho sự phát triển quốc gia trong tương lai”.